Các nhà khoa học gần đây đã nghiên cứu bảy loài rùa trên ba đại dương khác nhau và phát hiện ra rằng tất cả các cá thể của mỗi loài đều có vi hạt trong ruột của chúng.
Có tới hơn 5 nghìn tỷ mảnh nhựa siêu nhỏ đang tồn tại trong bảy vùng biển, tất cả đều là kết quả trực tiếp của ô nhiễm do con người tạo ra. Những năm gần đây chúng ta được biết tới vi hạt nhựa – microplastic là các hạt nhựa nhỏ hơn 5 mm. Trong khi những tác động chính xác của chúng đối với đời sống sinh học vẫn chưa rõ ràng, nghiên cứu mới này bổ sung thêm những tác hại tiềm tàng của các vi hạt nhựa với đời sống con người.
Rõ ràng rằng việc ăn hàng trăm các vi hạt nhựa này không bao giờ được coi là nền tảng của chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng cho bất kỳ sinh vật nào.
Một sự hợp tác giữa các nhà khoa học từ Đại học Exeter ở Anh, Phòng thí nghiệm Hàng hải Plymouth và Phòng thí nghiệm nghiên cứu Greenpeace đã tìm thấy bằng chứng về vi hạt nhựa trong tất cả 102 con rùa được nghiên cứu. Tổng cộng, hơn 800 vi hạt nhựa đã được phát hiện trong bộ phận tiêu hóa của chúng, trung bình tám mảnh trên mỗi con rùa. Tuy nhiên, vì họ chỉ kiểm tra đầy đủ một phần nhỏ trong ruột của mỗi con rùa, họ ước tính rằng con số thực có thể cao hơn.
Ông Lou Lou Edge Edge, nhà vận động chống rác thải nhựa tại Greenpeace cho biết: “Xã hội của chúng ta với lượng nhựa thải ra khổng lồ đang thúc đẩy một cuộc khủng hoảng môi trường toàn cầu mà chỉ có thể được giải quyết từ nguồn gốc chính của nó.
Tiến sĩ Penelope Lindeque của Phòng thí nghiệm Hàng hải Plymouth cho biết thêm: “Từ công việc của chúng tôi trong nhiều năm qua, chúng tôi đã tìm thấy vi hạt nhựa trong gần như tất cả các loài động vật biển mà chúng tôi kiểm tra, từ động vật phù du nhỏ ấu trùng cá, cá heo và bây giờ là rùa.”
Theo báo cáo trên tạp chí Global Change Biology, nghiên cứu đã xem xét tất cả bảy loài rùa sống ở biển, được gọi chung là Chelonioidea ở Đại Tây Dương và Thái Bình Dương, cũng như Biển Địa Trung Hải. Tất cả các con rùa đã chết vì bị mắc kẹt hoặc gặp tai nạn ngẫu nhiên.
Sau khi cơ thể của chúng được phát hiện, chúng đã được khám nghiệm tử thi và kiểm tra đường ruột, liên quan đến một kỹ thuật tiêu hóa enzyme chuyên biệt để xác định thành phần của dạ dày của những con rùa biển này. Như đã đề cập, tất cả 102 cá thể rùa đều có chứa vi hạt nhựa.
Tiến sĩ Emily Duncan thuộc Đại học Exeter cho biết :”Ảnh hưởng của các hạt này đối với rùa là chưa rõ. Kích thước nhỏ của chúng có nghĩa là chúng có thể đi qua ruột mà không gây tắc nghẽn, như thường được báo cáo với các mảnh nhựa lớn hơn.
Tuy nhiên, công việc trong tương lai nên tập trung vào việc liệu các vi hạt nhựa có thể ảnh hưởng đến sinh vật dưới nước một cách tinh tế hơn hay không. Ví dụ, chúng có thể mang theo chất gây ô nhiễm , vi khuẩn hoặc virus, hoặc chúng có thể ảnh hưởng đến rùa ở cấp độ tế bào hoặc dưới tế bào. Điều này đòi hỏi phải tiến hành thêm nhiều thử nghiệm khác.”
Ô nhiễm rác thải nhựa đang ở mức tồi tệ nhất trong lịch sử, trên cả đất liền và đại dương, đâu đâu cũng thấy nhựa, chúng hủy hoại môi trường và xâm nhập vào các chuỗi thức ăn. Trong quá khứ, nhựa đã từng được tôn vinh như một trong các phát kiến vĩ đại của khoa học, nhưng sự thực là ngày nay, nó đang quay lại hủy hoại cuộc sống của con người. Mọi thứ đã vượt xa khỏi tầm kiểm soát. Những thay đổi lớn sẽ chỉ có thể xảy ra một khi ý thức của chúng ta thay đổi và cơ hội làm được điều đó hiện chỉ còn rất thấp.
Nhật Quang