Có không ít chiếc máy bay bị mất tích đầy bí ẩn trong lịch sử, sau đã được phát hiện trở lại.
Đã 3 năm trôi qua kể từ ngày chuyến bay MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines mất tích với 239 hành khách cùng 12 phi hành đoàn khi đang trong hành trình từ Kuala Lumpur tới Bắc Kinh. Cho tới nay, người ta vẫn chưa tìm được nguyên nhân khiến chiếc máy bay biến mất cũng như số phận của các hành khách và phi hành đoàn trên chuyến bay đó.
Tuy có nhiều giả thuyết được đưa ra cũng như tìm thấy các mảnh vỡ và hộp đen của máy bay nhưng việc MH370 mất tích sẽ là một ẩn đố lớn khó giải thích nhất trong ngành hàng không.
Những vụ máy bay mất tích lâu ngày kỳ lạ như vậy không phải là hiếm, và chúng hầu hết đều kết thúc bằng việc tìm thấy những mảnh vỡ. Cùng điểm danh những cuộc “trở về” không toàn vẹn của những chiếc máy bay mất tích theo danh sách tổng hợp của Mentalfloss dưới đây.
1. Vật dụng trong máy bay của nữ phi công đầu tiên một mình bay xuyên Đại Tây Dương được tìm thấy ở đảo Nikumaroro sau 70 năm mất tích
Có lẽ chiếc máy bay mất tích nổi tiếng nhất thuộc về Amelia Earhart – người phụ nữ luôn mong muốn thực hiện giấc mơ trở thành nữ phi công đầu tiên vượt Đại Tây Dương.
Vào ngày 3/7/1937, Amelia Earhart đã lái chiếc Lockheed L-10E Electra cùng hoa tiêu Fred Noonan bay khỏi Lae (New Guinea) với mong muốn thực hiện chuyến bay đầu tiên vòng quanh thế giới. Thế nhưng một sự cố bất ngờ xảy ra khiến máy bay của bà mất liên lạc và mất tích một cách bí ẩn trên Thái Bình Dương, gần đảo Howland.
Năm 1939, bà được cho là đã chết sau khi chính phủ Hoa Kỳ kết luận bà đã đâm vào một nơi nào đó giữa Thái Bình Dương, nhưng xác của bà đã chưa bao giờ được tìm thấy.
Có nhiều giả thuyết về số phận của Earhart được đưa ra sau khi bà mất tích. Hầu hết mọi người đều cho rằng Earhart bị lạc đường, sau đó máy bay bị hết nhiên liệu rồi lao xuống Thái Bình Dương.
Một số cho rằng sau khi máy bay gặp trục trặc, bà đã hạ cánh xuống hòn đảo nào đó và bị chết đói, chết khát hoặc bị thương. Đặc biệt một số nhà nghiên cứu đã đề xuất giả thuyết bà và hoa tiêu của bà đã bị người Nhật bắt giữ ở đảo Saipan hoặc quần đảo Marshall, sau đó bị người Nhật sát hại.
Một trong những người ủng hộ giả thuyết này là người anh em họ thứ tư của nữ phi công, ông Wally Earhart. Ông cho rằng chiếc máy bay không phát nổ mà bị lọt vào tay người Nhật.
Wally Earhart nói với tờ Nhật báo Nevada Appeal rằng: “Có thể họ đã bị rơi xuống vùng biển Nhật Bản. Fred Noonan đã bị quân đội Nhật chém đầu. Nếu Amelia không bị giết chết thì cũng sẽ nhanh chóng mất đi bởi chứng kiết lỵ và những căn bệnh khác”. Nhưng ông lại không đưa ra bất kỳ bằng chứng nào.
Cũng có một giả thuyết khác cho rằng nữ phi công nổi tiếng này thật ra là một gián điệp của chính phủ Hoa Kỳ đang thực hiện một nhiệm vụ bí mật: chụp ảnh các căn cứ quân sự bí mật của Nhật Bản trên Thái Bình Dương (Tác giả sách W.C. Jameson đã trình bày giả thuyết này trong cuốn sách của ông).
Ông cho biết Tổng thống Franklin D. Roosevelt đã ủy nhiệm cho chuyến bay của Earhart. Ngài Tổng thống biết rõ vụ mất tích này nhưng vẫn im lặng. Ông cũng cho biết, bà đã bị quân đội Nhật bắt giữ nhưng đã được trao trả lại vào năm 1945. Bà đã trở về Hoa Kỳ với danh tính khác, có thể là Irene Craigmile Bolam.
Sau 70 năm tìm kiếm trong vô vọng, phải đến năm 2007, tập đoàn trục vớt máy bay quốc tế (TIGHAR) mới phát hiện thấy một số vật dụng cá nhân của hai người trên đảo Gardner Island (hiện là đảo Nikaroro). Qua nhiều năm, họ đã tìm thấy các hiện vật là bằng chứng của việc đốt lửa trại, các miếng kính Plexiglas và một lọ kem dưỡng da mà Earhart hay dùng.
Cho dù tìm thấy nhiều bằng chứng cho thấy Amelia Earhart đã sống sót sau khi máy bay gặp sự cố nhưng việc chưa tìm thấy chiếc máy bay hay thi thể của bà khiến đây vẫn là một bí ẩn khó lý giải của ngành hàng không Hoa Kỳ.
2. Chiếc máy bay 232 được phát hiện tại núi Chimborazo sau 26 năm ngủ yên
Ngày 15/8/1976, trong hành trình từ Quito (Ecuador) đến Cuenca, một chiếc máy bay của hãng Vickers Viscount 785D mang số hiệu 232 đã mất tín hiệu với trung tâm chỉ huy.
Nhiều cuộc tìm kiếm đã được triển khai nhưng không thu thập được bất kỳ thông tin nào về số phận của chiếc máy bay hay chở 55 hành khách và 4 phi hành đoàn xấu số.
Một số giả thuyết đã được đưa ra: máy bay có thể đã bị tấn công bởi máy bay chiến đấu của Colombia hoặc bị rơi trên núi lửa Chimborazo.
Sau 26 năm mất tích, vào năm 2002, chiếc máy bay rốt cục cũng đã được tìm thấy với hiện trạng là một đống đổ nát. Các mảnh vỡ máy bay nằm rải rác hàng trăm mét trên sườn núi Chimborazo.
Người ta cho rằng chính nhờ sông băng trên núi tan chảy nên sau từng ấy năm bị chôn vùi, những mảnh vỡ này mới có cơ hội được lộ diện và phát hiện.
3. Chiếc máy bay Helldiver chìm sâu dưới hồ Lower Otay suốt 64 năm
Ngày 28/5/1945, khi đang trên đường thực hiện nhiệm vụ chiếc Helldiver mang số hiệu SB2C-4 của Hải quân Mỹ đã rơi xuống hồ Lower Otay ở gần thành phố San Diego (bang California). Lúc đó trên máy bay chở phi cơ E.D. Frazar cùng xạ thủ Joseph Metz.
Hai người đã bơi được vào bờ còn chiếc Helldiver thì bị chìm xuống đáy hồ. Nhiều cuộc tìm kiếm đã được tiến hành sau đó nhưng không thể tìm thấy chiếc máy bay.
Sau 64 năm bị mất tích, vào năm 2009, hai người bạn Duane Johnson và Curtis Howard đã vô tình phát hiện xác chiếc máy bay khi đang câu cá. Các nhà chức trách đã điều động một công ty cứu hộ để trục vớt chiếc máy bay này sau hàng chục năm bị chìm dưới đáy hồ.
Chiếc máy bay xuất hiện tại đúng nơi nó bị rơi trong quá khứ, nhưng những cuộc tìm kiếm và cứu hộ vào lúc đó đều không phát hiện ra dấu vết gì cả. Đây là một bí ẩn mãi cho đến nay vẫn chưa có lời giải.
4. Máy bay Piper Cherokee “ẩn mình” 32 năm trong Vườn quốc gia Yoshemite
Ngày 19/7/1962, một chiếc máy bay Piper Cherokee đời 1959 có nhiệm vụ chở bốn quân nhân về nhà từ một chiến dịch ở Fresno (California) đã bị thất lạc trong hành trình, và không thể về tới đích.
Có giả thuyết cho rằng chiếc máy bay đã gặp nạn và rơi xuống Vườn quốc gia Yoshemite. Sau 32 mất tích, vào năm 1994, một nhân viên của Toshemite đã tìm thấy đống đổ nát của chiếc máy bay tại một khu vực cô lập của vườn quốc gia – Hẻm núi Stubblefield.
Dựa vào đồ dùng cá nhân còn sót lại và những thông tin liên quan, giới chức trách xác định đây chính là chiếc máy bay chở 4 nạn nhân xấu số bị mất tích năm đó. Khu vực này hẻo lánh và biệt lập đến nỗi họ đã phải viện đến những con la để chở các mảnh vỡ ra ngoài.
5. Sau 17 năm, chiếc máy bay Lady B.Good tái xuất ở sa mạc Libya
Ngày 4/4/1943, trong một cuộc không kích tại Ý, chiếc máy bay B-24D của Không quân Mỹ có tên là Lady Be Good đã mất tích một cách bí ẩn.
Các nhà chức trách tại thời điểm đó cho rằng chiếc máy bay đã rơi xuống vùng biển Địa Trung Hải. Một cuộc tìm kiếm đã được tiển khai, nhưng tìm thấy một bất kỳ dấu hiệu nào của chiếc máy bay xấu số.
Phải đến năm 1958 khi một đoàn thăm dò dầu khí phát hiện ra chiếc máy bay này trên sa mạc Libya qua ảnh chụp trên không thì vị trí của chiếc máy bay này mới được xác định. Tuy rằng đã bị hư nát nhưng những mảnh vỡ của thân máy bay lại được bảo quản khá tốt trong khí hậu khô nóng vùng sa mạc. Điều kỳ lạ là đài radio và vài thiết bị khác của máy bay vẫn hoạt động tốt nhưng không có bất cứ dấu tích nào của phi hành đoàn.
Năm sau, nhà chức trách tổ chức một cuộc tìm kiếm phi hành đoàn kéo dài cả tháng trời nhưng không thu hoạch được gì. Phải đến năm 1960, tức 17 năm sau khi chiếc máy bay mất tích, người ta mới tìm thấy hài cốt của 8 trong số 9 thành viên nằm rải rác trên sa mạc.
Theo nhà chức trách, họ đã tìm thấy cuốn nhật ký của người phụ lái Robert Toner, trong đó tiết lộ chi tiết về câu chuyện sau khi máy bay gặp nạn. Cụ thể là sau khi máy bay rơi, 9người đã nhảy ra khỏi máy bay và thật may mắn có 8 người sống sót.
Tám người sống sót đã đi bộ khoảng hơn 130 km, sau đó 5 người bỏ cuộc và 3 người khác tiếp tục đi cho tới khi kiệt sức. Trong số 8 người này, chỉ có thi thể của người phụ trách súng máy Vernon L. Moore là không được tìm thấy.
Sau nhiều năm bị mất tích, các máy bay trên đều đã xuất hiện trở lại một cách không ai ngờ. Còn số phận của MH370 cùng 239 hành khách xấu số sẽ ra sao? Chưa ai có thể trả lời câu hỏi này và sự kiện MH370 mất tích sẽ vẫn còn là một bí ẩn không có lời giải đáp trong tương lai.
Video:
Sơn Tùng, Quý Khải