“Người chiến binh từ vũ trụ tỏ ra thích thú khi mục kích sự yếu đuối của những con người này. Với ý muốn phô trương sức mạnh, anh giơ cao ‘vũ khí sấm sét’, và chỉ cần chỉ lần lượt vào một cái cây và một tảng đá, ngay lập tức phá hủy cả hai. Tất cả đều hiểu rằng Bep-Kororoti muốn cho họ thấy anh không đến để gây chiến”. — Truyền thuyết cổ đại của người Amazon về một phi hành gia cổ đại.
Chúng ta đã chứng kiến thế giới phát triển từ dụng cụ đồ đá cho đến nền kỹ thuật công nghệ ngày nay. Tuy nhiên, sự tích về những tảng cự thạch khổng lồ và các phi hành gia cổ đại đã xuất hiện ở mọi ngõ ngách trên Trái Đất, làm chúng ta phải đau đầu khi xem xét lại lịch sử của con người.
Rất nhiều câu chuyện của các nền văn hóa bản địa dường như đang kể một câu chuyện khác hẳn so với những quan niệm phổ thông về lịch sử.
John Frum: Tìm hiểu về tục tôn thờ vật phẩm
Ngay từ ngày đầu tiên John Frum cập bến vào tháng 5/1941, tất cả đã thay đổi đối với những cư dân trên đảo Tanna, một trong những hòn đảo nhỏ nhất thuộc quần đảo Vanuatu ở miền Tây Thái Bình Dương. “Ngày của John Frum” từ lâu đã tượng trưng cho sự kiện quan trọng nhất trên đảo. Rất nhiều buổi diễu hành đã được tổ chức để vinh danh những vị thần từ bi từ nước Mỹ đã ghé thăm cư dân ở đây từ nhiều năm về trước.
Nhiều người cho rằng người Tanna bản địa chỉ đơn thuần nảy sinh một sự mến mộ đối với một người lính Mỹ với cái tên John Frum (hoặc, “John, from … America”), người đã sống với bộ tộc này trong những năm đầu thập niên 40 của thế kỷ trước. Đây là trường hợp nổi tiếng nhất của cái được gọi là “Cargo Cult (tục tôn thờ vật phẩm)” trong ngành nhân chủng học.
Tục tôn thờ vật phẩm đại biểu cho một hiện tượng văn hóa – xã hội kỳ quặc thường xuất hiện như hệ quả của những chuyến viễn chinh của người Bắc Mỹ đến những hòn đảo Thái Bình Dương trong Thế Chiến II. Sự phân bổ vật phẩm và hàng hóa, các chuyến viếng thăm liên tục, những món quà, và việc ứng dụng dược phẩm (của Tây phương) trong các bộ tộc lâu đời tại đây đã làm dấy lên một làn sóng tín ngưỡng tiên tri trên khắp khu vực. Những lời sấm truyền trong nhiều năm đã khẳng định sự trở lại của các vị thần, như vị thần da trắng John, hay Công tước Philip xứ Edinburgh, được tôn thờ trong tín ngưỡng bộ tộc Yaohnanen trên quần đảo Vanuatu.
Vì quy trình sản xuất hàng hóa hiện đại là một lĩnh vực khá lạ lẫm đối với họ, nên các thành viên, người đứng đầu, và các nhà tiên tri của các tín ngưỡng này cho rằng các hàng hóa được sản xuất trong nền văn hóa phi bản địa đã được tạo ra nhờ các công cụ tâm linh, ví như thông qua các vị thần và tổ tiên của họ. Những hàng hóa này đáng nhẽ nên được ban cho những người dân bản địa, nhưng những người ngoại quốc đã nắm quyền sở hữu chúng bằng các phương cách không ngay thẳng. Do đó, một đặc điểm điển hình của tục tôn thờ vật phẩm là niềm tin cho rằng vào một thời điểm nào đó trong tương lai, các thế lực tâm linh sẽ ban tặng các món vật phẩm có nhiều giá trị cho thành viên của các tín ngưỡng này.
Các biểu tượng liên hệ với Cơ đốc giáo và xã hội phương Tây hiện đại thường có xu hướng được hòa trộn với các tín ngưỡng của họ; lấy ví dụ việc sử dụng các bia mộ hình cây thập tự. Các ví dụ nổi tiếng của tục tôn thờ vật phẩm bao gồm việc chế tạo các đường bay, sân bay, văn phòng, và phòng ăn giả lập, cũng như việc tôn thờ và nỗ lực chế tác các món đồ của phương Tây, ví như chế tạo ‘đài radio’ từ quả dừa và ống mút.
Bep-kororoti: Phi hành gia từng viếng thăm Amazon
Tuy những tín ngưỡng này đã xuất hiện trên những hòn đảo nhỏ ở Thái Bình Dương, nhưng chúng không phải là những ví dụ duy nhất về cách thức những bộ tộc cổ xưa bày tỏ sự yêu mến sâu sắc đối với những vị khách phương xa. Trên thực tế, tục tôn thờ vật phẩm rất có thể đã bắt nguồn từ bộ tộc Kayapo ở vùng Amazon. Hằng năm người Kayapo thường tổ chức kỷ niệm sự xuất hiện của Bep-Kororoti, hay “Người đến từ vũ trụ”, và khi đó một thành viên bộ tộc sẽ mặc trang phục đan từ dây liễu gai trông khá giống với bộ trang phục của phi hành gia hiện đại.
Theo lời kể của các tộc trưởng, người đàn ông lạ mặt này đến từ dãy núi Pukato-Ti, và lúc đầu đã làm dấy lên nỗi sợ hãi, nhưng đã nhanh chóng gây dựng được vị thế của một đấng cứu thế trong cộng đồng người bản địa. Theo truyền thuyết cổ xưa của bộ tộc, những người dân làng đã dần dần bị lôi cuốn trước sức hút của vị khách lạ, với vẻ đẹp của anh ta — sự chói lọi tỏa ra từ làn da — và sự nhân từ của anh đối với tất cả mọi người. Họ kể lại rằng vị khách bí ẩn này thông thái hơn bất kỳ ai trong số họ, và dần dần anh đã truyền dạy cho họ những kỹ năng quý báu.
Truyền thuyết kể rằng vào một ngày nọ Bep-Kororoti đã mất kiểm soát trong một cơn điên, gào thét và ngăn cấm các thành viên của bộ tộc tiếp cận mình. Đó cũng là lúc bộ tộc đã chứng kiến, tại chân núi, vị khách lạ được cho là đã tẩu thoát lên trời trong một vụ nổ khủng khiếp làm rung chuyển mọi thứ xung quanh. Truyện kể rằng Bep-Kororoti đã biến mất vào các đám mây của khói, lửa và sấm chớp. Với vụ nổ, mặt đất đã rung chuyển mạnh đến nỗi ngay cả cây cối cũng bị bật gốc, trốc rễ. Khu rừng bị phá hủy, muông thú biến mất, khiến bộ tộc lâm vào một nạn đói bi thảm.
Nhà dân tộc học Joao Americo Peret, thông qua việc phỏng vấn những bậc trưởng lão của cộng đồng bản địa vào năm 1952, đã xác nhận rằng câu chuyện về Bep-Kororoti đã được lưu truyền từ một niên đại rất xa xưa. Nếu tục tôn thờ vật phẩm bắt nguồn từ một nhân vật có thật, các nhà nghiên cứu hiện đại đã đặt câu hỏi rằng loại người nào có thể viếng thăm khu rừng Mato Grosso từ một niên đại xa xôi đến vậy, với một bộ đồ phi hành gia và các chủng phép thuật lợi hại, mà theo những người Kayapo, có khả năng hạ gục một con thú chỉ với một cái chạm.
Điều chắc chắn là, Bep-Kororoti không phù hợp với tuýp binh lính nhân đạo từ Bắc Mỹ mà cư dân đảo Tanna ở Vanuatu vẫn tôn thờ. Thậm chí còn bí ẩn hơn, khi lịch sử của người Kayapos lần đầu được lan rộng, mẫu thiết kế giống trang phục phi hành gia này, vốn đã trở thành một phần trong nghi lễ tưởng nhớ Bep-Kororoti, vẫn chưa hề xuất hiện tại bất kỳ cơ quan không gian nào trên thế giới.
Ngoài ra, chi tiết về chuyến khởi hành của phi hành gia cổ đại “giữa những đám mây của khói, ánh sáng và sấm chớp” có thể gợi lên hình ảnh của một động cơ phản lực hiện đại. Theo truyền thuyết, cơ chế phản lực, được điều khiển bởi thứ mà người bản địa nhìn nhận là những cành cây và con tàu được ngụy trang trong một cái cây. Truyền thuyết kể lại rằng người đàn ông từ vũ trụ đã quay trở lại khu rừng để ngồi trên cái cây đặc biệt đó rồi dịch chuyển những cành cây cho đến khi chúng chạm đất. Và một lần khác, anh ta tạo ra một vụ nổ và cái cây đã biến mất trong không trung.
Tộc người Dogon: Bộ tộc sở hữu tri thức ngoài vũ trụ
Có lẽ một trong những biến thể thú vị nhất của tục tôn thờ vật phẩm này thuộc về bộ tộc Dogon, cư ngụ ở quốc gia Tây Phi Mali. Tuy họ không thể chào đón những vị khách lạ một cách nồng nhiệt như những ví dụ kể trên, nhưng những kiến thức họ nhận được cũng không kém phần kỳ lạ.
Năm 1947, sau khi đã sống với bộ tộc Dogon trong hơn 17 năm, nhà nhân chủng học người Pháp Marcel Griaule đã được nghe kể một câu chuyện tuyệt vời. Những trưởng lão của bộ tộc đã hé lộ cho ông Griaule biết một trong những bí mật được lưu giữ cẩn mật nhất, ngay cả đối với đa số các thành viên trong bộ tộc.
Những vị trưởng lão đã kể lại việc chủng người Nommo, một tộc nửa người nửa cá, đã kiến lập một nền văn minh trên thế giới như thế nào. Tuy sở hữu một nền văn hóa còn sơ khai, nhưng các bậc trưởng lão tộc Dogon đã được truyền thừa một vốn hiểu biết sâu sắc về Hệ Mặt trời từ những người Nommo bí ẩn. Những vị trưởng lão đã biết được sự tồn tại của 4 mặt trăng của Sao Mộc, các vành đai của Sao Thổ, và về hình dạng xoáy ốc của Hệ Ngân hà. Họ được cho là đã biết cả về tính vô trùng trong môi trường trên Mặt Trăng, cũng như việc các hành tinh quay xung quanh Mặt Trời.
Nhưng tri thức đáng kinh ngạc nhất người Dogon đã nhận được từ người Nommo từ thời xa xưa là về quỹ đạo, kích thước và mật độ của các ngôi sao trong hệ sao Thiên Lang (Sirius System). Người Dogon đã xác định chính xác ba ngôi sao Sirius A, B và C, và có các hiểu biết về những ngôi sao này, vốn mới chỉ được khoa học biết đến trong thời gian gần đây.
Sao Sirus C không được phát hiện mãi cho đến tận năm 1995, khi các nhà thiên văn học nhận thấy ảnh hưởng của nó đối với sự vận động của toàn bộ hệ sao này. Tuy vậy trong hàng trăm năm qua, bộ tộc Dogon sơ khai đã không chỉ biết đến sự tồn tại của Sirius C mà còn hiểu về ngôi sao này một cách tường tận.
Làm thế nào chúng ta có thể lý giải được câu chuyện của tộc người Dogon, cũng như hàng vạn những nền văn minh khác trên khắp thế giới từng ghi nhận việc tiếp xúc với các phi hành gia thời cổ đại?
Rất nhiều người có thể khẳng định rằng, bộ tộc Dogon chắc hẳn đã có những tiếp xúc gần đây hơn với một nhà thiên văn học, và được truyền đạt những vốn hiểu biết chi tiết kể trên, và họ chỉ đơn giản thêm thắt những kiến thức này vào câu chuyện cổ tích xa xưa của mình. Nhưng liệu một cách giải thích như vậy có giúp tìm ra sự thật, hay chỉ đơn giản là để bảo vệ câu chuyện cổ tích của chính nền văn minh chúng ta—rằng chúng ta đang sống trong một xã hội có trình độ công nghệ bậc nhất tự cổ chí kim?
Trong chuyên mục Khoa học huyền bí, Đại Kỷ Nguyên khám phá các nghiên cứu và các sự kiện có liên quan tới các hiện tượng và giả thuyết đang thách đố hiểu biết của chúng ta hiện nay. Chúng tôi sẽ đào sâu vào những ý tưỏng có thể kích thích trí tưởng tượng và mở ra những khả năng mới. Hãy chia sẻ với chúng tôi suy nghĩ của bạn về những chủ đề có thể gây nhiều tranh cãi trong phần bình luận bên dưới.
Tác giả: Leonardo Vintini, Đại Kỷ Nguyên tiếng Anh.
Đọc bản gốc tại đây
Thạch Khánh biên dịch
Xem thêm: