Đại Kỷ Nguyên

Phát hiện ‘nước sôi’ trên Sao Hỏa nhờ các khe rãnh bí ẩn trên bề mặt

(Ảnh chụp màn hình/YouTube)

Các nhà nghiên cứu từ Đại học Nantes (Pháp) và Đại học Open (Anh) đã đi đến kết luận rằng các khe rãnh bí ẩn được quan sát trên bề mặt hành tinh đỏ đã được tạo ra do nước sôi từ trong lòng các hồ chứa ngầm dưới mặt đất. Hành tinh đỏ này còn đang che giấu những bí mật nào khác?

Các khe rãnh tối bí ẩn, được gọi là các đường sọc dốc tái lặp (recurring slope lineae – RSL), nằm trên bờ tường dốc của một miệng núi lửa trên sao Hỏa. Các nhà nghiên cứu đã kết luận rằng chúng đã được tạo ra bởi lượng nước sôi ngầm dưới bề mặt. (Ảnh: NASA/JPL-Caltech/Đại học Arizona)

Không có gì mới mẻ khi phát hiện được nước lỏng trên bề mặt hành tinh đỏ. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là các nhà nghiên cứu đã phát hiện được các bể chứa nước ngầm đang sôi dưới bề mặt, kiến tạo nên các đặc điểm kỳ dị trên bề mặt Sao Hỏa.

Các nhà khoa học từ trường Đại học Open ở Anh đã tiến hành một loạt các thí nghiệm để xác định cách thức hình thành của một bộ các khe rãnh bí ẩn trên bề mặt Sao Hỏa. Lúc đầu, người ta tin rằng các khe rãnh này đã được tạo ra do dòng chảy của nước muối. Tuy nhiên, bằng chứng mới đã dẫn đến một kết luận khác.

Hóa ra lượng nước thấm dọc bề mặt hành tinh vào mùa hè trên Sao Hỏa đã đun sôi một cách mãnh liệt đến nỗi đủ sức thổi bay lớp đất bề mặt, tạo thành của các khe rãnh bí ẩn làm chấn động các nhà khoa học kể từ lần đầu tiên chúng được phát hiện trên bề mặt Sao Hỏa.

Các nhà nghiên cứu tin rằng các khe rãnh định kỳ theo mùa này đã được hình thành trong những tháng hè trên Sao Hỏa và có thể trải dài hàng trăm mét, dọc xuống các vách đá, các con mương, và các bờ tường miệng núi lửa trên bề mặt hành tinh, trước khi biến mất vào mùa đông khắc nghiệt.

Nhờ vô số các bức ảnh chụp từ bên ngoài quỹ đạo, các nhà nghiên cứu đã khám phá ra bằng chứng cho thấy vệt rãnh bí ẩn đã được tạo thành bởi dòng nước chảy trên Sao Hỏa. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đã phải chật vật tìm cách giải thích cho nguyên nhân những vệt rãnh bí ẩn này phát triển đến một kích thước lớn đến vậy.

Đó là lý do tại sao Marion Massé từ Đại học Nantes và các đồng nghiệp của cô đã sử dụng một buồng chứa môi trường để tái tạo một môi trường áp suất khí quyển thấp tương tự như trên Sao Hỏa. Với thực tế rằng Sao Hỏa được bao phủ bởi một màn khí ga mỏng, nên áp suất khí quyển của nó bằng khoảng 0,5% so với trên Trái Đất.

Các thí nghiệm cho thấy dòng nước chảy qua các trầm tích ngay bên dưới bề mặt Sao Hỏa đã sôi một cách mãnh liệt, đủ để đẩy các hạt bụi bay ra khỏi lớp đất trên Sao Hỏa thành các đống bụi nhỏ, vốn rốt cục đã kích hoạt các vụ sạt lở cỡ nhỏ.

Khám phá này sẽ thúc đẩy các nhà nghiên cứu xem xét lại các con số ước tính lưu lượng nước chảy trên Sao Hỏa, vì các mương rãnh trên bề mặt hành tinh đỏ là sâu hơn so với nhận định trước đó.

Đoạn video quay cảnh thí nghiệm đã cho thấy rõ nét các hạt trầm tích được đẩy lên không trung trước khi hạ xuống trở lại mặt đất, tạo thành các luống đất bồi đắp cao hơn và cao hơn nữa cho đến khi sụp đổ, tạo nên một vụ sạt lở cỡ nhỏ đẩy các nguyên vật liệu xuống dốc.

Marion Massé đã đi đến kết luận rằng quá trình này có thể đóng một vai trò nhất định trong sự hình thành các khe rãnh trên Sao Hỏa.

“Nếu bạn có nước sôi, các hạt nhảy, và những vụ sạt lở này, bạn có thứ gì đó lớn hơn, lớn hơn rất nhiều so với nước đơn thuần”, TS Susan Conway, một đồng tác giả nghiên cứu, nói.

Tuy nhiên, nguồn nước tạo ra những khe rãnh này vẫn chưa được biết rõ. Các nhà nghiên cứu phỏng đoán rằng lượng nước này có thể đã ngưng tụ lại thành nước tinh khiết từ bầu khí quyển mỏng của Sao Hỏa, hoặc dâng lên dưới dạng nước muối từ bên trong các bể chứa ngầm bên dưới bề mặt.

Bình luận về phát hiện mới này, TS Wouter Marra từ Đại học Utrecht (Hà Lan) cho rằng có khả năng lượng nước sôi nhanh chóng dưới bề mặt hành tinh đỏ có thể sẽ giúp giải thích các đặc điểm địa chất khác trên bề mặt của người hàng xóm gần nhất với chúng ta.

Xem video từ thí nghiệm dưới đây:

Tác giả: Ivan Petricevic, Ancient-code.
Đăng tải với sự cho phép. Đọc bản gốc ở đây.
Quý Khải biên dịch

Xem thêm:

Exit mobile version