Đại Kỷ Nguyên

Phiến đất sét hé lộ người Babylon đã theo dõi sao Mộc 1.500 năm trước người châu Âu

babylon

The ancient Babylonian tablet that helped Mathieu Ossendrijver learn how Babylonian astronomers tracked Jupiter. (Courtesy of Mathieu Ossendrijver) An illustration of Jupiter. (Alexaldo/iStock) Phiến đá của người Babylon cổ đại này đã giúp Giáo sư Mathieu Ossendrijver biết được cách thức các nhà thiên văn học Babylon theo dấu Sao Mộc. (Ảnh: Mathieu Ossendrijver) Một hình ảnh minh họa Sao Mộc. (Ảnh: Alexaldo/iStock)

Phân tích một loạt các tấm đất sét cổ đại mới đây đã cho thấy các nhà thiên văn học người Babylon cổ đại đã biết vận dụng những phép toán hình học phức tạp để tính toán vị trí của Sao Mộc – một bước nhảy vọt về niên đại. Khả năng thiên văn này trước đây được cho là chỉ xuất hiện lần đầu ở Châu Âu vào thế kỷ 14.

Theo một báo cáo được đăng tải trên tạp chí Science vào ngày 29/1, các phiến đá cổ đại chứa vốn kiến thức bí mật của người Babylon, có niên đại trong giai đoạn từ 350 – 50 TCN, đã được trưng bày trong bộ sưu tập phiến đá hình nêm tại Bảo tàng Anh ở London trong nhiều thập kỷ. Nhưng chỉ đến khi nhà khảo cổ thiên văn học, giáo sư Mathieu Ossendrijver từ trường Đại học Humboldt ở Berlin, Đức tiến hành một đợt tái phân tích các phiến đá này từ các bức ảnh chụp, thì tầm quan trọng của nội dung trên đó mới được nhận ra.

Ngành thiên văn học của người Babylon

Lịch sử của ngành thiên văn học ở khu vực Babylon (Irag ngày nay) bắt đầu khi những người Sumer ghi chép các quan sát thiên văn của họ từ rất sớm, ngay từ giai đoạn 3500–3200 TCN. Các hiện tượng thiên văn có một ý nghĩa quan trọng đối với người Sumer, khi họ thường coi các hành tinh như những vị Thần vốn đóng một vai trò quan trọng trong truyền thuyết và tín ngưỡng của mình. Lấy ví dụ, Sao Mộc thường được liên hệ với vị Thần chủ chốt của họ, thần Marduk, vị thần bảo hộ thành Babylon.

Thần Marduk, vị Thần bảo hộ thành Babylon. (Ảnh: Wikipedia)

Ngành thiên văn của người Sumer có một tầm ảnh hưởng quan trọng đối với ngành thiên văn của người Babylon, và những người này đã thiết lập các catalog ngôi sao đầu tiên của họ vào khoảng 1.200 TCN.

Đến thế kỷ 8 TCN, các nhà thiên văn học Babylon đã phát triển được một phương pháp thực nghiệm mới để dự đoán sự chuyển động của các hành tinh, một phương pháp mà sau này đã được áp dụng và phát triển thêm bởi người Hy Lạp cổ đại.


Các hiện tượng thiên văn là điều quan trọng đối với người Babylon. Tấm bia khắc Vua Melishipak I (1186–1172 BC): Nhà vua mang con gái ra mắt nữ thần Nannaya. Hình trăng lưỡi liềm, Mặt Trời và ngôi sao lần lượt biểu thị cho thần Sin, thần Shamash, và nữ thần Ishtar. (Ảnh: Wikipedia)

Các phép tính thiên văn ở Babylon

Kết quả nghiên cứu các ghi chép ký tự hình nêm trên các phiến đất sét đã cho thấy các nhà thiên văn học Babylon đã sử dụng các phương pháp số học đơn thuần để thực hiện các phép tính và sự phỏng đoán của họ. Tuy nhiên, một trong những phiến đá trong bộ sưu tập mới được phân tích gần đây, đã đề cập đến một dạng hình thang khi thảo luận về Sao Mộc.

GS Ossendrijver đã phát hiện ra rằng hình thang này đã được sử dụng để dự đoán vị trí của Sao Mộc trong cung Hoàng Đạo. Các phép tính bao phủ một khoảng thời gian 60 ngày, bắt đầu vào ngày Sao Mộc xuất hiện lần đầu trên bầu trời đêm ngay trước lúc bình minh.

“Bằng cách tính toàn vùng diện tích bên trong hình thang, các nhà thiên văn học Babylon có thể xác định vị trí của hành tinh trên bầu trời – khai thác mối liên hệ tương đồng giữa vận tốc và độ dịch chuyển được giảng dạy trong các khóa học giải tích cơ bản” trang New Scientist cho hay. Điều này tạo nên phương pháp hình học duy nhất được biết đến được sử dụng trong ngành thiên văn học của người Babylon, một phương pháp được cho là chỉ mới được phát minh ở Oxford và Cambridge vào thế kỷ 14.

Trong trao đổi tạp chí ScienceMag, nhà sử học Alexander Jones từ Đại học New York đã nói rằng so với hệ thống hình học phức tạp được người Hy Lạp cổ đại vận dụng vào khoảng vài thế kỷ sau đó, các ký tự Babylon phản ánh “một khái niệm trừu tượng và sâu sắc hơn về một vật thể hình học trong đó một chiều biểu thị cho thời gian. Những khái niệm như vậy chưa từng được tìm thấy trên thế giới trước khi có các tư liệu ở Châu Âu về những vật thể chuyển động vào thế kỷ 14. Sự hiện hữu của chúng … đã minh chứng cho sự tài giỏi đột phá của những học giả chưa được biết đến ở khu vực Lưỡng Hà, những người đã xây dựng ngành thiên văn toán học của người Babylon”.


Những người Babylon đã vận dụng các phương pháp hình học để dự đoán vị trí của Sao Mộc trong cung Hoàng Đạo. (Ảnh: Wikimedia)

Trong bài viết ‘Ngành thiên văn học thời cổ đại (Scientific Astronomy in Antiquity)’ vào năm 1974, nhà sử học A. Aaboe đã nói rằng ngành thiên văn học của người Babylon là:

“nỗ lực đầu tiên và cực kỳ thành công, đưa ra sự miêu tả toán học chính xác về các hiện tượng thiên văn” và rằng “tất cả các nhánh còn lại của ngành thiên văn, trong vùng đất bị Hy Lạp hóa, ở Ấn Độ, ở các vùng lãnh thổ theo đạo Hồi, và ở phương Tây, thậm chí tất cả các nỗ lực sau này trong các ngành khoa học tương tự… đều phụ thuộc một cách căn bản và trọng yếu vào ngành thiên văn của người Babylon”.

Nghiên cứu mới nhất này chắc chắn đã củng cố cho kết luận của nhà sử học Aaboe hơn ba thập kỷ trước đó, rằng ngành thiên văn của người Babylon đã có một đóng góp cực kỳ quan trọng đối với lịch sử của khoa học.

Tác giả: April Holloway, Ancient Origins.
Đăng tải với sự cho phép. Đọc bản gốc ở đây.
Quý Khải biên dịch

Xem thêm:

Exit mobile version