Đại Kỷ Nguyên

Pytago và cuộc đời ít ai biết bên ngoài định lý mang tên ông

Ảnh nền: Chi tiết di cảo của Pytago từ “Trường học Athens".Tác giả: Raphael. (Ảnh: Wikimedia)

 

Pytago (Pythagoras) có lẽ là nhân vật nổi tiếng nhất trong số các triết gia Hy Lạp cổ đại thuộc nhóm Tiền Sô-crát (Socrates). Danh tiếng của ông chủ yếu đến từ Định lý Pytago, một định lý toán học vẫn được sử dụng rộng rãi ngày nay.

Ngoài vai trò là một nhà toán học, Pytago còn là một nhà tư tưởng có ảnh hưởng trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Lấy ví dụ, trong đời mình, ông đã có những đóng góp quan trọng trong lĩnh vực tôn giáo. Tuy nhiên, những khía cạnh này của Pytago đã bị lu mờ trước ánh hào quang của định lý toán học của ông.

Pytago không chỉ là một nhà toán học nổi tiếng, mà còn là một triết gia. 

Những câu chuyện đa chiều về đời tư của Pytago

Pytago sinh ra vào khoảng 570 TCN và đã sống những năm tháng đầu đời tại Samos, một hòn đảo Hy Lạp ở vùng biển Đông Aegean. Cha ông là Mnesarchus, một người buôn đá quý, còn mẹ ông là Pythais. Pytago có hai hoặc ba anh em ruột.

Một số nhà sử học cho rằng Pytago đã kết hôn với một phụ nữ tên là Theano và có một cô con gái tên là Damo, và một cậu con trai tên là Telauges. Số khác cho rằng Theano là học trò của Pytago, chứ không phải vợ ông. Tuy vậy, một số khác cho rằng Pytago chưa bao giờ kết hôn và cũng không có con.

Tượng bán thân của Pytago – bản sao La Mã từ nguyên bản Hy Lạp. Bảo tàng Capitolini, Rome, Italy. (Ảnh: Wikipedia)

Những cuộc hành trình của Pytago

Tuy rằng tình trạng hôn nhân của Pytago vẫn là một đề tài được tranh luận, nhưng đa số đều đồng ý rằng vị triết gia này đã rời quê nhà vào khoảng 530 TCN do bất mãn với các chính sách của bạo chúa Polycrates. Chính trong khoảng thời gian này, hoặc có lẽ trước đó, Pytago đã ghé thăm Ai Cập và Babylon (một số còn cho rằng ông đã đến Ấn Độ), và dần làm quen với những tôn giáo và phong tục của các nền văn hoá nơi đây.

Rốt cục, Pytago đã dừng chân ở Croton (thành phố Crotone ngày nay), tại thời điểm đó là một thành phố Hy Lạp ở miền nam nước Ý, và được giao nhiệm vụ dạy học cho trẻ em và phụ nữ tại thành phố này. Pytago đã trở thành một người có ảnh hưởng trong vùng, và thậm chí đã tạo dựng được một nhóm những môn đồ ở Croton.

Tranh minh họa cảnh tượng Pytago đang dạy học cho phụ nữ. (Ảnh: Wikimedia)

Tuy nhiên, chính danh tiếng của ông đã mang ông đến bờ vực sụp đổ. Người ta cho rằng Cylon, một thanh niên trẻ xuất thân trong một gia đình quý tộc, đã bày tỏ nguyện vọng được tham gia nhóm của ông. Khi nguyện vọng của anh bị từ chối, anh đã tập hợp một nhóm những người chống đối Pytago để công kích ông. Kết quả là Pytago đã bị trục xuất khỏi Croton và phải rời đến Metapontum vào khoảng 500 TCN, và tại đây ông đã qua đời vài năm sau đó.

Các giáo lý “Pytago”

Một trong những khó khăn khi nghiên cứu những giáo lý của Pytago là không có một tư liệu chép tay nào của ông còn sót lại. Do đó, ngày nay người ta cần phải dựa vào các nguồn tư liệu thứ cấp để tìm hiểu về các công trình của ông. Tuy nhiên, điều này làm nảy sinh một vấn đề khác, khi những thế hệ môn đồ sau này của Pytago có xu hướng gán cho Pytago các ý tưởng của chính họ. Trên thực tế, vẫn chưa rõ Định lý Pytago (hay bất kỳ các định lý nào khác của ông) đã được chứng minh bởi chính Pytago hay bởi những môn đồ của ông.

Lối sống của Pytago

Dù vậy, chúng ta vẫn có thể chắc chắn một vài điều về các giáo lý của Pytago. Tuy rằng tư tưởng Pytago đa phần tiếp nhận ảnh hưởng từ toán học, nhưng các môn đồ của ông còn tham gia vào lĩnh vực huyền bí. Lấy ví dụ, Pytago có thể là người đầu tiên giới thiệu cho người Hy Lạp ý tưởng về sự bất diệt của linh hồn con người và sự luân hồi. Đây là một thách thức căn bản đối với tín ngưỡng truyền thống ở Olympia, vì việc đề cao linh hồn con người lên tầm bất tử đã hạ thấp giá trị của các vị thần trên đỉnh Olympus cũng như sự tôn thờ của người dân đối với họ, đồng thời nâng cao tầm quan trọng của việc chăm sóc (thờ cúng, làm lễ, …) cho linh hồn người chết.

Pytago trỗi dậy từ thế giới bên kia (1662). Tác giả: Salvator Rosa. (Public Domain)

Việc chăm sóc linh hồn người chết như vậy có thể được quan sát trong “lối sống của Pytago”, một bộ các đặc trưng có lẽ đã nhắm vào việc bảo đảm những kiếp luân hồi tốt nhất có thể trong tương lai. Một đặc trưng trong “lối sống của Pytago” này là việc nhấn mạnh vào một chế độ ăn uống kiêng khem.

Tuy nhiên, bằng chứng cho những chế độ kiêng khem này thường mâu thuẫn với nhau. Lấy ví dụ, một số nguồn cho rằng tất cả các loại thịt đều bị cấm, trong khi số khác cho rằng chỉ một số các loại thịt nhất định (của các loài động vật không được sử dụng cho việc hiến tế) mới cần phải được kiêng. Còn có những nguồn tin khác cho rằng không hề có việc cấm ăn thịt.

Pytago chủ trương việc ăn chay. (Ảnh: Wikimedia)

Chế độ ăn uống kiêng khem nổi tiếng nhất của Pytago có lẽ là việc cấm ăn các loại đậu. Không có sự nhất quán về lý do đằng sau điều cấm kỵ này, và những đồn đoán thời cổ đại liên quan đến vấn đề này cho thấy thói quen này được coi là khá lập dị.

Những lý do được đưa ra cho việc kiêng ăn đậu của Pytago bao gồm:

Pytago là một nhân vật có ảnh hưởng, khi “lối sống Pytago”, tuy rằng khá lập dị dưới cặp mắt hiện đại, vẫn được thực hành trong thế kỷ thứ 4 TCN, khoảng một thế kỷ sau khi ông qua đời. Thêm vào đó, với thực tế rằng có rất nhiều tác giả cổ đại đã viết về ông (dẫu rằng quan điểm của họ thường mâu thuẫn với nhau) cho thấy ông cũng là một nhân vật được kính trọng.

Pytago ca tụng bình minh (1869). Tác giả:  Fyodor Bronnikov. (Ảnh: Wikimedia)

Dù thế nào đi nữa, thật đáng tiếc khi không còn công trình nào của Pytago được lưu lại, nghĩa là chúng ta không thể hoàn toàn chắc chắn về những giáo lý nguyên gốc của ông.

Cuối cùng, cũng cần lưu ý rằng, ngày nay “Pytago – nhà triết học” thường bị làm lu mờ trước ánh hào quang của “Pytago – nhà toán học”, bởi vì chính những đóng góp của ông cho toán học, chứ không phải cho triết học hay tôn giáo, đã làm nên danh tiếng của ông ngày nay.

Tác giả: Ḏḥwty, Ancient Origins.
Đăng tải với sự cho phép. Xem bài gốc ở đây
Hoàng Sâm biên dịch

Xem thêm:

Exit mobile version