Đại Kỷ Nguyên

Rác thải của con người đã ô nhiễm đến nơi tận cùng của Trái Đất

Rác thải của con người đã ô nhiễm đến nơi tận cùng của Trái Đất

(Ảnh: Dibujos Para Colorear)

Một nhà thám hiểm người Mỹ đã lái tàu ngầm xuống vùng biển sâu nhất dưới đáy đại dương. Bên cạnh những khám phá mới về các loài sinh vật vô danh kỳ lạ, ông còn tìm thấy rác thải của con người.

Victor Vescovo, một nhà thám hiểm người Mỹ, đã lặn xuống phần sâu nhất của Trái Đất, chạm đáy Vực thẳm Challenger tại rãnh Mariana (Vực thẳm này nằm ở Thái Bình Dương, ở cuối phía nam của rãnh Mariana gần nhóm đảo Mariana), phá vỡ kỷ lục do người giữ giải vàng Oscar, đạo diễn phim “Titanic” James Cameron thiết lập vào năm 2012. Nhưng chưa kịp vui mừng, ông đã thất vọng khi thấy rằng con người rốt cục đã làm ô nhiễm đến tận cùng vùng đất tinh khiết cuối cùng trên hành tinh.

Vị trí vực thẳm Challenger (chấm đỏ) trong rãnh Mariana . (Ảnh: Wikipedia)
Các sinh vật biển bơi xung quanh con tàu của Viscovo. (Ảnh: Reuters)

Theo thông tin từ CNN, thử thách của Vescovo nằm trong chương trình “Cuộc thám hiểm 5 vực sâu (Five Deeps Expedition)” được trình chiếu trên kênh “Discovery Channel”. Mục đích của chương trình này chính là chạm đến những địa điểm sâu nhất của 5 đại dương lớn trên Trái Đất, bao gồm rãnh Mariana, để tiến hành vẽ bản đồ chi tiết những khu vực này bằng sóng siêu âm.

Nhà thám hiểm Victor Vescovo. (Ảnh: gcaptain.com)

Vescovo, 53 tuổi, đã lái chiếc tàu ngầm mang tên “The Limiting Factor” từ ngày thứ nhất cho đến khi tiếp cận và lặn xuống được Vực thẳm Challenger thuộc rãnh Mariana nhiều lần. Tại đây ông đã lập được kỷ lục mới về mức độ lặn sâu của con người, đạt độ sâu 10.927 mét và duy trì tại đó trong suốt 4 giờ đồng hồ (dưới sức ép khủng khiếp của áp suất bên ngoài). Trong quá trình thám hiểm, ông đã phát hiện ra nhiều sinh vật biển quý hiếm, bao gồm 4 loài động vật giáp xác chưa được biết đến, một con nhím biển và một con cá sư tử . Tuy nhiên, ông còn phát hiện ra rác thải của con người.

Một loài sứa mới được phát hiện vào ngày 16/4/2019 ở Rãnh Java, Ấn Độ Dương trong chuyến thám hiểm của Vescovo. (Ảnh: Tàu ngầm Triton)
Song song với đó, ông còn phát hiện một cái có vẻ như là túi giấy ni-lông tại đây. (Ảnh: Dibujos Para Colorear)

Vescovo nói: “Đây không phải là điều bất ngờ. Khi nói vậy, tôi muốn nói rằng thật đáng thất vọng khi nhìn thấy sự ô nhiễm đã lan đến tận nơi sâu thẳm nhất của đại dương”.

Kênh CNN cho biết Vescovo đã tìm thấy túi nhựa và vỏ kẹo ở Vực thẳm Challenger. Còn theo kênh Reuters, bà Stephanie Fitzherbert, phát ngôn viên của chương trình “Cuộc thám hiểm 5 vực sâu” nói rằng, họ đã thực sự tìm thấy rác dưới đáy biển. Và hiện tại, họ đang xác mình xem liệu nó có phải là một chiếc túi nhựa hay không.


Tàu ngầm “The Limiting Factor” (Nguồn: digitaltrends.com)

Theo ước tính của Liên Hợp Quốc, hiện có tới 100 triệu tấn chất thải nhựa trong đại dương, rất nhiều trong số chúng đã bị các loài động vật biển ăn phải. Nghiên cứu mới nhất đã phát hiện ra rằng ngay cả động vật dưới đáy biển sâu cũng không thể thoát khỏi ô nhiễm chất thải của con người.

Rãnh Mariana nằm ở phía đông bắc Philippines, nằm sâu hơn điểm cao nhất của đỉnh Everest (so với mực nước biển). Đây là lần thứ ba con người tiến vào rãnh Yana ở Somalia. Lần đầu tiên là vào năm 1960, các nhà thám hiểm Thụy Sĩ và Mỹ đã dùng tàu ngầm tiếp cận Vực thẳm Challenger. Họ đã ở lại độ sâu 10.916 mét trong vòng 20 phút. Lần thứ hai ghi dấu ấn của đạo diễn Cameron, người đoạt giải vàng Oscar vào năm 2012. Vào tháng 3 năm đó, ông đã một mình lái tàu ngầm và lưu lại hơn 3 giờ đồng hồ tại Vực thẳm Challenger ở độ sâu 10.898 mét.

Theo zhengjian.org
Hoán Tỉnh biên dịch

Video: Rác thải nhựa đang giết chết sinh vật biển mỗi ngày

Exit mobile version