Đại Kỷ Nguyên

Phát hiện vương miện bằng đồng 4.000 năm tuổi ở Ấn Độ

Trên cùng bên phải: Phần còn sót lại của một vương miện 4.000 năm tuổi bằng đồng được phát hiện trên một xương sọ từ thời kỳ hậu văn minh Thung lũng Indus, tại làng Chandayan ở bang Uttar Pradesh phia Bắc Ấn Độ. Ảnh nền: Các lọ đất được tìm thấy tại di chỉ mai táng cùng địa điểm với vương miện. (A.K. Pandey/Cục Khảo cổ Ấn Độ)

NEW DELHI —Gần đây các nhà khảo cổ học Ấn Độ đã phát hiện được một vương miện 4.000 năm tuổi bằng đồng ở làng Chandayan, tại bang Uttar Pradesh phía Bắc Ấn Độ, và họ tin rằng món đồ này có từ thời hậu văn minh Thung lũng Indus.

Theo tiến sĩ Rakesh Tewari, tổng giám đốc Cục Khảo cổ Ấn Độ, đây chỉ là chiếc vương miện thứ hai được tìm thấy tại Thung lũng Indus ở Ấn Độ hoặc Pakistan. Trước đó, một chiếc vương miện bằng bạc đã được tìm thấy tại một di chỉ khác thời Thung lũng Indus, nằm trong khu vực mà ngày nay là quận Fatehabad thuộc bang Haryana phía đông bắc Ấn Độ.

“Chủ nhân của chiếc vương miện này hẳn là một nhân vật có vai vế trong xã hội,” Tiến sỹ A.K. Pandey nói. Ông là chỉ huy trưởng đội khảo cổ tại làng Chandayan và chuyên viên giám sát khảo cổ tại Cục.

“Chủ nhân của chiếc vương miện này hẳn là một nhân vật có vai vế trong xã hội.”

Cục Khảo cổ Ấn Độ — Tiến sĩ A.K. Pandey, chuyên viên giám sát khảo cổ

Tewari cho rằng vẫn còn quá sớm để khẳng định nó thuộc về một người cai trị trong vùng.

“Hiện vẫn chưa biết được là trong những ngày đó, người ta sử dụng nó như một vương miện hay chỉ là một vật đeo trên đầu,” ông nói.

Khi đang đào đất sét để làm gạch vào tháng 8/2014, những người thợ đã tìm thấy một vương miện bằng đồng, trang trí bằng một hạt Carnelian và một hạt Fiance (đều là đá quý), được đeo trên một hộp sọ. Tin tức về phát hiện này đã nhanh chóng được lan truyền trên khắp Ấn Độ, và thu hút được sự chú ý của Cục Khảo cổ, sau đó đã tiến hành khai quật di chỉ này vào đầu tháng 12.

“Mục tiêu của chúng tôi là tiến hành một dự án rà soát, chỉ để xem có thể tìm được gì quanh địa điểm này nơi bộ xương còn sót lại,” Tewari nói.


Các chậu đất được tìm thấy tại một di chỉ mai táng từ thời kỳ hậu văn minh Thung lũng Indus, ở làng Chandayan tại bang Uttar Predesh phía Bắc Ấn Độ. (A.K. Pandey/Cục Khảo cổ Ấn Độ)

Các phát hiện sau đó

Trong quá trình khai quật, Pandey cũng tìm thấy xương động vật và các chậu bùn tại cùng độ sâu khai quật với địa điểm mai táng đó, nhưng cách đó khoảng 20m. Điều này cho thấy đã có hoạt động hiến tế động vật trong tang lễ của nhân vật này.

“Đây là một tục lệ trong thời đó,” Pandey nói.

Theo Pandey, một mảnh khác của cùng vương miện, kèm một mảnh xương háng, và xương đùi bên trái của người đó đã được khai quật cùng với 21 chậu đất.

Cách khu mai táng 45m, các nhà khảo cổ cũng đã đào được một nơi cư trú trong cùng thời kỳ và tìm thấy những bức tường và sàn bằng bùn nén, và các lỗ để gắn cột hàng rào.

Theo Pandey, phát hiện này rất quan trọng vì đây là lần đầu tiên bằng chứng về một nơi cư trú của thời kỳ hậu văn minh Indus được phát hiện ở vùng cực Đông như vậy.


Phần còn sót lại của một chiếc vương niệm 4.000 năm tuổi bằng đồng được tìm thấy trên một hộp sọ từ thời kỳ hậu văn minh Thung lũng Indus tại làng Chandayan, ở bang Uttar Pradesh miền Bắc Ấn Độ. (A.K. Pandey/Cục Khảo cổ Ấn Độ)

Văn minh Harappa

Thời kỳ thịnh nhất của nền văn minh thung lũng Indus là văn minh Harappa, kéo dài từ năm 2.600 trước Công nguyên đến 1.900 trước Công nguyên.

Nằm tại Pakistan và phía Tây Bắc Ấn Độ, các cổ vật từ văn minh Thung lũng Indus đã được khai quật trong một vùng lãnh thổ trải dài 2,5 triệu km2 , lớn hơn diện tích của Tây Âu. Đây là một trong bốn nền văn minh cổ đại lớn nhất: Trung Quốc, Ấn Độ, Ai Cập, và Lưỡng Hà, mà hiện nay trải dài cả sang Iraq và một phần của Kuwait, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, và Syria.

Hệ thống chữ viết của nền văn minh Thung lũng Indus hiện vẫn chưa được giải mã và do vậy nó là nền văn minh ít được biết đến nhất trong bốn nền văn minh cổ đại.


Địa điểm khai quật từ thời kỳ hậu nền văn minh Thung lũng Indus tại làng Chandayan, ở bang Uttar Predesh phía Bắc Ấn Độ. (A.K. Pandey/Cục Khảo cổ Ấn Độ)

, Epoch Times

Exit mobile version