Khoảng hơn một nửa thế kỷ trước, ẩn sâu trong vùng rừng rậm Guatemala (quốc gia Trung Mỹ, ngay dưới Mexico), người ta đã phát hiện được một khối đá khổng lồ hình đầu người. Khuôn mặt này có những đường nét chạm khắc rất tinh xảo, với đôi môi mỏng và cái mũi lớn đang hướng ánh nhìn lên trên.
Điều kỳ dị là, khuôn mặt này có đặc điểm của người da trắng, vốn khác biệt với bất kỳ chủng tộc tiền Tây Ban Nha nào ở Châu Mỹ (trước khi thực dân Tây Ban Nha đặt chân lên Trung và Nam Mỹ). Khám phá này đã nhanh chóng thu hút sự chú ý của dư luận, nhưng lại nhanh chóng bị lãng quên theo dòng lịch sử.
Mọi sự bắt đầu khi Tiến sĩ Oscar Rafael Padilla Lara, một luật sư và công chứng viên, nhận được một ảnh chụp cái đầu vào năm 1987. Đoạn miêu tả trên bức ảnh cho biết nó được chụp vào những năm 1950 bởi người chủ sở hữu vùng đất nơi cái đầu được phát hiện và nó nằm ở “đâu đó trong vùng rừng rậm Guatemala”.
Tượng đầu đá ở Guatemala. Bấm vào ảnh để phóng to. (Ảnh: Internet)
Bức ảnh và câu chuyện này đã được đề cập trong một bài viết nhỏ trên bản tin ‘Ancient Skies’. Bài viết này sau đó đã lọt vào tay nhà thám hiểm và tác giả nổi tiếng David Hatcher Childress, và ông đã chủ động tìm hiểu thêm về cái đầu đá bí ẩn này. Ông đã lần theo hành trình của TS Padilla, vì TS Padilla từng nói đã tìm được chủ nhân mảnh đất nơi tảng đá nguyên khối được phát hiện, gia đình Biener. Di chỉ này nằm 10 km cách một ngôi làng nhỏ ở La Democracia, miền nam Guatemala.
Tuy nhiên, TS Padilla cho biết ông rất thất vọng khi đến di chỉ và nhận thấy khu vực này đã bị phá hủy: “Khoảng 10 năm trước, quân cách mạng đã đến phá hủy nơi này. Chúng tôi tìm thấy bức tượng quá muộn. Quân nổi dậy đã dùng nó làm bia tập bắn. Việc này khiến nó bị biến dạng hoàn toàn, giống tượng Nhân sư Ai Cập bị quân Thổ bắn vỡ mũi, nhưng thậm chí tệ hơn”, ông nói. Cặp mắt, mũi, và miệng đã hoàn toàn biến mất. TS Padilla đo chiều cao bức tượng vào khoảng 4-6 m, từ phần đầu xuống đến phần cổ. TS Padilla đã không thể trở lại di chỉ này do các cuộc tấn công vũ trang giữa quân chính phủ và quân nổi dậy.
Hình minh họa một tượng đầu đá (không phải cái đầu đá trong bài này) được phát hiện ở Monte Alto, Guatemala. (Ảnh: Internet)
Cái đầu đá bị phá hủy đồng nghĩa câu chuyện kết thúc một cách chóng vánh, cho tới khi nó được lật lại lần nữa vài năm trước bởi các nhà làm phim “Revelations of the Mayans 2012 and Beyond” (Các khám phá về người Maya 2012 và hơn thế nữa). Họ đã dùng bức ảnh chụp đầu đá để chứng minh người ngoài hành tinh từng tiếp xúc với nền văn minh cổ đại. Nhà sản xuất đã đăng tải một văn bản của nhà khảo cổ học người Guatemala, ông Hector E Majia. Trong văn bản, ông viết: “Tôi xin xác thực rằng di tích này không có đặc điểm của văn minh Maya, Nahuatl, Olmec hay bất kỳ nền văn minh tiền Tây Ban Nha nào khác. Nó được tạo ra bởi một nền văn minh tiên tiến và siêu đẳng với vốn kiến thức cao siêu, nhưng không có bất kỳ ghi chép nào về sự tồn tại của nó trên Trái Đất”.
Tuy nhiên, không chỉ không hỗ trợ việc nghiên cứu tảng đá nguyên khối này, văn bản này còn có tác dụng ngược lại, khi ném toàn bộ câu chuyện vào tay những khán giả hoài nghi chính đáng; họ cho rằng tất cả chỉ là một trò giật gân câu khách. Ngay cả lá thư cũng bị một số người chất vấn về tính xác thực.
Dù sao, có vẻ như cái đầu đá khổng lồ này đã từng tồn tại và không có bằng chứng cho thấy bức ảnh nguyên gốc là giả mạo hay câu chuyện của TS Padilla là bịa đặt. Vậy nếu giả sử nó là thật, thì câu hỏi đặt ra là: Nó đến từ đâu? Ai đã làm ra nó? Và vì nguyên nhân gì?
Khu vực cái đầu đá được phát hiện, La Democracia, trên thực tế đã rất nổi tiếng với các cái đầu đá tương tự, và giống cái đầu đá được phát hiện bên trên, chúng cũng ngửa mặt lên trời. Những cái đầu đá này được cho là sản phẩm của văn minh Olmec, vốn phát triển rực rỡ trong giai đoạn 1400-400 TCN. Trung tâm của nền văn minh Olmec nằm ở những vùng đất thấp của Vịnh Mexico, tuy nhiên, nhiều món đồ tạo tác, trang trí, công trình và biểu tượng theo phong cách Olmec đã được phát hiện tại những di chỉ cách đó hàng trăm cây số, bao gồm khu vực La Democracia.
Tượng đầu đá của nền văn minh Olmec. (Ảnh: Internet)
Tượng đầu đá của nền văn minh Olmec. (Ảnh: Internet)
Tượng đầu đá của nền văn minh Olmec. (Ảnh: Internet)
Tượng đầu đá của nền văn minh Olmec. (Ảnh: Internet)
Tuy nhiên, cái đầu đá trong bức ảnh năm 1950 không có cùng đặc điểm hay phong cách với đầu đá Olmec. Phillip Coppens là cố tác giả người Bỉ , người dẫn chương trình radio và bình luận viên truyền hình xoay quanh chủ đề lịch sử thay thế (alternative history-khác với lịch sử chính thống). Ông đặt câu hỏi liệu cái đầu đá này “là một tạo phẩm dị biệt của thời Olmec, hay phải chăng nó thuộc về một nền văn minh khác, chưa được biết đến, xuất hiện trước hoặc sau nền văn minh Olmec, với hiện vật duy nhất được phát hiện cho đến nay là cái đầu đá Padilla này”.
Một số câu hỏi khác đã được đưa ra, ví như cấu trúc này chỉ là một cái đầu, hay có một thân thể phía bên dưới, giống các bức tượng trên đảo Phục Sinh, và liệu cái đầu đá này có liên hệ với cấu trúc nào khác trong khu vực không. Những câu hỏi này rất đáng cân nhắc, nhưng đáng tiếc, dường như sự quảng bá di chỉ này thông qua bộ phim “Revelations of the Mayans 2012 and Beyond” chỉ càng làm câu chuyện bị chôn vùi sâu hơn vào lịch sử. Hy vọng một nhà thám hiểm tham vọng nào đó sẽ tiếp bước cuộc hành trình dang dở, điều tra sâu hơn để tìm ra sự thật về công trình bí ẩn này.
Tác giả: April Holloway, Ancient Origins.
Đăng tải với sự cho phép. Đọc bản gốc ở đây.
Quý Khải biên dịch
Xem thêm: