René Descartes, một trong những nhà khoa học và triết gia vĩ đại nhất mọi thời đại, và một trong những nhà sáng lập của chủ nghĩa duy lý hiện đại, từng nói: “…mọi thứ trong tự nhiên đều xảy ra theo toán học ”. Có đúng thế không? Tiểu luận này muốn vẽ ra một phác thảo tư tưởng của Descartes, với một gợi ý về sức mạnh giới hạn của tư duy duy lý…
Nói đến Descartes, lập tức người ta nghĩ đến 4 sản phẩm tư tưởng độc đáo của ông, có ảnh hưởng vô cùng sâu rộng đối với tư duy của nhân loại trong thời cận đại và hiện đại, thậm chí đến nay vẫn là nền tảng tư tưởng của tư duy khoa học và tư duy duy lý:
- “Tôi tư duy, vậy tôi tồn tại” (Cogito ergo sum), câu châm ngôn nổi tiếng nhất thế giới
- “Luận văn về Phương pháp” (Discours de la Méthode), tác phẩm triết học nền tảng của tư duy duy lý.
- “Hình học Giải tích” (Géometrie Analytique), một cuộc cách mạng trong nhận thức toán học, một đóng góp vĩ đại cho cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật từ thế kỷ 17 tới nay
- “Luận thuyết về ý thức” (Thèse sur la conscience), chỉ ra sự bất lực của khoa học vật chất trong sự hiểu biết về ý thức, đưa ra luận cứ logic đối với sự hiện hữu của thế giới phi vật chất
Cogito ergo sum
Câu châm ngôn la-tinh “Cogito ergo sum” là một mệnh đề triết học của René Descartes, được dịch ra tiếng Anh là “I think, therefore I am”, và tiếng Việt là “Tôi tư duy, vậy tôi tồn tại”. Nhưng nó được người đời biết đến nhiều nhất bằng tiếng Pháp, “Je pense, donc je suis”, trong tác phẩm “Luận văn về phương pháp” của ông. Câu nói đậm dấu ấn triết học nhận thức này đã được các học giả bình luận theo rất nhiều cách khác nhau, từ nghĩa hẹp đến nghĩa rộng, nhưng chính Descartes đã giải thích nó trong cuốn “Những nguyên lý triết học” (Les Principes de la Philosophie) của ông rằng “ Chúng ta không thể ngờ vực sự tồn tại của chúng ta trong khi chúng ta đang ngờ vực… ” (1) .
Trong cuốn “Suy niệm thứ hai” (Deuxième méditation), ông giải thích rõ hơn:
“ Tôi đã tự thuyết phục mình rằng tuyệt đối chẳng có cái gì trên thế gian, không có bầu trời, không có trái đất, không có tư tưởng, không có thể xác. Phải chăng từ đó suy ra tôi cũng không tồn tại? Không! Nếu tôi làm cho bản thân tôi nhận thấy một cái gì đó thì tôi ắt phải tồn tại ” (2)
Theo Bách khoa toàn thư triết học của Đại học Stanford (Stanford Encyclopedia of Philosophy), Descartes cũng từng giải thích tư tưởng của ông như sau:
“ Tiếp theo tôi đã kiểm tra cẩn thận xem tôi là cái gì. Tôi thấy trong khi tôi có thể giả vờ cho rằng tôi không có thể xác, và rằng không có thế giới và cũng chẳng có một chỗ nào cho tôi tồn tại, nhưng tôi không thể vì tất cả những cái giả vờ đó mà giả vờ cho rằng tôi không tồn tại ” (3) .
Lập luận của ông rất logic: Bất kể sự vật có tồn tại hay không, nhưng nếu tôi đang tư duy, nghi vấn về sự tồn tại của các sự vật đó, thì chính tôi phải tồn tại. Vậy bản thân sự NGHI VẤN là bằng chứng của sự TỒN TẠI ─ điều kiện để nhận thức sự tồn tại của bản thân mình là TƯ DUY. Với lập luận thuyết phục đó, vai trò của tư duy được tôn lên vị trí cao quý nhất.
Bản thân câu châm ngôn bất hủ của Descartes đã là một tư duy lập luận, và sự tư duy mà ông đề cập đến trong câu châm ngôn này, tự nó, cũng ám chỉ tư duy lập luận. Vì thế, câu châm ngôn này trở thành tuyên ngôn của chủ nghĩa duy lý ─ chủ nghĩa đề cao tư duy lập luận, tư duy logic, tư duy lý lẽ như một dạng nhận thức cao nhất và duy nhất đúng.
Cuốn “Khát vọng Chân – Thiện – Mỹ” của Lê Công Sự cũng cung cấp cho chúng ta một cách giải thích sáng sủa và dễ hiểu về câu châm ngôn của Descartes:
“ Descartes kết luận rằng, có một điều không thể hoài nghi – đó là ông đang hoài nghi. Điều này có nghĩa là muốn hoài nghi thì phải có một cái Tôi chủ thể, tức là kẻ đang hoài nghi. Dù cái Tôi đó đang bị người khác đánh lừa như thế nào chăng nữa thì trước hết nó vẫn phải hiện hữu để bị lừa… Descartes viết: Kết luận, tôi tư duy, vậy tôi tồn tại là điều kiện đầu tiên và chắc chắn nhất trong mọi điều nảy sinh cho ai làm triết học một cách có trật tự ” (4) .
Nhưng tại sao Descartes phải băn khoăn trăn trở về sự tồn tại nhiều như thế? Đơn giản vì trong huyết quản của ông, ông là một người duy lý. Ông không chấp nhận sự cả tin. Ông đòi hỏi mọi thứ phải được giải thích rõ ràng. Ngay cả sự vật mà ta cho rằng đang tồn tại trước mắt cũng có thể nghi ngờ: liệu chúng có tồn tại thực sự hay không, hay đó chỉ là một ảo giác?
Ông không thỏa mãn với những gì ông đã được học ở nhà trường. Tri thức của xã hội đương thời không đủ làm ông thỏa mãn. Triết học đương thời còn đầy rẫy những chân lý mập mờ. Bộ não quá nhạy cảm của ông làm cho ông ngờ vực tất cả. Ông coi ngờ vực là nguồn kích thích khám phá: “ Ngờ vực là nguồn gốc của trí khôn ngoan ” (5) , ông nói.
Theo ông, một người thực sự khao khát chân lý ắt phải có lúc biết nghi ngờ: “ Nếu bạn là một người thực sự theo đuổi tìm kiếm chân lý, thì ít nhất có một lần trong đời bạn phải nghi ngờ mọi thứ, hết mức có thể ” (6)
Nếu toán học là một khoa học dạy cho chúng ta biết nghi ngờ thì Descartes là một nhà toán học xuất chúng. Càng ngờ vực bao nhiêu, ông càng đòi hỏi chân lý phải được trình bày rõ ràng bấy nhiêu. Trong những thứ tri thức đương thời, Descartes chỉ tin cậy vào toán học. Theo ông, chỉ có toán học mới có những phương pháp phân tích, chứng minh rõ ràng đủ thuyết phục, trong khi các khoa học khác, kể cả vật lý, đều không đạt được tính chân lý rõ ràng như thế. Thật vậy, Descartes không ngần ngại đề cao toán học như công cụ tư duy mạnh nhất. Ông tuyên bố:
“ Toán học là công cụ nhận thức mạnh hơn bất kỳ một công cụ nhận thức nào khác đã được truyền cho chúng ta qua môi giới trung gian là con người ” (7) .
Có lẽ chủ nghĩa sùng bái toán học như ông hoàng của các khoa học mà hiện nay chúng ta vẫn đang chứng kiến trong các nhà trường và ngoài xã hội đã bắt nguồn từ Descartes. Quan điểm này đến nay đã và đang lộ ra những thiếu sót, đặc biệt kể từ khi Định lý Gödel ra đời. Nhưng vào thời của Descartes, nó đã đóng vai trò thúc đẩy tư duy toán học phát triển mạnh mẽ, làm cơ sở cho mọi tư duy khoa học phát triển.
Thực tế kể từ Descartes, toán học phát triển mạnh mẽ chưa từng có ở Châu Âu, trở thành một công cụ đắc lực nhất của cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật thế kỷ 17, mang lại không biết bao nhiều thành tựu vĩ đại, làm thay đổi tận gốc bộ mặt xã hội loài người.
Hình học giải tích
Một trong những thành tựu đó là Hình học Giải tích (Géométrie Analytique) do chính Descartes và Pierre de Fermat khám phá. Mặc dù hình học giải tích đến nay đã trở thành một môn toán học cổ điển, được dạy ở trường phổ thông cho mọi học sinh lớp 11, 12, nhưng nó vẫn là mẫu mực của tư duy duy lý và là mẫu mực của tư duy khoa học hiện đại. Thật vậy:
- Hình học giải tích là mẫu mực của tư duy Descartes, mẫu mực của tư duy nhị nguyên. Đó là kiểu tư duy phân tích, chia nhỏ sự vật thành các bộ phận, rồi chỉ ra mối quan hệ giữa các bộ phận, qua đó để lộ bản chất bên trong của sự vật. Đó chính là phương pháp nghiên cứu của vật lý hạt cơ bản, và cũng là cơ sở của khoa Giải phẫu trong Y học Tây phương.
- Bước nhảy vọt mang tính cách mạng về nhận thức của hình học giải tích là ở tư tưởng số hoá: điểm được số hoá bởi một toạ độ (không gian 1 chiều), hoặc một cặp toạ độ (không gian 2 chiều) hoặc một bộ ba toạ độ (không gian 3 chiều). Nhờ đó mà đường thẳng, mặt phẳng và các hình hình học nói chung được số hoá bởi các phương trình hoặc bất phương trình. Nhờ đó mà các bài toán hình học có thể chương trình hoá và giải được trên computer. Vì thế Descartes phải được coi là ông tổ của phương pháp số hóa (digitalisation) mà xã hội hiện nay đang áp dụng triệt để.
- Hình học Giải tích cũng dạy cho chúng ta thấy rằng bản chất của hình và số là một. Hình học Giải tích chẳng qua là sự diễn đạt hình học bằng ngôn ngữ đại số (đại số là số học được ký hiệu hóa). Nói cách khác, HÌNH và SỐ thực ra chỉ là hai dạng biểu lộ khác nhau của cùng một thực thể tự nhiên.
Về mặt xã hội, ảnh hưởng của Descartes đến nay vẫn có thể thấy rõ: Hệ tọa độ Descartes (Cartesian coordinates) có mặt khắp nơi: biểu đồ thống kê, biểu đồ phân tích các quá trình biến đổi trong tự nhiên hoặc xã hội,… Vì thế Descartes được coi là một trong những đại diện lớn nhất của nền văn minh hiện đại, và cùng với Leibniz, Spinoza, ông được xem như một trong những gương mặt tiêu biểu nhất của chủ nghĩa duy lý. Chủ nghĩa này cho tới nay vẫn đang đóng vai trò lấn át trong tư duy khoa học.
Nhưng mặc dù là một ông tổ của chủ nghĩa duy lý, Descartes vẫn là một người hữu thần ─ ông tin vào sự tồn tại của linh hồn như một dạng hiện thực phi vật chất. Thậm chí ông từng cố gắng chứng minh sự hiện hữu của Chúa trong loạt tác phẩm mang tên “Suy Niệm” (Méditation). Trước khi về cõi vĩnh hằng, ông thốt lên: “ Nào, hãy lên đường đi, linh hồn ta hỡi! ” (Allons, s’en vas mon âme!).
Luận đề về ý thức
Trong tác phẩm nổi tiếng “ Luận đề về ý thức ” (Thèse sur la conscience), “ René Descartes nêu lên một luận thuyết về ý thức mà hàng trăm năm sau vẫn là chủ đề để các học giả tiếp tục tranh cãi mà không tìm thấy lời giải. Một mặt Descartes nhận thấy không có cái gì rõ ràng hơn và khó bác bỏ hơn một thực tế là tất cả chúng ta đều có ý thức. Về lý thuyết, tất cả mọi thứ mà bạn nghĩ là bạn biết về thế giới đều có thể chỉ là một ảo ảnh được tạo ra để đánh lừa bạn, nhưng bản thân ý thức thì không thể là một ảo ảnh. Mặt khác, hiện tượng quen thuộc nhất và chắc chắn nhất này lại không tuân thủ bất kỳ một quy luật thông thường nào của khoa học. Nó dường như không phải là vật chất. Nó không thể quan sát được, ngoại trừ sự cảm nhận từ bên trong, bởi chính ý thức của con người. Thậm chí nó không thể thực sự mô tả được. Do đó, Descartes kết luận, ý thức phải được tạo ra bởi một chất liệu gì đó đặc biệt, phi vật chất, không tuân thủ các định luật của tự nhiên; vì thế ý thức ắt phải là một cái gì đó do Chúa truyền cho chúng ta ” (8)
Luận thuyết Descartes nói trên là một thách thức lớn đối với khoa học, sau bốn thế kỷ đến nay vẫn không có câu trả lời. Thừa nhận luận thuyết Descartes thì khoa học tự bác bỏ mình, không thừa nhận thì buộc phải chứng minh ý thức là vật chất. Nhưng làm thế nào để chứng minh? Chúng ta sẽ trở lại với câu hỏi này ở một chương khác. Còn bây giờ là lúc nên có một đánh giá tổng quát về Descartes. Bách khoa toàn thư Triết học của Đại học Stanford nhận định:
“ René Descartes là một nhà toán học sáng tạo hàng đầu, một nhà tư tưởng khoa học quan trọng, và một nhà siêu hình học độc đáo. Trong suốt cuộc đời của ông, trước hết ông là một nhà toán học, tiếp theo là một nhà khoa học tự nhiên hoặc một nhà ‘triết học tự nhiên’, và cuối cùng là một nhà siêu hình học ” (9) .
Nhưng trớ trêu thay, một nhân vật xuất chúng như Descartes mà vẫn bị một người cùng thời chê bai. Người cùng thời đó là Blaise Pascal. Thật vậy, Pascal giận dữ khi nói về Descartes:
“ Tôi không thể tha thứ cho Descartes được. Trong toàn bộ triết học của ông ấy, ông ấy sẵn sàng không cần đến Chúa. Nhưng ông ấy phải khiến Ngài tạo ra một cú hích ban đầu để thế giới chuyển động; ngoài cái đó ra, ông ấy không cần đến Chúa nữa ” (10) .
Nếu không nghiên cứu đầy đủ về Descartes và Pascal, có thể chúng ta sẽ cảm thấy nhận xét của Pascal có phần quá đáng. Rõ ràng Descartes là người tin vào Chúa đến mức từng chứng minh sự hiện hữu của Chúa. Vậy tại sao Pascal coi Descartes là người không cần đến Chúa?
Câu trả lời là ở chỗ Descartes quá tin vào sức mạnh của tư duy duy lý, coi tư duy duy lý là chiếc chìa khoá vạn năng để mở mọi cánh cửa bí mật của thế giới. Nếu quả thật tư duy duy lý có sức mạnh vạn năng thì đúng là không cần đến Chúa nữa. Không riêng Descartes tin vào sức mạnh của tư duy duy lý. Nhiều nhà khoa học khác cũng như vậy. David Hilbert trong thế kỷ 20 còn tin vào sức mạnh của tư duy duy lý hơn cả Descartes, đến nỗi ông tuyên bố công khai rằng toán học không cần đến Chúa. Descartes không đến mức thái quá như Hilbert sau này, nhưng dưới con mắt sắc sảo của Pascal, thì Descartes đã biểu lộ một xu hướng như vậy, mặc dù chính Descartes từng chứng minh sự hiện hữu của Chúa.
Có thể trích dẫn nhiều ý kiến của Descartes để minh hoạ cho chủ nghĩa duy lý trong ông, nhưng có lẽ câu nói sau đây là một trong những câu nói điển hình nhất:
“ Theo ý kiến của tôi, mọi thứ trong tự nhiên đều xảy ra một cách toán học ” (11) .
Có nghĩa là đối với Descartes, vũ trụ là một cỗ máy vận hành một cách chính xác theo những công thức toán học xác định. Và do đó với tư duy khoa học chính xác, con người có thể giải mã được mọi bí mật của vũ trụ. Khi đó Chúa chỉ đóng vai trò tạo ra cú hích ban đầu mà thôi, đúng như Pascal nhận xét. Mọi việc còn lại đều do tự nhiên tự vận động, theo những quy luật xác định. Vì thế, đối với Pascal, tư duy của Descartes mang tính duy lý cực đoan, và điều đó không đúng với sự thật. Sự thật là, theo Pascal, tư duy duy lý tuy có sức mạnh vô cùng lớn, nhưng có giới hạn nhất định. Và do đó con người vẫn cần đến Chúa ở những nơi tư duy duy lý bất lực.
Liệu Pascal đúng hay Descartes đúng? Định lý Gödel sẽ cho chúng ta câu trả lời.
Chú thích:
(1) Wikipedia, Cogito Ergo Sum: we cannot doubt of our existence while we doubt…. https://en.wikipedia.org/wiki/Cogito_ergo_sum
(2) Stanford Encyclopedia of Philosophy: I have convinced myself that there is absolutely nothing in the world, no sky, no earth, no minds, no bodies. Does it now follow that I too do not exist? No: if I convinced myself of something then I certainly existed https://plato.stanford.edu/entries/descartes-epistemology/#4
(3) Stanford Encyclopedia of Philosophy: Next I examined attentively what I was. I saw that while I could pretend that I had no body and that there was no world and no place for me to be in, I could not for all that pretend that I did not exist https://plato.stanford.edu/entries/descartes/#MinRel
(4) “Khát vọng Chân – Thiện – Mỹ”, Lê Công Sự, NXB Tri Thức 2017, trang 151-152. Tác giả hiện là PGSTS triết học, Đại học Hà-nội.
(5) René Descartes quotes : Doubt is the origin of wisdom https://quotefancy.com/rene-descartes-quotes
(6) René Descartes quotes : If you would be a real seeker after truth, it is necessary that at least once in your life you doubt, as far as possible, all things https://www.goodreads.com/quotes/28930-if-you-would-be-a-real-seeker-after-truth-it
(7) AZ quotes, René Descartes : Mathematics is a more powerful instrument of knowledge than any other that has been bequeathed to us by human agency http://www.azquotes.com/quote/739711
(8) The Guardian, 21/01/2015, Why can’t the world’s greatest minds solve the mystery of consciousness? https://www.theguardian.com/science/2015/jan/21/-sp-why-cant-worlds-greatest-minds-solve-mystery-consciousness
(9) https://plato.stanford.edu/entries/descartes/#MinRel
(10) Blaise Pascal’s quotes: I cannot forgive Descartes. In all his philosophy he would have been quite willing to dispense with God. But he had to make Him give a fillip to set the world in motion; beyond this, he has no further need of God https://www.azquotes.com/quote/1043856
(11) René Descartes quotes: But in my opinion, all things in nature occur mathematically. https://www.goodreads.com/author/quotes/36556.Ren_Descartes
Ngoại trừ được chú thích, ảnh trong bài lấy từ trang viethungpham.com
Tác giả: GS Phạm Việt Hưng
Giáo sư Phạm Việt Hưng từng giảng dạy các môn Toán Kinh tế; Cơ học Lý thuyết; Sức bền Vật liệu; Toán luyện thi đại học. Hiện ông đang thỉnh giảng Toán cao cấp tại một đại học ở Việt Nam. Ông đang có nhiều hoạt động báo chí với nhiều bài viết được đăng trên nhiều báo in và báo mạng, ví như Khoa học & Đời sống của Hội Liên hiệp Khoa học & Kỹ thuật Việt Nam, Tạp chí Vật lý Ngày nay của Hội Vật lý Việt Nam, Tạp chí Tia Sáng của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Trang mạng Vietsciences.
Email: bizet09@gmail.com
Website: viethungpham.com
Đăng tải với sự cho phép.