Một dãy gồm 113 cỗ quan tài treo có niên đại lên đến 1.200 năm tuổi đã được phát hiện trên bề mặt vách núi đá và bên trong các hang động tại huyện Tỷ Quy, tỉnh Hồ Bắc, gần vị trí con đập Tam Hiệp ở Trung Quốc. Phát hiện này đã trở thành một trong những tập hợp mộ táng trên vách đá lớn nhất từng được phát hiện ở Trung Quốc cho đến nay.
Theo kênh thông tấn Tân Văn Xã phiên bản tiếng Anh (English China News Service – ECNS), hầu hết các cỗ quan tài bằng gỗ này đã được phát hiện trong tình trạng buộc vào các hang động nhân tạo được gọi là “Hang động thần tiên” (“Caves of the Fairies”), nằm cách mặt đất khoảng 100 mét tại mặt bên của một vách đá gần làng Dương Lâm Kiều. Những cỗ quan tài khác đã được chèn vào giữa các vách đá.
Các nhà khảo cổ cho rằng những cỗ quan tài này là sản phẩm của người Bo, một dân tộc thiểu số cư trú rải rác dọc theo biên giới của tỉnh Tứ Xuyên và Vân Nam ngày nay. Tại đây, họ đã tạo nên một nền văn hóa giàu bản sắc ngay từ thời điểm cách đây 3.000 năm. Tộc người này được cho là đã biến mất vào khoảng 400 năm trước, mang theo mình bí mật về các phong tục mộ táng của họ.
Trong phát hiện mới nhất gần đây, một số cỗ quan tài đã được phát hiện trong tình trạng bị chèn vào giữa các vách đá. Đây là hình ảnh một cỗ quan tài treo trên sông Thần Nông, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. (Ảnh: Wikimedia)
Việc táng người chết theo phong tục của tộc người Bo trong những cỗ quan tài treo như vậy cũng đã được tìm thấy tại một số tỉnh phía nam của Trung Quốc, bao gồm Vân Nam, Tứ Xuyên, Giang Tây và Phúc Kiến.
Theo Cui Chen, người phụ trách bảo tàng Nghi Tân, các cỗ quan tài treo này được phân thành ba loại. Một số cỗ quan tài được đăt trên các thanh gỗ được đóng vào lưng chừng vách đá. Một số cỗ được đặt bên trong các hang động, trong khi những cỗ khác được đặt trên những phiến đá nhô ra. Cả 3 hình thức này đều có thể được tìm thấy tại Củng huyện, nơi tập trung hầu hết các quan tài treo ở Trung Quốc.
Mỗi một cỗ quan tài được làm từ một thân cây rỗng, và được bảo vệ bởi một lớp vỏ bằng đồng lúc ban đầu .
Các cỗ quan tài treo này đã đưa ra một ẩn đố, vì không rõ bằng cách nào những cỗ quan tài bằng gỗ nặng trĩu này lại có thể được vận chuyển lên các vách đá. Một số người cho rằng những cỗ quan tài này chắc hẳn đã được hạ xuống từ trên đỉnh núi bằng dây thừng. Một số lại cho rằng những cỗ quan tài này đã được đặt lên chỗ đó bằng cách sử dụng các cây cọc gỗ đóng vào bề mặt vách đá, vốn có thể dùng như các công cụ hỗ trợ leo núi nhân tạo. Cũng có người cho rằng những người nhân công đã viện đến những chiếc thang xếp hoặc giàn giáo bằng gỗ để vận chuyển những cỗ quan tài này. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu không thể tìm ra bất kỳ một lỗ đóng cọc nào tại đây.
Lý do đằng sau việc treo những cỗ quan tài lên như vậy cũng chưa được biết đến một cách rõ ràng, tuy có giả thuyết cho rằng chúng đã được treo trên các vách đá để có thể nằm trong tầm tay của các vị thần. Số khác lại đưa ra giả thuyết cho rằng hành động này là để bảo vệ những người chết khỏi sự nhăm nhe của các loài động vật.
Những cỗ quan tài treo cũng đã được tìm thấy tại Sagada, một đô thị trên đảo Luzon của Philippines, và chúng đã được tạo ra bởi một bộ lạc bản địa tên là Igorot.
Những cỗ quan tài treo tại Sagada, Philippines. (Ảnh: Internet)
Theo sau phát hiện về những cỗ quan tài treo, Cục Di chỉ Văn hóa Tỷ Quy cho biết những cỗ quan tài này giờ đây sẽ được bảo vệ theo luật di sản văn hóa.
Tác giả: April Holloway, Ancient Origins.
Đăng tải với sự cho phép. Đọc bản gốc ở đây.
Thanh Hải biên dịch
Xem thêm: