Những gì xảy ra khi bạn suy nghĩ? Làm sao bạn tích trữ tri thức và mang ra dùng bất cứ lúc nào? Bạn trữ các dữ liệu thông tin mình kiếm được ở đâu?
Nếu bạn sống được 70 tuổi, bạn sẽ có thể nhớ chừng 15 ngàn tỷ điều riêng biệt – từ con số điện thoại của bạn đến hình thể quả dưa hấu. Và kinh ngạc thay, trí nhớ tiềm ẩn (tiềm thức) của bạn có thể chứa nhiều sự kiện hơn nữa! Để nắm giữ các sự kiện này, não bạn dùng hơn 10 ngàn triệu tế bào thần kinh. Ngay giờ phút này, bạn đang sử dụng chúng.
Bác sĩ Irvin Moon nói: “Não con người chứa đựng nhiều dây thần kinh hơn 100 lần so với tất cả các hệ thống điện thoại thế giới hợp lại. Rải rác trên thân thể chúng ta có chừng 200 ngàn tế bào nhiệt kế sống, nửa triệu tế bào cảm áp lực, và ba hay bốn triệu tế bào cảm đau đớn. Các tín hiệu điện từ các tế bào này, cộng thêm các tín hiệu từ mắt, tai, mũi và từ các khu vực nhạy cảm để nếm, sờ mó, tất cả đều dẫn về não, nơi đó mớ lộn xộn các tín hiệu được phân loại, tích trữ và hành động”.
Hệ thống thần kinh của người thông thường vận dụng 100 triệu cảm giác trong một giây. Không, tôi không nói 100 triệu cảm giác trong cả cuộc đời hay một năm, nhưng một giây. Não chúng ta là một máy tính diệu kỳ dường nào!
Một tạp chí tuyên bố rằng cần có một bề mặt rộng bằng bề mặt trái đất để máy tính có thể có đủ chỗ chứa, ghi chép và tính toán dữ kiện mà một bộ óc con người ghi chép và dùng đến.
Ai kiến tạo ra “máy tính” kỳ diệu này, tức là trung tâm thông tin thân thể chúng ta? Một điều rõ ràng là khi con người dùng não mình, người ta dùng chúng một cách tự nhiên những thứ sẵn có đã được lập trình. Con người không thể quy hoạch hay phát triển nó. Kết luận hợp lý duy nhất là Đấng Tạo Hóa của chúng ta đã làm ra nó.
Não con người phức tạp vượt quá trí hiểu biết của chúng ta. Không chỉ có não, các bộ phận khác của thân thể chúng ta cũng chứa đựng những điều kỳ diệu của tạo hóa. Thí dụ, tim chúng ta chỉ nặng chừng 297 gram, nhưng nó bơm 100.000 lần một ngày hay chừng 400 triệu lần một năm. Trong cuộc đời của một con người, nó bơm như vậy đến 70 năm hay hơn nữa, bơm không ngừng nghỉ. Nó tự chế ngự, nó không cần nguồn năng lượng từ bên ngoài và nó không hề tạm dừng lại để bảo trì hay đổ thêm nhiên liệu.
Ai làm ra chiếc máy bơm tự hành, tự chế ngự và tự động này? Với hết cả nỗ lực của mình, con người chỉ có thể bắt chước kiểu mẫu hoàn hảo của nó. Nhưng chúng ta không bao giờ tiến gần để sánh kịp cơ chế đó. Con người bình thường có chừng 5,4 lít máu mà quả tim lưu thông liên tục. Trong lượng máu này có 25 triệu triệu hồng cầu, mà 10 triệu trong số đó cần được thay thế mỗi giây.
Hay thí dụ về mắt con người, nó được kiến tạo riêng bằng quang kế cực nhạy – lập tức điều chỉnh tiêu cự tự động (tự nhắm) – thấu kính có góc thị trường rộng – in hình màu ngay tức thì. Đây chỉ là vài đặc điểm đáng kể của mắt con người.
Ai là kiến trúc sư và kỹ sư tạo nên con người? Tôi tin chắc rằng không ai thực tin con người là sản phẩm của sự gặp gỡ tình cờ của các hóa chất vào thời quá khứ xa xôi nào đó. Đấng Tạo Hóa là nguồn gốc duy nhất cho trí tuệ và sự sáng tạo có cần để làm ra con người.
Tại sao Đấng Tạo Hóa lại tạo ra một hữu thể phức tạp và sâu sắc như vậy?
Vì con người là một tạo vật vĩnh cửu, con người còn tồn tại mãi dù phải trải qua sự thay đổi hóa học gọi là cái chết. Chỉ có thân thể xác thịt của con người là xuống phần mộ, còn linh hồn con người cứ sống mãi. Nói cách khác, con người là một sáng tạo kỳ diệu như vậy vì con người ta đã được tạo nên giống hệt Đấng Tạo Hóa và được kiến tạo cho cõi vĩnh sinh.
Chắc chắn con người là một trong các huyền nhiệm lớn của vũ trụ. Con người được tạo nên theo hình tượng Đấng Tạo Hóa và là thân vị có trách nhiệm cho các quyết định cùng hành động của mình. Con người phải tường trình cùng Đấng Tạo Hóa vào cuối cuộc đời là đã sống ra sao.
Bạn ơi, tuy bạn là một hữu thể trường cửu, nhưng bạn không thể thoát khỏi vòng lặp của sinh – lão – bệnh – tử ở mỗi kiếp sống. Vậy có con đường để giải thoát khỏi luân hồi, khỏi khổ đau trong kiếp người không?
Đấng Tạo Hóa luôn để ở đó một con đường cho bạn trở về cõi vĩnh sinh cùng Người, nhưng trong thế giới vật chất đầy mê lạc và dục vọng này, bạn có thể nhận ra được con đường đó hay không. Ngay cả khi nhận ra rồi, bạn có đủ dũng cảm đi trên con đường đó cho trọn vẹn hay không.
Nếu đủ Tin, bạn sẽ gặp. Nếu tìm, bạn sẽ thấy.
Hồng Ng biên tập
Xem thêm: