Đại Kỷ Nguyên

Phát hiện nền văn minh ngoài hành tinh, công bố cho thế giới như thế nào?

(Ảnh: NASA)

Sau vô số các viễn cảnh hư cấu của việc con người tiếp xúc với các nền văn minh ngoài hành tinh, tôi nghĩ chúng ta nên chuẩn bị cho việc thực sự khám phá ra một nền văn minh thực sự. Tất nhiên việc tìm ra sinh vật thông minh bên ngoài Trái Đất sẽ là một trong những khoảng khắc chấn động nhất lịch sử nhân loại.

Giả sử bạn vừa phát hiện ra một nền văn minh ngoài hành tinh, vậy bạn sẽ công bố tin tức này như thế nào? Đây là một nhiệm vụ quan trọng, và tôi đã tham gia biên soạn một số hướng dẫn cho các nhà khoa học tham gia vào cuộc tìm kiếm sự sống ngoài hành tinh. Nghiên cứu này dự kiến sẽ được đăng trên tạp chí Acta Astronautica.

Với hàng triệu đô la hiện đang được đầu tư vào các dự án như chương trình Tìm kiếm sinh vật thông minh ngoài Trái Đất (Search for Extraterrestrial Intelligence – SETI), một số người cho rằng sẽ chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi chúng ta bắt gặp sinh vật thông minh. Cá nhân tôi không cảm thấy bị thuyết phục, nhưng tâm lý bi quan là không đủ lý do để từ bỏ cuộc tìm kiếm. Nguyên tắc khoa học yêu cầu chúng ta kiểm chứng các giả thuyết bằng các quan sát và thí nghiệm – bất chấp các thành kiến ban đầu của chúng ta.

Nếu có khi nào chúng ta tìm thấy các dấu hiệu của sinh vật thông minh, tôi không kỳ vọng nó sẽ tồn tại dưới dạng một thông điệp từ một nền văn minh ngoài Trái Đất. Có lẽ nó sẽ là thứ gì đó bình thường hơn, ví như các dấu hiệu của tình trạng ô nhiễm môi trường nhân tạo trong bầu khí quyển của một ngoại hành tinh, hay thậm chí dưới dạng thức các công trình khổng lồ được xây dựng trong không gian để thu thập năng lượng và cung cấp các hoàn cảnh sinh sống.

Trong một số công trình vào vài năm trước đây, tôi đã cho thấy rằng chúng ta sẽ có thể quan sát được những siêu công trình như vậy trong các số liệu chuyển tiếp ngoại hành tinh (exoplanet transit data), ví như các số liệu được thu thập bởi Kính thiên văn Kepler.

Đúng là kính thiên văn Kepler đã nhìn thấy những vật thể kỳ lạ như ngôi sao Tabby’s Star, KIC 8426582, với các đặc điểm tương đồng như được phỏng đoán sẽ đến từ các cấu trúc nhân tạo. Nhưng giống với hầu hết các nhà thiên văn, tôi vẫn cảm thấy khá hoài nghi – một nhóm sao chổi chuyển động xung quanh Tabby’s Star và tạo nên những sự thay đổi độ sáng cực lớn vẫn là một cách giải thích hợp lý hơn.

Tuy nhiên, điều thật sự đáng khích lệ với thực tế này là nó cho thấy chương trình SETI có thể được tiến hành “với chi phí tiết kiệm”, khi lợi dụng các số liệu thiên văn có sẵn trong công chúng để tìm kiếm sinh vật ngoài hành tinh. Đối với một người tiêu cực như tôi, dường như đây là một chiến lược phù hợp hơn rất nhiều.

Siêu công trình ngoài hành tinh hay chỉ là các sao chổi? (Ảnh: NASA)

Sự nhộn nhịp của cộng đồng mạng xoay quanh ngôi sao Tabby’s star – các trang blog, các dòng tweet, các câu chuyện thời sự và chiến dịch vận động trên trang Kickstarter nhằm khuyến khích công chúng chia sẻ kinh phí để tiến hành các quan sát bổ sung – cho thấy thế giới đã trở nên khác biệt như thế nào kể từ khi chương trình SETI được khởi động vào khoảng 60 năm về trước.

Thế giới siêu kết nối

Nếu khi nào đó bằng chứng về sự sống ngoài hành tinh đến với chúng ta từ các ngôi sao, thì những người khám phá ra chúng nên làm gì tiếp theo? Đây là điều mà các nhà sinh học thiên thể đã suy nghĩ trong nhiều thập kỷ. Năm 1989, một ủy ban gồm các nhà khoa học từ chương trình SETI thậm chí đã soạn thảo một bộ các giao thức hậu khám phá (post-detection protocols) nhằm hướng dẫn các nhà khoa học tiến hành các bước kế tiếp sau khi phát hiện thành công sự sống ngoài hành tinh. Những bước này bao gồm việc nhờ các đồng nghiệp hỗ trợ xác nhận kết quả phát hiện, và thông báo cho “các ban ngành hữu quan” (chính xác là ai thì tôi không rõ), sau đó đến cộng đồng khoa học rồi mới đến công chúng thông qua một thông cáo báo chí.

Tuy nhiên, bộ các nguyên tắc này đã được soạn thảo trước khi xuất hiện mạng Internet. Vào thời đó, chúng ta biết được tin tức mới thông qua báo giấy hoặc màn hình TV. Thậm chí tin tức cập nhập liên tục 24/7 cũng còn đang ở giai đoạn ban đầu. Ngày nay, thế giới tin tức là một phạm vi rời rạc các bài viết xuất hiện trên các thiết bị điện tử (di động, máy tính, …) và trong các dòng cập nhập trạng thái (news feed) thông qua một loạt các trang mạng xã hội, được chia sẻ bởi gia đình và bạn bè của chúng ta. Dòng chảy thông tin lưu chuyển cực kỳ nhanh chóng, và có thể dễ dàng bị phóng đại và bóp méo.

Đó là lý do tại sao tôi và anh bạn đồng nghiệp Alexander Scholz đã quyết định áp dụng một cách nhìn khác về vấn đề này, khi đặt câu hỏi liệu các giao thức hậu khám phá của SETI nên phải thay đổi như thế nào để phản ánh thế giới siêu kết nối như của chúng ta hiện nay.

Chúng tôi đã nhanh chóng nhận ra rằng các nhà khoa học cần được chỉ dẫn ngay cả trước khi bắt đầu thí nghiệm, chứ chưa nói đến việc sau khi đã có một khám phá mới. Một thông lệ phổ biến hiện nay đối với các dự án khoa học mới là thiết lập một trang blog miêu tả công việc của họ, và điều này cũng sẽ trở nên cần thiết đối với SETI. Trang blog này cần bao hàm một miêu tả rõ ràng về mục đích của một dự án nhất định, và các tiêu chí cho một khám phá thành công, trường hợp dương tính giả và trường hợp phát hiện rỗng. Điều này sẽ giúp các nhà báo cũng như công chúng tránh được việc diễn giải sai lệch các kết quả được đưa ra.

Các cá nhân có liên quan cần phải trở thành những người truyền đạt công việc của họ một cách đáng tin cậy, nên việc duy trì một cánh cổng giao tiếp điện tử (trang blog, trang web, mạng xã hội, …) tốt vào những giai đoạn ban đầu là cực kỳ hữu dụng. Một ví dụ điển hình là dự án tìm kiếm sự sống ngoài hành tinh Breakthrough Initiative, với một trang web, trang Youtube, trang Facebook, và trang Twitter.

Xem thêm:

Chúng tôi cũng muốn lưu ý rằng họ nên nâng cấp các thiết lập bảo mật của mình để tránh những kẻ bất chính công bố danh tính cá nhân của họ – thật không may lại là một rủi ro hết sức thực tại ngày nay.

Nếu một nhóm nghiên cứu đủ may mắn để thậm chí có được một khám phá dù không chắc chắn và chưa được xác nhận, họ phải chắc rằng họ không có gì phải che giấu. Các vụ rò rỉ thông tin là điều không thể tránh khỏi, và đang xuất hiện một cách nhanh chóng đến mức báo động. Không ai muốn một bản tin giật tít “phát hiện được người ngoài hành tinh” nhưng hóa ra lại là sai lệch. Điều tốt nhất là hãy công bố các số liệu ngay tức thì. Nếu thật sự vụ khám phá chưa được xác nhận, và các nguyên nhân tự nhiên hoặc nhân tạo là chưa thể được loại trừ, thì sẽ không có chỗ để những người theo thuyết âm mưu than vãn về sự thông đồng của các nhà khoa học với những tay Đặc vụ áo đen Men in Black (lời buộc tội từng bị quăng vào tôi không chỉ một lần). Nó cũng cung cấp cho các nhà khoa học khác cơ hội để xem xét các số liệu, và xác nhận vụ khám phá.

Tất nhiên, tất cả chúng ta đều đã nhìn thấy một vài bình luận trên YouTube và một số mạng xã hội khác – có những người không quá đĩnh ngộ ở khắp mọi nơi, và dường như chẳng bao giờ dứt việc các thảo luận tốt trên phương diện khoa học bị lẫn lộn với những lời chỉ trích kịch liệt và những phát ngôn mang tính thù hận. Do đó, lời khuyên quan trọng nhất đối với các nhà khoa học là hãy tự mình tham gia vào cuộc đối thoại.

Nếu một vụ khám phá đã được công bố hóa ra lại là sai, thì nhóm nghiên cứu nên lập tức đưa ra một tuyên bố chính thức để nó rõ ràng rằng chưa có người ngoài hành tinh nào được phát hiện và nguyên do tại sao. Họ thậm chí nên đăng một bài viết để rút lại lời tuyên bố trước đó nếu thấy cần.

Nhưng bất kỳ ai chẳng may phát hiện được sự sống ngoài hành tinh cũng nên chuẩn bị tinh thần để khám phá mới cuốn lấy phần đời còn lại của họ – sẽ không có nhiều thời gian cho những điều khác. Công việc mới của họ sẽ là hỗ trợ nhân loại đối mặt [đối phó?] với một chủng sinh vật mới, cũng chỉ là một trong nhiều nền văn minh có trí thông minh trong vũ trụ thôi mà…

Tác giả: Duncan Forgan, The Conversation.
Đọc bản gốc ở đây.
Quý Khải biên dịch

Xem thêm:

Exit mobile version