Đại Kỷ Nguyên

Sự thật khó tin: Động vật cũng sống theo chế độ dân chủ

“Dân chủ” là hình thức xã hội mới xuất hiện vài trăm năm nay ở xã hội nhân loại, và có vẻ như chẳng liên quan gì với động vật hoang dã. Thế nhưng khi đi sâu nghiên cứu, các nhà khoa học phát hiện ra rằng nhiều loài động vật sống theo bầy cũng có hình thức bỏ phiếu “dân chủ” khi cần ra một quyết định lớn liên quan tới tương lai của cả bầy.

1. Hươu đỏ

Loài hươu đỏ ở lục địa Á-Âu sống thành đàn lớn, chúng dành hầu hết thời gian trong ngày đi kiếm cỏ và nằm xuống để nhai lại. Các nhà khoa học nhận thấy rằng khi một vài con hươu có biểu hiện sẵn sàng di chuyển, thì cả đàn sẽ chỉ dời đi khi 60% những con trưởng thành đứng dậy – về cơ bản chúng bỏ phiếu bằng đôi chân của mình. Ngay cả khi một con hươu thủ lĩnh, có nhiều kinh nghiệm và ít khi mắc sai lầm hơn so với những con trong đàn, thì cả bầy thường ủng hộ các quyết định dân chủ hơn là nghe theo những quyết định mang tính “độc đoán”.

Hươu đỏ chỉ di chuyển khi có trên 60% thành viên trong bầy đứng dậy. (Ảnh: Mother Nature Network)

Theo nghiên cứu của hai nhà sinh vật học người Anh Larissa Conradt và Timothy Roper, thì lý do chính cho hiện tượng này là: các quyết định dân chủ mang lại nhiều lợi ích và ít cực đoan hơn, do đã được phần lớn thành viên trong bầy thông qua.

2. Ong mật

Mặc dù ong mật và các loại côn trùng có tổ chức xã hội cao sống vì “nữ hoàng” (ong chúa) của chúng, nhưng chúng không sống trong chế độ quân chủ. Ong chúa về cơ bản chỉ là những cỗ máy đẻ trứng, còn công việc điều hành tổ thì do ong thợ và ong đực làm. Những con ong nhỏ hơn này có thể không có ý thức rõ ràng như những kỹ sư nơi con người, nhưng dù sao thì tinh thần tập thể của chúng cũng là điều làm nên thành công của tổ ong.

Ong chúa về cơ bản chỉ là những cỗ máy đẻ trứng, còn công việc điều hành tổ thì do ong thợ và ong đực làm. (Ảnh: Mother Nature Network)

Khi ong trinh sát thực hiện một “điệu nhảy lúc lắc” để báo tin cho các thành viên khác trong tổ về nơi xây tổ mới, chúng có thể cũng sẽ cạnh tranh với nhau để có thể ảnh hưởng tới quyết định của cả bầy. Theo nhà sinh vật học Thomas Seeley của trường Đại học Cornell, Mỹ thì ong có một chiến thuật khá “dã man” để xây dựng sự đồng thuận: Chúng sẽ húc đầu vào bất kỳ con ong trinh sát nào mà cứ khăng khăng nhảy điệu lúc lắc để chỉ những khu vực xây tổ kém hấp dẫn.  

3. Trâu rừng châu Phi

Tương tự như hươu đỏ, trâu rừng châu Phi – một loài động vật ăn cỏ sống theo bầy – cũng thường đưa ra quyết định theo nhóm về thời điểm cũng như địa điểm di chuyển. Vào những năm 1990, các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng việc những con vật này “nằm ườn” thực ra chính là một hình thức của “hành vi bỏ phiếu”: những con cái bày tỏ ý muốn di chuyển của chúng bằng cách đứng lên, nhìn theo một hướng và rồi nằm xuống.

Trâu rừng châu Phi cũng thường đưa ra quyết định theo nhóm về thời điểm cũng như địa điểm di chuyển. (Ảnh: Mother Nature Network)

“Chỉ có những con cái trưởng thành tham gia bỏ phiếu, và dù ở bất kỳ địa vị xã hội nào, chúng cũng đều được tham gia”, nhà sinh vật học David Sloan Wilson viết trong một nghiên cứu vào năm 1997.

4. Chim bồ câu

Chim bồ câu hiếm khi nhận được sự tôn trọng trên đường phố, nhưng theo các nhà sinh vật học tại Đại học Oxford, chúng có hệ thống phân cấp xã hội phức tạp, trong đó ngay cả những con chim có thứ bậc xã hội thấp cũng có thể biểu quyết về chuyến bay tiếp theo của cả bầy.

Mọi con chim bồ câu trong bầy đều có quyền biểu quyết về chuyến bay tiếp theo. (Ảnh: Mother Nature Network)

Bằng việc sử dụng máy theo dõi GPS, các nhà nghiên cứu khám phá ra rằng “hầu hết những con chim đều có tiếng nói trong việc ra quyết định, nhưng một hệ thống phân chia cấp bậc linh hoạt sẽ đảm bảo rằng một số con chim có nhiều khả năng dẫn dắt hơn, và những con còn lại sẽ làm theo”.

Các nhà nghiên cứu cũng tiết lộ thêm rằng, loại thiết lập này “có thể đại diện cho một hình thức ra quyết định đặc biệt hiệu quả”.

5. Gián

Gián không có cấu trúc xã hội phức tạp như ong và kiến, nhưng chúng có vẻ vẫn có khả năng ra quyết định dân chủ. Để kiểm kiểm chứng điều này, một nhóm các nhà nghiên cứu đã cho 50 con gián thấy ba nơi trú ẩn, mỗi nơi có thể chứa 50 cá thể. Vì những con gián thích bóng tối hơn là ánh sáng, nên chúng nhanh chóng chia thành hai nhóm và chạy vào hai nơi trú ẩn.

Gián không có cấu trúc xã hội phức tạp như ong và kiến, nhưng chúng có vẻ vẫn có khả năng ra quyết định dân chủ. (Ảnh: Mother Nature Network)

Nhưng thay vì hành xử hỗn loạn, những con gián chia thành hai nhóm bằng nhau, mỗi nhóm 25 cá thể, chia đều cho hai nơi trú ẩn, và để trống nơi thứ ba. Khi những nơi trú ẩn lớn hơn được mang tới, những con gián này lại hợp lại thành một nhóm lớn duy nhất. Theo các tác giả của công trình nghiên cứu, những con gián đã đã cân bằng được nhu cầu hợp tác và sự cạnh tranh, mà không cần tới một hình thức giao tiếp quá phức tạp.

Từ việc quan sát và phân tích hành vi của những loài động vật sống theo bầy, chúng ta dường như có thêm nhiều gợi ý hơn về cách ra quyết định một cách dân chủ và hiệu quả. Một ý kiến tốt được thông qua, thường sẽ phản ánh ý muốn của đại đa số thành viên, và mang lại kết quả tích cực trên tổng thể.

Ngọc Thuần

Exit mobile version