Chào mừng các bạn đến với Bí ẩn chưa được giải đáp!
Hôm nay chúng ta sẽ nói về một sinh vật rất kỳ lạ trên Trái Đất, có người nói rằng đó là một loài ngoài hành tinh đang ẩn náu trên Trái Đất… Có đúng như vậy hay không, bạn có thể tự đánh giá sau khi xem xong chương trình này. Hãy bắt đầu với một minh tinh mà mọi người đều biết rõ.
Nhà dự ngôn Paul
Tại World Cup 2010 tại Nam Phi, Paul, nhà dự ngôn đến từ Đức, bất ngờ trở thành ngôi sao chói sáng nhất giải đấu. Paul đã dự đoán kết quả 8 trận trong suốt giải đấu, tỷ lệ chuẩn xác đạt đến 100%. Không chỉ dự ngôn chính xác kết quả cả 7 trận của đội tuyển Đức trong giải đấu này, Paul còn dự đoán thành công Tây Ban Nha sẽ trở thành quán quân World Cup.
Điều thần kỳ hơn nữa là, Paul chỉ là một chú bạch tuộc hai tuổi rưỡi sống trong thủy cung ở thị trấn nhỏ Oberhausen của Đức, chưa bao giờ ra ngoài hay xem một trận bóng đá nào trong đời.
Vậy bạch tuộc Paul đã đưa ra dự ngôn của nó như thế nào? Lẽ nào nó đã học được ngôn ngữ của con người? Không thực sự như vậy. Nếu bạch tuộc có thể nói được tiếng người, thì đó hẳn là yêu tinh.
Paul dự ngôn bằng cách rất đơn giản. Trước mỗi trận đấu, nhân viên thủy cung sẽ chuẩn bị hai hộp thủy tinh trong suốt đựng những món ăn yêu thích của Paul, bên ngoài mỗi hộp dán cờ của một bên giao chiến. Sau đó, họ đặt cả hai chiếc hộp vào bể nơi Paul đang ở.
Một lúc sau, Paul ngửi thấy mùi thức ăn liền bò tới. Hai bên đều có đồ ăn ngon, hộp nào ngon hơn? Nhưng bạn không cần phải đợi quá lâu, dưới sự cám dỗ của những món ăn ngon, Paul sẽ sớm trèo vào một trong số hai chiếc hộp và thưởng thức những món ăn ngon, bên ngoài hộp có cắm cờ của quốc gia nào thì quốc gia đó sẽ chiến thắng trong trận đấu, đơn giản như vậy.
Sau trò chơi, bạch tuộc Paul trở nên nổi tiếng và được đa số cư dân mạng tôn là “thần toán”, “Anh chàng bạch tuộc”. Thị trấn nhỏ Oberhausen cũng đã trở thành một thắng địa du lịch, thu hút khách du lịch từ phương xa đến với Paul như một dòng suối bất tận mỗi ngày. Đáng tiếc là Paul, một “cao nhân ngoại thế”, đã quen với sự thanh tịnh, không thể chịu nổi cảnh bị hàng nghìn người theo đuổi, lặng lẽ qua đời vài tháng sau đó khi mới 2 tuổi 8 tháng. Và thuật dự trắc thần bí của Paul đã trở nên vô song.
Sau đó, các thủy cung khác cũng huấn luyện bạch tuộc đưa ra dự ngôn, một số người thì huấn luyện vẹt, nhưng tỷ lệ thành công không cao, không ai có thể tái hiện huy hoàng của Paul. Năng lực dự trắc thần bí của Paul cũng đã trở thành bí ẩn chưa có lời giải trong thế giới động vật đương đại.
Vậy bạch tuộc có thực sự thông minh đến thế? Một số người cho rằng do màu sắc hoặc hoa văn của lá cờ nước được chọn giống với món ăn ưa thích của Paul nên nó bị thu hút? Có người lập tức nhảy ra nói: Không, đội tuyển Đức có 5 trận thắng và 2 trận thua trong 7 trận, và Paul đã đoán đúng mọi chuyện. Nếu là lá cờ Đức thu hút nó, tại sao nó không đoán Đức sẽ thắng cả bảy trận?
Người khác nói, có thể có một tập đoàn cờ bạc đứng sau thao túng việc này, tung tin dưới danh nghĩa bạch tuộc phải không? Loại chuyện này đã xảy ra rất nhiều trên thị trường chứng khoán. Lập tức có người phản đối, đây là chuyện tỷ thí quốc gia với quốc gia, làm sao có thể dễ dàng thao túng như vậy? Bạn có thể nào thao túng được Mỹ hay Đức không?
Lúc này, những người hâm mộ của Paul đã đứng ra phát biểu, cho rằng bạch tuộc là loài động vật thông minh, và chúng tôi có video chứng minh điều đó.
Chạy thoát khỏi phòng kín
Trên một chiếc thuyền đánh cá ở Alaska, một con bạch tuộc bị bắt quả nhiên đã tìm được cơ hội sống sót nhờ một vết nứt rất nhỏ, nhờ thi triển nhuyễn cốt công, nó đã thành công trốn thoát khỏi một lỗ thoát nước chỉ rộng 10cm và quay trở lại vòng tay của biển cả. Tại thủy cung ở Nhật Bản, bạch tuộc cũng biểu diễn trò trốn thoát khỏi phòng kín. Nhân viên cho vào một chiếc lọ trong suốt và vặn chặt nắp trước mặt mọi người. Sau đó, chỉ trong vài giây, con bạch tuộc đã dùng giác hút của mình để vặn ngược nắp lọ và bình tĩnh trốn thoát. Việc bạch tuộc mở nắp lọ thức ăn và ăn thức ăn bên trong thậm chí còn dễ dàng hơn. Sau đó, nhiều thủy cung ngửi thấy cơ hội kinh doanh, bắt đầu “biểu diễn mở hộp bạch tuộc”, rất nhanh đã trở thành một phần trong các tiết mục của thủy cung.
Ngoài trò chạy thoát khỏi phòng kín, bạch tuộc còn có thể tàng hình. Da của chúng được bao phủ bởi các tế bào sắc tố và có thể thay đổi màu sắc bất cứ lúc nào. Aristotle đã nhận thấy hiện tượng này từ hơn 2.000 năm trước, ông nói rằng bạch tuộc “thay đổi màu sắc khi chúng săn mồi, để bản thân chúng hòa lẫn với những hòn đá xung quanh thành như một”.
Chúng không chỉ thay đổi màu sắc theo môi trường mà còn có thể tận dụng cơ thể mềm mại của mình để biến đổi thành nhiều hình dạng khác nhau. Chẳng phải bạch tuộc nào cũng có 8 chân sao? Nhưng khi một con bạch tuộc gặp nguy hiểm trên cạn, nó sẽ cuộn sáu chân lại, cuộn tròn thân hình như một quả dừa, chỉ chừa lại hai chân để bước đi, thừa cơ người không để ý, lặng lẽ lẻn đi.
Chúng thậm chí còn có trí nhớ siêu phàm. Người ta nói cá chỉ có ký ức trong 7 giây. Nhưng bạch tuộc, loài nhuyễn thể thấp hơn cá, có trí nhớ trong bao lâu?
Tác giả Sy Montgomery từng ghi lại giai thoại về một chú bạch tuộc trong bể cá tên là Truman. Một nữ tình nguyện viên ở thủy cung không hiểu vì lý do gì đã đắc tội với Truman. Mỗi lần khi cô đến, Truman đều phun nước vào người cô. Sau đó, nữ tình nguyện viên được nhận vào đại học và rời đi. Cô chỉ quay lại thăm nó vài tháng sau đó. Và ngay khi Truman nhìn thấy cô, nó lại bắt đầu phun nước vào cô. Mà trong những tháng này, Truman chưa bao giờ phun nước vào ai. Chính là nói, nó nhớ được người phụ nữ này. Đối với một con bạch tuộc chỉ có tuổi thọ từ 3 đến 5 năm, thì một vài tháng tương đương với hơn mười năm đối với con người.
Vậy bạch tuộc có thực sự thông minh đến mức có thể mở hộp, tàng hình, bắt chước, lại còn đưa ra dự ngôn? Một số người nói rằng mọi thứ đều có thể. Bạch tuộc là động vật thần kỳ, vì nó có tới 9 bộ não. Ngoại trừ một bộ não trong đầu, tám bộ não còn lại ở đâu? Mọi người hãy đoán xem?
Bạch tuộc 9 đầu
Chẳng phải bạch tuộc có 8 chân sao? 8 bộ não còn lại nằm trên 8 chân đó. Tám bộ não này được gọi là bộ não thứ cấp, và bộ não trên đầu được gọi là bộ não chính. Bộ não chính chiếm 40% các tế bào thần kinh của bạch tuộc, và 8 não phụ chiếm 60%. Mỗi chân có một nhóm nhỏ các tế bào thần kinh độc lập có thể điều khiển chuyển động nên mỗi chân, có suy nghĩ, ý thức riêng và có thể tự đưa ra quyết định. Vậy 8 cái chân này tương đương với 8 bộ não mini.
Người dân sống ven biển Hàn Quốc thích ăn bạch tuộc tươi, những xúc tu bạch tuộc cắt khúc vẫn còn ngọ nguậy trên đĩa và được nuốt chửng như một món ngon. Kết quả là hàng năm có người chết do bị các giác hút của xúc tu bạch tuộc hút chặt vào khí quản, khiến khí quản bị tắc nghẽn, không thể thở được.
Tại sao giác hút của bạch tuộc vẫn hoạt động? Những xúc tu bạch tuộc bị cắt đứt này có còn sống không? Đúng vậy. Chẳng phải vừa nói rằng bạch tuộc có hệ thần kinh độc lập ở chân, nên những xúc tu này thực chất đều là thể sinh mệnh độc lập, có thể tự chủ hoạt động khi bị cắt rời khỏi thân thể. Xuất phát từ bản năng sinh tồn, chúng sau khi vào miệng con người sẽ bám víu tứ xứ, bám đến chết cũng không buông ra. Một khi chúng bám vào khí quản, tính mạng của người ăn sẽ thời thời khắc khắc gặp nguy hiểm. Vì vậy, thiên hạ mỹ thực rất nhiều, nhưng về ăn bạch tuộc sống, khuyến cáo mọi người không nên thử thách.
Lúc này, một số bạn có thể nói, bạn có hơi nói quá không? Tất cả đều đã được cắt và đưa lên đĩa, làm sao nó còn sống được?! Bạn chưa biết đó thôi, thực tế có một phòng thí nghiệm đã tiến hành nghiên cứu về vấn đề này.
Các nhà thí nghiệm cắt đi một trong những xúc tu của bạch tuộc. Mọi người đừng lo lắng, các xúc tu của bạch tuộc có thể mọc lại ngay cả khi bị cắt đi, nên bạch tuộc sẽ không bị tàn tật. Kết quả, các xúc tu rời khỏi cơ thể vẫn có thể phản ứng với các kích thích bên ngoài trong vòng một giờ. Nó thậm chí còn đi loanh quanh, dùng giác hút để chộp lấy những thứ nó thích hoặc đẩy đi những thứ nó không thích. Vậy hãy nói cho tôi biết, nó còn sống không?
Nói đến đây, câu hỏi được đặt ra là, vì tám xúc tu của bạch tuộc có bộ não độc lập, liệu chúng có đánh nhau không? Răng đều có lúc cắn phải lưỡi phải không? Câu hỏi tưởng chừng đơn giản này đã thu hút sự quan tâm của Nir Nesher, một nhà sinh học thần kinh tại Đại học Do Thái.
Ông và nhóm nghiên cứu của mình phát hiện, các giác hút của bạch tuộc có thể tự động tránh các xúc tu của bạch tuộc, điều này cũng giải thích tại sao tám chiếc chân mềm mại của chúng không quấn vào nhau. Hơn nữa, giác hút còn có chức năng “nếm” những đồ vật chúng chạm vào và ghi lại thông qua hệ thống bộ nhớ. Bằng cách này, chúng có thể phân biệt được những xúc tu mà chúng gặp phải là của mình hay của người khác, tức là chúng có khả năng tự nhận thức. Ngay cả khi một xúc tu bị cắt rời, bạch tuộc vẫn có thể phân biệt được đó là của mình, hay của người khác.
Và mặc dù các xúc tu của bạch tuộc có khả năng hoạt động độc lập, nhưng khi cần thiết, bộ não sẽ điều khiển hệ thống thần kinh của những xúc tu này và đưa ra chỉ lệnh của bản thân nó. Bằng cách này, bạch tuộc có thể đạt được sự phối hợp hoàn hảo nhất: mỗi xúc tu có thể thực hiện vai trò riêng của mình trong hầu hết thời gian, và tuân theo chỉ lệnh của não khi cần thiết. Nesher cho biết, đây là một giải pháp hiệu quả cao.
Hệ thống thần kinh của con người cũng tuân theo một mô hình tương tự. Khi ngón tay của chúng ta đột nhiên bị bỏng, chúng ta rút ngón tay lại theo bản năng. Phản xạ có điều kiện này xuất phát từ tủy sống chứ không phải não. Bằng cách này chúng ta có thể tránh được nguy hiểm trong thời gian rất ngắn. Nhưng Nesher cho biết các xúc tu của bạch tuộc có thể tự đưa ra quyết định, điều này có vẻ phức tạp hơn hệ thần kinh của con người. Ngón tay của con người chúng ta không thể di chuyển bất cứ khi nào chúng muốn, nếu chúng có thể di chuyển sau khi bị cắt rời thì đó là điều chưa từng có.
3 trái tim và 2 hệ thống ký ức
Và sự thần kỳ của bạch tuộc không chỉ đơn giản là chín bộ não của nó. Để cung cấp sự phục vụ hoàn thiện cho 9 đại não, nó còn có ba trái tim và hai bộ hệ thống trí nhớ, thường được gọi là “ba trái tim hai ký ức”. Hai trong số ba trái tim cung cấp máu cho mang, và một trái tim cung cấp máu cho toàn cơ thể. Một trong hai hệ thống trí nhớ tồn tại trong não của đầu, hệ thống còn lại được kết nối với các giác hút trên các xúc tu. Để cung cấp cho chín bộ não và hai hệ thống trí nhớ, bạch tuộc còn có tới 500 triệu tế bào thần kinh. Vì thế một số người còn gọi bạch tuộc là bộ não mạnh nhất đại dương.
Bạch tuộc thậm chí còn có năng lực siêu phàm thoát tục, đó là sửa đổi gen của chính mình. Nó là một trong số ít động vật có thể chỉnh sửa RNA. RNA, còn được gọi là axit ribonucleic, là vật chất mang vật liệu di truyền, giống như DNA. Chỉnh sửa RNA có nghĩa là gì? Điều đó có nghĩa là nó có thể thay đổi thông tin di truyền của chính mình, ảnh hưởng đến kết cấu cũng như chức năng của protein trong cơ thể.
Khả năng này cho phép bạch tuộc thích nghi nhanh chóng với những thay đổi về nhiệt độ, độ mặn và áp suất của nước biển, đồng thời cho phép bạch tuộc phát triển một số công năng độc đáo. Khả năng tái tạo một chân bị đứt vừa nhắc đến là một trong số đó.
So với bộ gen của con người, bạch tuộc chứa nhiều hơn 30.000 mRNA có khả năng mã hóa thông tin di truyền. Hơn nữa, các vị trí có thể chỉnh sửa được hiện diện rộng rãi ở hầu hết mọi mRNA. Trong khi đó, nhân loại chỉ có 1% – 3% mRNA là có thể chỉnh sửa.
Không chỉ vậy, bạch tuộc còn có thị lực rất tốt, có thể nhanh chóng phát hiện ra con mồi ở vùng biển sâu tối tăm. Độ phức tạp của mắt chúng có thể sánh với mắt người, và cấu trúc của chúng gần như giống hệt mắt người, thậm chí ở một khía cạnh nào đó nó có vẻ tiến bộ hơn con người. Ví dụ, mắt người có điểm mù nhưng bạch tuộc thì không. Dây thần kinh thị giác của bạch tuộc kết nối trực tiếp với não, không giống như mắt người cần đi qua võng mạc rồi quay trở lại não. Điều này không chỉ khiến các mạch thần kinh ngắn hơn, mà võng mạc cũng không dễ bị bong ra.
Điều đáng ngạc nhiên hơn nữa là bạch tuộc xuất hiện trên Trái Đất cách đây 500 triệu năm. 500 triệu năm trước, Trái Đất ở kỷ Cambri, vẫn còn bị thống trị bởi các loài động vật đơn giản như bọ ba thùy và san hô. San hô thậm chí còn không có tim. Vậy loài động vật như bạch tuộc có tới ba tim chín đầu tiến hóa từ đâu mà ra? Bạch tuộc có “tiến hóa” hơn nhân loại không? Các nhà khoa học đang vô cùng bối rối.
Sinh vật đến từ ngoài hành tinh
Năm 2018, một số chuyên gia và học giả sinh vật học đến từ Vương quốc Anh, Mỹ và Úc đã xuất bản một bài báo trên tạp chí chuyên nghiệp “Tiến bộ trong vật lý sinh học và sinh học phân tử”, đề xuất một ý tưởng táo bạo rằng bạch tuộc có thể là một sinh vật đã đặt chân lên Trái Đất trên một sao chổi trong thời kỳ đại bùng phát sự sống kỷ Cambri cách đây 500 triệu năm.
Có những sinh vật như bạch tuộc trên các hành tinh ngoài Trái Đất ư? Hawking nói điều đó không phải là không thể. Hawking luôn tin vào sự tồn tại của người ngoài hành tinh, và đã bày tỏ quan điểm của mình trong nhiều dịp công khai khác nhau. Tuy nhiên, ông tin rằng người ngoài hành tinh có ý đồ xấu với chúng ta, đến Trái Đất để cướp bóc tài nguyên, đồng thời ông cũng cảnh báo mọi người rằng tốt nhất nên tránh xa chúng.
Năm 2010, chương trình của “National Geographic” hợp tác với Hawking sử dụng hoạt hình máy tính để thể hiện hình dáng của 5 loài động vật ngoài hành tinh trong trí tưởng tượng của Hawking. Trong số đó có động vật ăn cỏ trông giống máy hút bụi, động vật ăn thịt trông giống thằn lằn, sứa ngoài hành tinh hấp thụ năng lượng sét, sinh vật biển phát sáng như mực nang, và quái vật lông dài sống trong môi trường âm 150 độ C. Trong số đó có mực nang, họ hàng gần của bạch tuộc.
- Trọn bộ Bí ẩn chưa được giải đáp
Theo Epoch Times,
Hương Thảo biên dịch