Một thợ săn vừa mới phát hiện được một con tê giác lông dày con có niên đại ít nhất 10.000 năm tuổi.
Loài động vật đã tuyệt chủng này đã được tìm thấy trong lớp băng vĩnh cửu của Siberia, và đây là mẫu vật chưa trưởng thành đầu tiên của loài tê giác này được tìm thấy ở khu vực đó. Cơ thể nó đã được bảo quản tốt đến nỗi lớp lông bên ngoài vẫn còn nguyên vẹn. Các nhà khoa học tin rằng chú tê giác này mới chỉ được khoảng 18 tháng tuổi khi nó chết.
Những phần di thể còn lại của chú tê giác lông dày (Ảnh: Ysia.ru)
“Phát hiện này là cực kỳ độc đáo. Chúng ta có thể đếm trên đầu ngón tay số lượng tê giác lông dày trưởng thành đã được tìm thấy trên khắp thế giới. Trước đây chúng ta chưa từng tìm được một con tê giác nhỏ như vậy”, Albert Protopopov, trưởng khoa nghiên cứu về hệ động vật Ma-mút tại Học viện Khoa học của Cộng hòa Sakha phát biểu trên thời báo Siberia.
“Ngay cả tìm thấy hộp sọ của một con tê giác con cũng là điều rất may mắn rồi. Một cách lý giải có thể là tê giác là loài sinh sản rất chậm. Tê giác mẹ bảo vệ con con rất tốt, vì vậy các trường hợp tấn công được chúng là cực kỳ hiếm hoi, và tỷ lệ tử vong là rất thấp”.
Dưới đây là video về cuộc khám phá Sasha – chú tê giác lông dày còn nhỏ:
Chú tê giác này đã được phát hiện tại một trong những vùng đất rộng lớn nhất và lạnh nhất của Nga – Cộng hòa Sakha – cũng được gọi là Yakutia, theo thông tin từ trang Daily Mail. Một thợ săn địa phương tên là Alexander Banderov đã tình cờ bắt gặp phần di thể còn lại của con tê giác này trong một khe núi vào tháng 9/2014, và lúc đầu ông cho rằng mình đã tìm thấy một con tuần lộc.
Nhờ có chiếc sừng tê giác nhỏ mà Banderov mới nhận ra sự khác biệt.
Protopopov cho biết: “Ngay cả nếu chúng ta biết được hình thái của [tê giác] trưởng thành, thì chúng ta cũng không biết gì về các con con của chúng. Cho đến nay, chúng ta thậm chí chưa tìm thấy bộ răng, nhưng giờ đây chúng ta lại có đủ cả hộp sọ, đầu, phần mô mềm, bộ răng, có lẽ đều trong điều kiện tốt. Tất nhiên, đầu tiên chúng ta sẽ xem xét ADN, bởi mẫu vật này chưa tan băng và tồn tại khả năng là mẫu ADN của con tê giác này được bảo quản tốt hơn những mẫu vật được phát hiện trước đây. Tôi nghĩ chúng ta có thể nhận được những kết quả đầu tiên trong một hoặc hai tuần tới”.
Những phần di thể còn lại của chú tê giác Sasha được tìm thấy vào 9/2014 (Ảnh: Yasia.ru)
Loài tê giác lông dày được nghiên cứu ít hơn nhiều so với ma-mút lông dày, vì số mẫu vật được phát hiện là ít hơn. Đầu năm nay, xương của một chú ma-mút lông xoăn cũng được phát hiện ở sân sau của một ngôi nhà ở bang Michigan, Mỹ – theo Inquisitr đã đưa tin trước đó.
Buổi giới thiệu Sasha với thế giới:
Nói chung, so với voi ma-mút, loài tê giác lông dày được nghiên cứu không nhiều, và các con non của loài này thậm chí còn ít được giới khoa học biết đến hơn. Các nhà khoa học Nga và ở nhiều nước khác tham gia nghiên cứu đều hy vọng rằng “Sasha” sẽ giúp tiết lộ các điều kiện sinh sống của loài động vật này. Những kết quả đầu tiên sẽ được công bố trong một vài tuần tới, tuy nhiên một phân tích chuyên sâu hơn có thể cần đến 6 tháng, theo thông tin từ rt.com.
Chúng ta sẽ cần phải chờ tin tức của bản báo cáo đầu tiên để biết họ phát hiện được những gì.
Troy Oakes, Vision Times
Biên dịch: Hồng Liên