Đại Kỷ Nguyên

Phát minh mới giúp cầm máu vết thương nhanh gấp 11 lần

Mô hình 3D miêu tả sợi fibrin hình thành một cục máu đông, với sợi PolySTAT (màu xanh dương) kết nối các mảnh sợi lại với nhau (Ảnh: William Walker, Đại học Washington)

Các nhà nghiên cứu tại trường Đại học Washington, Mỹ đã phát triển được một chất có thể tiêm được có khả năng hỗ trợ quá trình đông máu nhanh hơn và hiệu quả hơn.

Ứng dụng này có thể cứu sống những người bị chấn thương như khi bị ngã hay gặp tại nạn giao thông, hoặc đối với binh lính khi tham gia chiến sự.

Nghiên cứu đã được xuất bản trên tạp chí Science Translational Medicine. 

Khi bạn bị đứt tay, cơ thể sẽ cố gắng giữ máu ở trong và vi khuẩn ở ngoài. Tiểu cầu trong máu sẽ thu thập thêm nhiều tế bào xung quanh vết thương. Quá trình này sẽ tạo ra một khối máu đông được liên kết với nhau bởi một loại protein dạng sợi gọi là fibrin. Thông thường, cục máu đông sẽ khô đi và đóng vẩy trong khi cơ thể hồi phục các lớp da bên dưới. Nhưng khi vết thương quá lớn, hoặc nếu cơ thể bạn không thể hình thành các cục máu đông đủ nhanh, bạn sẽ liên tục mất máu đến mức gây nguy hiểm đến tính mạng.


Túi máu tiểu cầu. (Ảnh: public domain)

Các nhà nghiên cứu đã chế tạo ra một chất liệu tổng hợp có thể được tiêm vào bệnh nhân nếu họ bị mất quá nhiều máu. Chất liệu này gọi là PolySTAT. Nó giống với enzym yếu tố XIII của cơ thể, có vai trò hỗ trợ sợi fibrin gắn kết tạo ra cục máu đông. PolySTAT đã được thử nghiệm trên một lượng nhỏ máu và kết quả cho thấy nó đông nhanh và hiệu quả hơn rất nhiều.

Khi thử nghiệm trên chuột với một vết thương lớn trên động mạch, các nhà nghiên cứu phát hiện thấy những con chuột không được tiêm PolySTAT mất máu nhiều gấp 11 lần so với những con đã được tiêm.


Ảnh một phần từ của cục sợi fibrin trong giọt máu chụp bởi kính hiển vi điện tử. (Ảnh: public domain)

Có rất nhiều cách để ngăn chặn chảy máu cấp tính, nhưng những người tạo ra PolySTAT tuyên bố rằng phát minh của họ “là hiệu quả hơn cả, ở cả bên trong lẫn bên ngoài cơ thể”. Các nhà nghiên cứu đang lên kế hoạch thử nghiệm tính hiệu quả của PolySTAT với các tổn thương trên cơ quan nội tạng và tìm kiếm các ứng dụng y học khác cho các chất polymer tương tự.

Troy Oakes, Vision Times
Quý Khải biên dịch

Exit mobile version