Đại Kỷ Nguyên

Phát hiện xương voi ma mút cách đây 11.000 năm tại Michigan, Mỹ

Một nông dân sống tại bang Michigan, Mỹ mới đây đã đào được một bộ xương voi ma mút đã tuyệt chủng ngay trong khu vườn trồng đậu nành nhà ông. Các chuyên gia nói rằng, voi ma mút này đã sinh sống cách đây hơn 11.000 năm.

Theo tờ Washington đưa tin: Một người nông dân tên là James Bristle cùng các bạn của ông đã đào được một bộ xương voi ma mút ngay trong vườn trồng đậu nành của nhà ông. Lúc đầu họ tưởng là một hàng rào chắn, nhưng sau khi lôi ra mới phát hiện đây là một bộ hài cốt động vật không bình thường.

Các nhà nghiên cứu cổ sinh vật học thuộc trường đại học Michigan sau khi nhận được thông báo đã lập tức tới hiện trường xem xét và phát hiện đây là bộ xương của voi ma mút. Mặc dù bộ xương không được hoàn chỉnh nhưng vẫn bảo lưu được phần lớn, xương chậu, xương sống, xương bả vai, một chiếc đầu rất lớn và răng.

Ông Dan Fisher, một giáo sư tại Đại học Michigan và Giám đốc Bảo tàng cổ sinh vật học cho biết: “Đây là xương của voi ma mút đực trưởng thành, chết vào năm khoảng 40 tuổi, nó sinh sống vào khoảng thời gian cách đây 10.000 đến 15.000 năm.”

“Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy đầu lâu và một ít xương sườn được phân tán ở một số chỗ, theo nhận định khả năng con voi ma mút này bị con người giết mổ và xẻ thịt làm thức ăn.”

Ông Dan Fisher cũng cho biết: “Đây là một phần của con voi ma mút mà người cổ đại đã đem lưu giữ ở bên cạnh hồ nước, mục đích là khi nào cần thịt tươi thì có thể ra lấy về dùng.”

Đến hiện tại, bang Michigan đã khai quật được 300 bộ xương voi răng mấu và 30 bộ xương voi ma mút, nhưng đều không được nguyên vẹn như bộ xương khai quật được trong lần này.

Nhà khoa học cho biết: Phát hiện lần này có ý nghĩa quan trọng, không chỉ giúp hiểu rõ về phương cách sinh sống, thói quen tập tục của người cổ đại, mà còn giúp nghiên cứu văn hóa của người Michigan thời tiền sử.

Theo NTDTV

Mai Trà biên dịch

Xem thêm:

Exit mobile version