Bức tường Berlin có ý nghĩa nhiều hơn là một bức tường chắn hữu hình phân chia Đông và Tây Đức. Đó là biểu tượng của ranh giới giữa một bên là Liên Xô, một bên là phương Tây. Tại sao sự sụp đổ của nó vào năm 1989 lại được thế giới tự do hân hoan chúc mừng, điều đó ảnh hưởng đến phần còn lại của thế giới như thế nào?
Hãy cùng xem lại bối cảnh lúc bấy giờ…
Vào cuối Chiến tranh Thế giới II, nước Đức bị chia thành bốn phần, lần lượt bị kiểm soát bởi Mỹ, Pháp, Anh, và Liên Xô cũ. Đây là kết quả của hiệp định Potsdam (một hội nghị được tổ chức tại Potsdam, Đức, vào tháng 8/1945 giữa ba nước đồng minh là Mỹ, Anh, và Liên Xô). Hệ quả của việc này là sự khủng hoảng trong mối quan hệ giữa một bên là Liên Xô, một bên là phương Tây, và rồi thế giới đã phải trải qua “những đêm dài” của thời Chiến tranh lạnh.
Tây Đức trở thành một nhà nước dân chủ và thịnh vượng, trong khi Đông Đức trở thành một quốc gia cộng sản. Berlin khi đó bị chia thành bốn phần thuộc quyền kiểm soát của bốn nước khác nhau, một bên là nền kinh tế dân chủ, thịnh vượng, mà người ta thường ví nó như một hòn đảo độc lập, còn một bên là Đông Đức ảm đạm.
Có những sự khác biệt rất rõ ràng về mức sống giữa người Đông và Tây Đức. Kinh tế Tây Đức phát triển như một “phép màu” bởi sự trợ giúp từ phương Tây. Điều này trái ngược với phần phía Đông của Berlin, nơi Liên Xô không chú trọng vào phát triển kinh tế, không coi trọng quyền tự do của con người. Hơn nữa, chính sách kiểm soát được thực hành bởi Lực lượng Cảnh sát mật Đông Đức (Stasi – East German Secret Police), đã tạo nên những áp lực rất lớn cho người dân, ngay cả mối quan hệ giữa những người hàng xóm hay bạn thân cũng bị kiểm soát.
Vào năm 1950, khi chưa có bức tường Berlin, nhiều người dân ở Đông Berlin đã ngán ngẩm với cảnh cuộc sống bị kiểm soát. Họ cũng biết rằng người dân ở Tây Berlin có cuộc sống dễ chịu hơn, tự do hơn. Sự phát triển nhanh chóng của Tây Berlin cho phép người dân có thể mua vật dụng, nhu yếu phẩm, và xây được những ngôi nhà thoải mái, trong khi phía Tây Berlin lại gần như vậy. Do đó, nhiều người đã đưa ra lựa chọn đơn giản: rời Đông sang Tây. Đó là vấn đề lớn đối với Liên Xô. Khi đó đã có quan ngại rằng Liên Xô có thể sử dụng lực lượng quân sự để chiếm luôn cả Tây Đức.
Giải pháp của Liên Xô khi đó là: năm 1961, họ đã xây dựng lên bức tường Berlin, bức tường đầu tiên được hoàn thành một cách nhanh chóng – chỉ trong một đêm ngày 12/8/1961 – bởi các cột bê tông lớn, và nhiều ki-lô-mét dây thép gai. Khi đó, thậm chí những đường dây điện thoại cũng bị cắt đứt, tất cả những điều này đã ảnh hưởng to lớn tới cuộc sống của người dân Đông Đức, đặc biệt là những người từ Đông sang Tây để kiếm việc làm. Bức tường đã ngăn chặn tất cả những việc đó.
Bức tường Berlin dài trên 161km, nó đã trải qua nhiều lần nâng cấp để trở nên hiệu quả hơn trong việc ngăn chặn dòng người từ Đông sang Tây. Nó chạy vòng theo đường biên giới của Tây Đức, biến Tây Đức thành một nơi cô lập giống như một ốc đảo. Tuy nhiên, đó lại là sự khởi đầu cho chuỗi ngày bất hạnh của người Đông Đức bởi sau đó bức tường được trang bị thêm nhiều chòi cao để canh gác, giám sát, có chỗ được xây thành nhiều lớp, còn có cả hàng rào điện.
Vào khoảng từ giữa đến cuối những năm 1980, sự khống chế của Liên Xô với các nước Đông Âu như Ba Lan, Hung-ga-ry và Tiệp Khắc (cũ) trở nên yếu dần, lúc này những người Đông Đức muốn rời đi có thể trốn thoát một cách dễ dàng qua đường biên giới, nơi mà sự kiểm soát của Liên Xô đang yếu dần.
Vào ngày 9/11/1989, dưới áp lực lớn của phương Tây, một thông báo đã được đưa ra: rằng người dân có thể tái định cư tại bất kỳ điểm nào dọc theo đường biên giới Đông-Tây. Nhiều người trước đây đã từng liều mạng tiếp cận bức tường, sau nhiều năm đau khổ, nhiều nỗ lực không thành, vẫn không thể hoàn toàn tin rằng điều này là sự thật. Một lượng lớn người dân đã tập trung tại hai bên của bức tường, họ đã dùng búa và các công cụ nhỏ để phá bỏ nó. Sau bao nhiêu năm, người dân Đông và Tây Berlin giờ có thể chào đón nhau để cùng chúc mừng. Nước Đức chính thức tái hợp vào ngày 3/10/1990.
Điều này đã ảnh hưởng đến thế giới như thế nào?
Sau khi bức tường Berlin sụp đổ, đã xảy ra cải cách toàn diện về chính trị tại Đông Đức, cộng sản không còn là một đảng phái có ảnh hưởng lớn ở nước Đức thống nhất, còn người dân Đông Đức thì háo hức mong chờ một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Nhà kinh tế học, nhà báo kiêm phát thanh viên người Anh, Halligan, đã chia sẻ trên tờ Telegraph: “Khi bức tường Berlin đổ xuống, thì sự kiểm soát của Liên Xô, cùng với các đường biên giới ‘bế quan tỏa cảng’, sự đàn áp về kinh tế, và sự kiểm soát tư tưởng cũng bắt đầu sụp đổ.”
Đồ đạc, hàng hóa ở phía Tây nay trở thành những thứ đồ sang trọng ở phía Đông, nhiều người dân Đông Đức có thể tự làm kinh doanh, tham gia vào các tầng lớp xã hội, có thể tự do đi lại và xem các kênh truyền hình nước ngoài.
Tuy nhiên, điều đó không phải có được ngay tức thì, bởi vào thời kỳ bức tường còn đó, thì hầu hết việc làm ở phía Đông là do nhà nước quản lý. Sau khi thống nhất, chúng bị tư nhân hóa, nhiều công việc đã bị mất, tỷ lệ thất nghiệp tăng lên. Giải pháp cho việc này là, những người Tây Đức đã phải chịu thuế nặng hơn, để góp phần phát triển kinh tế Đông Đức.
Đông Âu cũng đã thay đổi một cách đáng kể sau khi bức tường Berlin sụp đổ. Các quốc gia như Ba Lan, giờ trở thành đồng minh của phương Tây, đã thiết lập các mối quan hệ gần gũi với Liên minh Châu Âu và khối Bắc Đại Tây Dương (NATO). Vào năm 2004, 10 quốc gia đã gia nhập liên minh châu Âu cùng với một số nước mà trước đó thuộc về Liên Xô. Đó là nền tảng quan trọng cho sự ra đời của đồng tiền chung châu Âu (Euro).
Sau khi Liên Xô tan rã, Liên Bang Nga ra đời, đã bầu ra Boris Yeltsin làm Tổng thống đầu tiên theo phương thức dân chủ, ông nhanh chóng tiến hành những cải cách theo hướng thị trường. Tuy nhiên kết quả đã không được khả quan. Đến năm 1998, Nga rơi vào tình trạng chìm trong nợ nần bởi nền kinh tế suy thoái, kèm theo đó là nạn tham nhũng nghiêm trọng và sự ra đời của nhiều tổ chức tội phạm.Đối với người dân thế giới, đó là sự thất bại và sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản ở Châu Âu.
Hoa Kỳ cũng cơ cấu lại lực lượng quân đội hiện diện ở Châu Âu sau thời chiến tranh lạnh. Vào năm 2003, binh lính Hoa Kỳ chỉ còn lại ¼ so với tổng số binh lính triển khai tại khu vực này thời chiến tranh lạnh.
Cũng có những ảnh hưởng khác ở Châu Phi. Ví dụ, những nước Châu Phi có mối quan hệ kinh tế gần gũi với Liên Xô thấy rằng họ cần phải thiết lập quan hệ kinh tế với phương Tây. Điều này có nghĩa là phải tiến hành cải cách, tạo ra nhiều lợi ích hơn, làm cho người dân Châu Phi thịnh vượng hơn. Ngoài ra, một thời gian ngắn sau khi bức tường Berlin sụp đổ, Nelson Mandela cũng được phóng thích.
Việc sụp đổ của bức tường Berlin là một điều tốt và tất yếu mà cho đến nay người dân Đức cũng như người dân toàn thế giới đều thừa nhận. Đặc biệt là những gì đang diễn ra ở Đức, những thành tựu mà quốc gia này đạt được, cũng như cuộc sống hòa bình và thịnh vượng của người dân các nước Đông Âu cũng đã thể hiện rõ điều đó.
Đường Chính