Năm 2016, Jack Szostak, giáo sư sinh học Đại học Harvard đoạt Giải Nobel năm 2009, công bố một công trình nói rằng đã tìm thấy cách RNA tự sao chép. Nhưng mới đây, ông đã rút lại công trình đó và thú nhận rằng ông đã “hoàn toàn mù quáng bởi niềm tin” vào giả thuyết “Thế giới RNA”. Nói cách khác, “Thế giới RNA” đã sụp đổ, thuyết tiến hóa lại bế tắc!
Lời giới thiệu
Thông tin nói trên là một tóm tắt của 2 bài báo cùng chủ đề:
1/ Oops! Scientific Retraction, A Major Blow to Evolution Theory (Úi chà! Rút lại một công trình khoa học − Một đòn choáng váng giáng vào thuyết tiến hoá) trên trang WND.com ngày 01/01/2018.
2/ Nobel Laureates Make Mistakes Too: Jack Szostak Retracts Nature Chemistry Paper (Những người đoạt Giải Nobel cũng mắc sai lầm: Jack Szostak rút lại một công trình trên tạp chí Nature Chemistry), đăng trên trang Front Line Genomics ngày 07/12/2017.
Hai bài báo ngắn rất quý giá, vì nó cung cấp 2 nhận định rất quan trọng về thuyết tiến hoá:
- Nó khẳng định rằng giả thuyết “Thế giới RNA” của Thuyết Phi Tạo sinh là bất khả thi! Có nghĩa là khoa học động lực học không thể chứng minh nguồn gốc sự sống, đúng như Lord Kelvin đã tuyên bố từ cuối thế kỷ 19 (Kelvin là một nhà tiên tri!).
- Nó chỉ ra cho chúng ta thấy NIỀM TIN của các nhà tiến hoá vào học thuyết nguồn gốc sự sống của Darwin tai hại như thế nào. Niềm tin này tạo ra một định hướng nghiên cứu sai lầm!
Sau đây là bản lược dịch 2 bài báo, kèm theo bình luận của người dịch (ND). Những ghi chú trong ngoặc đơn với chữ ND là của người dịch. Xin hân hạnh giới thiệu cùng độc giả.
Bài báo 1:
Công trình ấy (công trình của Jack Szostak, ND) đã được rêu rao như một bằng chứng quyết định của thuyết tiến hoá. Nhưng Jack Szostak, nhà sinh học của Đại học Harvard và người đoạt Giải Nobel, hiện nay đã rút lại công trình quan trọng của mình, một công trình tuyên bố rằng đã giải thích được một trong những câu hỏi quan trọng nhất về nguồn gốc sự sống của con người.
Năm 2016, Szostak đã công bố một công trình trong đó tuyên bố rằng ông đã tìm ra cách để acid ribonucleic (RNA) tự sao chép (tức là không cần đến enzymes, ND).
Nhiều người ủng hộ thuyết tiến hóa tin rằng RNA là một trong những phân tử đầu tiên hình thành nên sự sống. Tuy nhiên, RNA đòi hỏi các enzymes của chính nó để sao chép.
Szostak và những người khác đang tìm kiếm bằng chứng về “sự sao chép RNA mà không cần đến enzyme” (non-enzymatic replication of RNA), một quá trình được cho là có thể được lắp ráp bằng cách chiếu xạ các vật liệu có thể đã có mặt trên Trái đất trong thời tiền sử.
Nếu điều này có thể được tạo ra, nó sẽ cho thấy RNA có thể tự sao chép và có thể ra đời trước DNA hoặc protein, và sẽ củng cố sự giải thích nguồn gốc sự sống theo chủ nghĩa tự nhiên.
Tuy nhiên, Szostak gần đây đã rút lại công trình của mình sau khi một đồng nghiệp là Tivoli Olsen không thể lặp lại những khám phá này. Szostak nói rằng sự thất bại này làm cho ông “rất lúng túng” (definitely embarrassing).
“Hồi tưởng lại, chúng tôi đã hoàn toàn mù quáng bởi niềm tin của mình [trong những phát hiện của chúng tôi],… chúng tôi đã không cẩn thận hoặc khắt khe như chúng tôi lẽ ra phải như thế (và như Tivoli đã như thế) khi diễn giải những thí nghiệm này”, Szostak nói với tạp chí Retraction Watch.
Tuy nhiên, ông tỏ ra nhẹ nhõm vì chính phòng thí nghiệm của ông đã phát hiện ra các sai lỗi.
“Với tư cách một nhà khoa học, công việc của tôi là khắc phục sự cố”, Tivoli Olsen nói. “Bạn không thể giúp đỡ cũng không thể bỏ qua nơi nào sẽ đưa bạn đến. Tôi đã hoàn thành nghĩa vụ của mình để đảm bảo rằng không ai sau tôi sẽ lãng phí thời gian của họ cho công việc này”.
Phát hiện này là phát hiện mới nhất trong “cuộc khủng hoảng về sao chép” quét qua cộng đồng khoa học trong đó những đột phá có vẻ rõ ràng không thể lặp lại được bởi các nhà nghiên cứu khác.
Nghiên cứu của Szostak lại mở ra những gì có lẽ là lỗ hổng lớn nhất trong thuyết tiến hóa, vì các nhà khoa học vẫn không thể giải thích được làm thế nào các thành phần cơ bản của sự sống được tạo ra một cách “tự phát” (spontaneously).
Nhận định của Szostak rằng nhóm của ông đã “bị mù quáng bởi niềm tin của chúng ta” là rất có ý nghĩa. Trước đây, ông đã lên án “các hệ thống niềm tin dựa trên đức tin” như “một sự nguy hiểm mang tính cố hữu, vì những hệ thống ấy khiến tín đồ dễ bị thao túng khi sự hoài nghi và điều tra bị ngăn cản”.
Bài báo 2:
Tạp chí Retraction Watch [1] cho biết: Jack Szostak, giáo sư hóa học và sinh học hóa học tại Đại học Harvard đã rút lại một bài báo được đăng trên tạp chí Nature Chemistry năm 2016 với lý do liên quan đến vấn đề về khả năng tái tạo (của phân tử RNA, ND).
Jack Szostak được trao Giải Nobel Y khoa 2009 nhờ công trình đột phá về telomere. Kể từ đó, mối quan tâm của phòng thí nghiệm của ông đã chuyển sang nghiên cứu nguồn gốc sự sống trên Trái đất. Công trình rút lại − “Các peptide Oligoargnine làm chậm quá trình ủ sợi và hỗ trợ việc sao chép RNA không cần enzyme” (Oligoargnine peptides slow strand annealing and assist non-enzymatic RNA replication) − đã cố gắng tái tạo các điều kiện của Trái đất thủa sơ khai và nghiên cứu dựa theo giả thuyết rằng RNA đã phát triển trước DNA.
Những sai lầm trong công trình (làm cho Jack Szostak) “hết sức bối rối”
Khó khăn với giả thuyết này là ở chỗ phải tìm một lời giải thích cho câu hỏi làm thế nào để RNA đã sao chép chính bản thân nó. Các tác giả của bài báo nghĩ rằng họ đã xác định được một peptide có thể sao chép RNA và có thể đã tạo ra sự sống ban sơ. Theo Szostak, họ rất vui mừng khi có “ít nhất một lời giải một phần cho vấn đề này”, một vấn đề mà các nhà khoa học đã nghiên cứu trong hơn 50 năm, nhưng hoá ra không phải như thế.
Những nỗ lực của Tivoli Olsen, một thành viên trong phòng thí nghiệm của Szostak, nhằm lặp lại những phát hiện trong thí nghiệm của Szostak đã thất bại. Theo thông báo rút lại công trình, các lỗi ngẫu nhiên đã được đưa vào khiến nhóm nghiên cứu hiểu sai dữ liệu, dẫn đến kết quả dương tính giả. Thật không may, điều này có nghĩa là peptide đã không làm những gì mà công trình nghiên cứu đã nói.
Tivoli Olsen nói với Retraction Watch: “Là một nhà khoa học, công việc là khắc phục sự cố. Bạn có thể giúp đỡ và cũng không thể bỏ qua những nơi đưa bạn đến. Tôi đã hoàn thành nghĩa vụ của mình để đảm bảo rằng không ai sau tôi sẽ lãng phí thời gian của họ cho việc này”
Phát biểu với Retraction Watch vào thứ ba, Szostak đã nói về sự bối rối của mình đối với những sai lầm này rồi nói thêm: “Hồi tưởng lại, chúng tôi đã hoàn toàn mù quáng bởi niềm tin của chúng tôi [vào những phát hiện của chúng tôi]… chúng tôi đã không cẩn trọng và khắt khe như chúng tôi đã phải nên như thế (và như Tivoli đã như thế) trong khi diễn giải những thí nghiệm này,… May mắn duy nhất còn lại là ở chỗ chúng tôi là những người đã phát hiện ra và sửa chữa lỗi lầm của chính mình và tìm ra hình dung được điều gì đang tiếp tục diễn ra”.
Mặc dù xấu hổ, Szostak và nhóm của ông đã thể hiện một cách tích cực một yếu tố quan trọng về cách khoa học nên hoạt động như thế nào. Xem xét công trình đã công bố, những nỗ lực lặp lại thí nghiệm và tự đánh giá tầm quan trọng là tất cả các công việc sống động của quá trình khoa học và khi một phát hiện cụ thể được xác định là không đúng sự thật, các nhà khoa học phải xem lại tài liệu.
Mặc dù thất vọng vì cách tiếp cận không hiệu quả, Szostak đang quay lại công việc để xem xét những cách khác nhằm vượt qua rào cản này.
Bình luận
Câu chuyện của bài báo nói trên xoay quanh giả thuyết “Thế giới RNA”, một giả thuyết hiện đại của Thuyết Phi Tạo Sinh (Abiogenesis), nhằm vượt qua Nghịch lý Con gà / Quả trứng.
Chúng ta sẽ không thể có một cái nhìn rõ ràng về cái gọi là “Thế giới RNA” nếu không có khái niệm rõ ràng về cái gọi là Thuyết Phi Tạo Sinh.
Thuyết Phi Tạo sinh là lý thuyết nguồn gốc sự sống của thuyết tiến hoá, dựa trên NIỀM TIN cho rằng sự sống đầu tiên đã ra đời một cách ngẫu nhiên và tự phát nhờ sự kết hợp tình cờ của các phân tử vật chất vô sinh cách đây vài tỷ năm. Trong giả thuyết “Thế giới RNA”, các nhà tiến hoá cho rằng RNA là phân tử ra đời đầu tiên, chứ không phải là DNA hoặc protein.
Đã 148 năm trôi qua kể từ năm 1871 khi Charles Darwin nêu lên giả thuyết đầu tiên của Thuyết Phi Tạo Sinh, được gọi là giả thuyết về “cái ao nhỏ ấm áp” (a little warm pond), nơi sự sống đầu tiên ra đời, rồi bắt đầu tiến hoá.
Vì giả thuyết của Darwin quá mơ hồ và thô sơ nên các nhà tiến hoá phải sáng tác ra những giả thuyết mới, sao cho khoa học hơn. Nhưng giả thuyết nào cũng chỉ là tưởng tượng, phỏng đoán, do đó trước sau sẽ lộ ra đầy lỗ hổng. Thế là lại phải đẻ ra giả thuyết mới để lấp lỗ hổng đó. Nhưng giả thuyết mới lại đẻ ra giả thuyết mới nữa, làm cho Thuyết Phi Tạo Sinh trở thành Ông Vua của các giả thuyết! Nào là “nồi súp nguyên thuỷ / nồi súp tiền sinh thái”, “thuyết tiến hoá hoá học”, “thuyết tiến hoá vũ trụ”, rồi “Thế giới RNA”, “Thế giới PAH”, “Thế giới Iron-Sulfur”, “Thế giới Zinc”, “Thế giới Lipid”, “Thế giới Hot Spring”,…
Đến nay vẫn không có giả thuyết nào thành hiện thực.
Dưới ánh sáng của Định lý Gödel và hàng loạt lý thuyết khoa học cơ bản khác, một người thông minh có thể thấy trước rằng Thuyết Phi Tạo Sinh chắc chắn là bất khả thi. Nhưng các nhà tiến hoá thà “tử vì đạo” của mình còn hơn chấp nhận đánh mất “đức tin” vào Thuyết Phi Tạo Sinh. Đó là sự thật trớ trêu trong cộng đồng khoa học nhân loại ngày nay.
Trở lại với “Thế giới RNA”, câu hỏi là vì sao lại ra đời cái giả thuyết nghe khó hiểu như thế.
Số là các nhà tiến hoá không có cách nào chứng minh giả thuyết của mình ngoài cách chế tạo ra sự sống trong phòng thí nghiệm. Nhưng chế tạo cái gì đây?
DNA là phân tử di truyền, không có DNA thì không có sự sống. Vậy phải chế tạo ra DNA trước tiên!
Muốn có DNA phải có enzyme, vì DNA cần enzyme để tái tạo. Nhưng enzyme lại được mã hoá bởi DNA, vậy muốn có enzyme phải có DNA. Thế là các nhà tiến hoá rơi phải cái bẫy của Nghịch lý Con gà / Quả trứng, một nghịch lý logic đã xuất hiện từ xa xưa trong nền văn minh cổ Hy Lạp!
Loay hoay mãi để tìm cách vượt qua Nghịch lý Con gà / Quả trứng, vào một ngày đẹp trời, các nhà tiến hoá reo lên: “Đã khắc phục được Nghịch lý Con gà / Quả trứng”, đó là giả thuyết “Thế giới RNA”. Theo giả thuyết này, phân tử RNA ra đời trước, vì nó là thứ “trung gian” giữa DNA và protein. Từ đó RNA sẽ “tiến hoá” để thành ra DNA, rồi protein,… (!!!)
RNA có những tính chất như DNA, về lý thuyết, muốn có RNA phải có enzyme để sao chép. Nhưng các nhà tiến hoá nẩy ra tư tưởng “táo bạo” cho rằng RNA có thể tự sao chép mà không cần có enzyme (!!!). Đó là KHÁT VỌNG đã biến thành NIỀM TIN của các nhà tiến hoá. Trong số những nhà tiến hoá này, có Jake Szostak, GS sinh học của Đại học Harvard, người đoạt Giải Nobel năm 2009.
Với niềm tin và khát vọng đó, Szostak đã lao vào thí nghiệm, và đã “đạt được mong muốn”: Năm 2016, ông công bố công trình nghiên cứu chứng minh rằng đã tìm thấy RNA tự sao chép mà không cần có enzyme! Tin tức được loan đi gây chấn động thế giới, làm nức lòng các nhà tiến hoá tới mức họ nghĩ rằng tư tưởng vĩ đại của Darwin đã đến lúc được chứng minh!
Nếu không có công trình nghiên cứu của Tivoli Olsen thì sao nhỉ? Liệu Szostak có nhận thấy sai lầm của mình không?
Thế mới biết một niềm tin sai lạc sẽ có thể dẫn khoa học đến đâu. Thực tế nó đã dẫn Szostak đến chỗ tự lừa dối mình và lừa dối cộng đồng khoa học, lừa dối cộng đồng nhân loại, chó dù là một lừa dối vô thức. Điều này làm cho chúng ta nhớ lại chuyện cũ:
Cũng chỉ vì niềm tin cho rằng tổ tiên của loài người là vượn nên Charles Dawson và đồng bọn đã cố tình lừa đảo toàn nhân loại bằng hoá thạch vượn người Piltdown giả mạo (ghép sọ người với xương hàm vượn)
Cũng chỉ vì niềm tin đó mà các nhà tiến hoá đã tạo dựng nên “Người vượn Nebraska” từ một hoá thạch duy nhất là một chiếc răng, để rồi phải “xấu hổ không rổ mà che” khi chiếc răng đó được xác định là răng của một loài lợn.
Còn nhiều bài học đắt giá khác về sự lừa đảo và nhầm lẫn trong thuyết tiến hoá, xuất phát từ NIỀM TIN vô hạn vào thuyết tiến hoá của Darwin, xin độc giả tìm hiểu trên các diễn đàn học thuật về học thuyết này. Ở đây không thể kể hết được.
Nhưng dường như những bài học ấy vẫn chưa đủ để đánh thức các nhà tiến hoá nên mới có sự nhầm lẫn vô cùng đáng tiếc của một nhà khoa học lớn từng đoạt Giải Nobel như Jake Szostak. Lần này chỉ hơn những nhầm lẫn trước đây ở chỗ chính bản thân Jake Szostak đã phải thú nhận rằng ông và nhóm của ông đã “mù quáng vì niềm tin”…
Sự thú nhận của Jake Szostak có thể làm giảm bớt lời chê bai đối với ông, nhưng chắc chắn là một bài học đắt giá để dạy cho chúng ta nhiều điều, từ bài học nhỏ đến bài học lớn.
Một bài học nhỏ là chớ vội tin vào tuyên bố của các nhà khoa học đoạt Giải Nobel.
Bài học lớn là Giả thuyết “Thế giới RNA” nói riêng và Thuyết Phi Tạo Sinh nói chung là những giả thuyết KHÔNG TƯỞNG và BẤT KHẢ THI!
Bài học lớn này có thể chứng minh rõ ràng.
Thật vậy, có 7 lý do khoa học để bác bỏ Thuyết Phi Tạo Sinh. Đó là:
- Định lý Gödel bác bỏ Thuyết Phi Tạo sinh
- Định luật Tạo sinh bác bỏ Thuyết Phi Tạo sinh
- Định luật Bất Đối xứng của Sự Sống bác bỏ Thuyết Phi Tạo Sinh.
- Xác suất sự sống hình thành tự phát nhỏ đến múc sự kiện này không thể xảy ra
- Lý thuyết Thông tin và Mã DNA bác bỏ Thuyết Phi Tạo Sinh
- Định luật 2 của Nhiệt Động lực học bác bỏ Thuyết Phi Tạo Sinh
- Nghịch lý Con gà / Quả trứng bác bỏ Thuyết Phi Tạo sinh.
Nội dung chi tiết của 7 lý do khoa học nói trên đã được trình bày trong Hội thảo “NGUỒN GỐC SỰ SỐNG dưới ánh sáng của Định lý Gödel”, diễn ra tại Liên hiệp các Hội Sinh học Hà-nội, ngày 14.05.2019. Xem videos hội thảo tại đây:
Bất kỳ ai đã thấm nhuần 7 lý do khoa học nói trên sẽ không bao giờ còn tin vào bất kỳ một lý lẽ nào của Thuyết Phi Tạo sinh nữa. Có lẽ GS sinh học Jake Szostak của Đại học Harvard không biết gì về Định lý Gödel nên mới còn cố theo đuổi giả thuyết “Thế giới RNA” như thế, và để phạm sai lầm ấu trĩ như thế.
Thay cho lời kết, xin thông báo:
Tạp chí SCIENTIFIC AMERICAN số ra ngày 12 tháng 11 năm 2017 chạy một hàng tít lớn khẳng định:
“Phân tử đầu tiên của sự sống là protein, không phải RNA” (Life’s First Molecule Was Protein, Not RNA, New Model Suggests)
Có nghĩa là chính khoa học đã bác bỏ giả thuyết “Thế giới RNA”.
Vậy phải chăng phân tử đầu tiên là protein, đúng như tạp chí S.A. loan báo?
Không, chẳng có cái gì là đầu tiên cả. Tất cả đều là đầu tiên, tất cả PHẢI CÓ MẶT CÙNG MỘT LÚC!
Và Lord Kelvin hoàn toàn đúng khi tuyên bố: KHOA HỌC KHÔNG THỂ GIẢI THÍCH ĐƯỢC NGUỒN GỐC SỰ SỐNG!
Chú thích:
[1] Retraction Watch là một trang mạng chuyên thông báo những công trình khoa học được rút lại và những vấn đề liên quan (ND).
Quý độc giả lưu ý:
Quý độc giả có thể bookmark, ghi lại đường link hai mục trên để tiện theo dõi loạt bài này một cách có hệ thống. Các bài mới sẽ được thêm vào hai mục trên. Trân trọng thông báo. |
Tác giả: GS Phạm Việt Hưng
Giáo sư Phạm Việt Hưng từng giảng dạy các môn Toán Kinh tế; Cơ học Lý thuyết; Sức bền Vật liệu; Toán luyện thi đại học. Hiện ông đang thỉnh giảng Toán cao cấp tại một đại học ở Việt Nam. Ông đang có nhiều hoạt động báo chí với nhiều bài viết được đăng trên nhiều báo in và báo mạng, ví như Khoa học & Đời sống của Hội Liên hiệp Khoa học & Kỹ thuật Việt Nam, Tạp chí Vật lý Ngày nay của Hội Vật lý Việt Nam, Tạp chí Tia Sáng của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Trang mạng Vietsciences.
Email: [email protected]
Website: viethungpham.com