Đại Kỷ Nguyên

Phát hiện một kim tự tháp lớn ở Nam Cực nhờ ảnh chụp vệ tinh từ Google Earths

Dựa trên các dữ liệu ảnh chụp từ vệ tinh, các nhà nghiên cứu gần đây cho rằng có ít nhất một kim tự tháp ẩn sâu bên dưới dải băng rộng lớn của Nam Cực.

Ảnh chụp vệ tinh đã cho thấy một cấu trúc dạng kim tự tháp nằm trên rặng núi chính ở Nam Cực, theo trang Ancient Code.

Điều này cho thấy trong quá khứ xa xôi, khi Nam Cực từng rất khác biệt so với ngày nay, nhiều nền văn minh cổ đại có thể đã từng phát triển trên lục địa hiện phủ đầy băng giá này, để lại đằng sau những công trình hùng vĩ, kể lại câu chuyện về một giai đoạn lịch sử bị giới nghiên cứu chủ lưu bỏ sót hoặc thậm chí phớt lờ.

Sự tương đồng giữa cấu trúc dạng Kim tự tháp ở Nam Cực (bên trái) và Đại Kim tự tháp Giza ở Ai Cập (bên phải) là một điều đáng kinh ngạc.

Trong video đăng tải trên YouTube, Fuentes xem xét các đặc điểm chính của kim tự tháp và các cấu trúc khác nằm trên dải băng rộng lớn ở Nam Cực, sau đó so sánh đối chiếu với Đại Kim tự tháp Giza ở Ai Cập.

Tọa độ của cấu trúc bí ẩn này là: 79°58’39.25″S, 81°57’32.21″W. Độc giả có thể quan sát trên Google Maps hoặc Google Earth.

Cấu trúc bí ẩn dạng kim tự tháp tại Nam Cực, quan sát qua Google Maps.

Giả thuyết cho rằng tồn tại nhiều kim tự tháp ẩn giấu ở Nam Cực đã xuất hiện trong vài thập kỷ trở lại đây. Tuy rằng những người hoài nghi tỏ ra không chắc chắn, và cho rằng những cấu trúc này chỉ đơn thuần là các kiến trúc tự nhiên, các ảnh chụp vệ tinh và lời kể của những người từng trực tiếp đến đây lại cho thấy một câu chuyện hoàn toàn khác.

Hai kim tự tháp tiềm năng khác ở Nam Cực.

Giả thuyết tồn tại các kim tự tháp ở đây đã làm dấy lên nhiều phỏng đoán về việc Nam Cực từng trông như thế nào trong quá khứ xa xôi, bởi một số người cho rằng, nơi đây không phải luôn lạnh lẽo như hiện tại, và điều thú vị là, nhiều kết quả nghiên cứu khoa học thực sự cho thấy Nam Cực là một nơi rất khác biệt trong quá khứ.

Theo kết quả một nghiên cứu vào năm 2012 của các nhà khoa học từ ĐH Southern California cộng tác với NASA, hệ sinh thái của Nam Cực có thể rất khác trong quá khứ. Các mẫu phấn hoa và sáp lá cây được thu thập trong lớp trầm tích biển từ thế Trung Tân (15,5 – 20 triệu năm trước) gần bờ biển Nam Cực cho thấy, vào giai đoạn này có nhiều mưa rơi trên lục địa băng, đủ để kích thích sự phát triển của những rừng cây nhỏ. Ngoài ra nhiệt độ cũng ấm hơn, có thể lên đến 7 độ C vào mùa hè.

Khí hậu Nam Cực thậm chí còn có thể tuyệt vời hơn vào thời kỳ xa xưa hơn nữa.

“Trở ngược lại 100 triệu năm trước, Nam Cực từng được bao phủ bởi những rừng mưa nhiệt đới tương tự như ở New Zealand”, TS Vanessa Bowman trong một nghiên cứu khác nhận định, sau khi xem xét một số mẫu hóa thạch thực vật được khai quật tại Nam Cực – dấu tích tồn tại của các rừng cây hạ nhiệt đới ở đây.

Mẫu hóa thạch của một thân cây xẻ ngang. Số vòng tuổi cho thấy cây này có tuổi thọ cao, đường kính thân lớn. Để phát triển đến kích thước như vậy, Nam Cực hẳn phải có một khí hậu thích hợp (nhiều mưa, nhiệt độ không quá lạnh v.v…).

Theo các nhà nghiên cứu, trong lịch sử lâu dài của mình, Nam Cực từng nằm xa hẳn về phía bắc, do đó có một khí hậu nhiệt đới hoặc ôn đới. Điều này có nghĩa là nó từng được bao phủ bởi rừng cây, và là nơi cư trú của nhiều loài sinh vật cổ đại.

Điều này có nghĩa gì? Với thực tế còn rất nhiều điều chúng ta chưa biết về sự sống trên Trái Đất trong quá khứ xa xôi, và dựa trên các vết tích cho thấy Nam Cực từng được “phủ xanh”, nhiều khả năng con người từng sinh sống trên lục địa hiện băng giá này, và phát triển được một hoặc nhiều nền văn minh tương tự như các nơi khác; Châu Âu, Châu Mỹ, Châu Á, v.v…

Tuy rằng giả thuyết này không được nhiều học giả chủ lưu đón nhận, nhưng cách duy nhất để biết chắc những bí ẩn ẩn giấu bên dưới lớp băng Nam Cực là bằng cách khám phá lục địa này và cho phép công chúng được nhìn thấy kết quả.

Trên thực tế, đây không phải là trường hợp duy nhất. Nếu đến Bắc Phi, chúng ta sẽ biết rằng từ lâu giới học giả và các nhà Ai Cập học đã xem xét khả năng bức Tượng Nhân sư có thể có niên đại lên đến hơn 10.000 năm, tức lớn hơn rất nhiều so với chính bản thân nền văn minh Ai Cập (cách đây khoảng 5000 năm). Do đó nó có thể thuộc về một nền văn minh tiền Ai Cập.

Giả thuyết này được dựa trên các vết tích xói mòn do nước trên bức Tượng Nhân sư, mà theo các học giả là do trong quá khứ xa xôi, nơi đây từng có một lượng mưa rất lớn. Không chỉ khu vực này, mà sa mạc Sahara khô nóng lân cận – sa mạc lớn nhất thế giới – cũng từng là một thảm cỏ xanh màu mỡ.

Xem thêm:

Điều này có nghĩa là nếu khí hậu ở Châu Phi và các khu vực khác trên thế giới thay đổi nhanh chóng, có khả năng điều tương tự cũng xảy ra ở Nam Cực trong quá khứ xa xôi.

Nếu các nhà nghiên cứu có thể chứng minh rằng các kim tự tháp ở Nam Cực (đây là cấu trúc dạng kim tự tháp thứ 3 được phát hiện ở Nam Cực), khám phá này có thể gây nên một sự thay đổi lớn đối với nhận thức về lịch sử nhân loại.

Video bình luận về cấu trúc dạng kim tự tháp ở Nam Cực của nhà nghiên cứu Vicente Fuentes:

Quý Khải (theo Ancient Code)

Xem thêm:

 

Exit mobile version