Lấy cảm hứng từ cuốn sách Utopia, dự án Ecotopia 2121 tái hiện viễn cảnh tương lai của 100 thành phố trên thế giới, với mức độ siêu thân thiện với môi trường.
Cuốn sách Utopia của Thomas More vừa kỷ niệm sinh nhật thứ 500 vào tháng trước. Cuốn sách miêu tả cái nhìn của tác giả về một xã hội kiểu mẫu trên một hòn đảo tưởng tượng ở một nơi xa xôi, không ai biết đến trên biển. Utopia trong tiếng Anh có nghĩa là một nơi hoàn hảo về mọi mặt.
Trang bìa cuốn sách Utopia của Thomas More. (Ảnh: Internet)
Nhân dịp kỷ niệm sinh nhật thứ 500 của cuốn sách, dự án Ecotopia 2121 được kiến lập với mong muốn tái hiện tinh thần của Thomas More, thông qua việc dự đoán viễn cảnh tương lai của 100 thành phố trên khắp thế giới.
Không quá khó hiểu, các utopia hiện đại hẳn phải cực kỳ thân thiện với môi trường nhằm đối phó với thảm họa môi trường toàn cầu. Với mục tiêu biến khu vực đô thị thành nơi cư trú của 80% dân số thế giới vào cuối thế kỷ, yếu tố “thân thiện với môi trường” hẳn phải trở thành một trong những điểm cốt lõi.
Dưới đây chúng ta sẽ quan sát một loạt tác phẩm nghệ thuật, với mục tiêu đưa ra một cái nhìn sơ lược về các thành phố trong tương lai. Lưu giữ những nét đặc trưng truyền thống của từng thành phố, hòa quyện với yếu tố “thân thiện môi trường” nói trên, có thể bạn sẽ rất ngạc nhiên khi nhận thấy các thành phố có thể trở nên tuyệt vời đến vậy. Rất có thể thành phố bạn đang cư ngụ cũng nằm trong số đó.
1) Accra năm 2121
Accra, thủ đô của Ghana, hứng chịu các trận lũ khủng khiếp hàng năm. Điều này càng trở nên tệ hại dưới ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, cùng với việc xây dựng tự do và xả thải bừa bãi xuống và xung quanh hệ thống dẫn nước.
Theo hình dung của một thành viên dự án, ông Alan Marshall, thì trong tương lai, người dân ở đây sẽ xây các căn nhà cabin giá rẻ trên cây, bên trên dòng nước lũ, ở vùng rừng lân cận.
Accra vào năm 2121. Bấm vào ảnh để phóng to. (Ảnh: Alan Marshall)
Ghana là một trong những nước có tỷ lệ phá rừng cao nhất thế giới, nhưng đến năm 2121, rừng cây lại sẽ trở thành nhà của một bộ phận người dân.
Có thể những người dân mới sẽ bảo vệ hệ sinh thái rừng trước sự phá hủy tiềm năng trong quá trình đốn gỗ, khai mỏ và khai dầu.
2) London năm 2121
Thành phố London hiện tại. (Ảnh: Internet)
London là thủ phủ của một trong những nước công nghiệp hàng đầu thế giới. Thật khó để tưởng tượng phiên bản “London xanh” sẽ trông như thế nào.
Thành phố London vào năm 2121. Bấm vào ảnh để phóng to. (Ảnh: Alan Marshall)
Quả thật để làm được điều này, cần một khả năng tưởng tượng phong phú, vượt tầm hiện thực. Trong khung cảnh trên, khoảng 20 km2 diện tích thành phố được chuyển đổi thành môt làng sinh thái lớn, với nhiều vườn cây, thảm cỏ được trồng ven sông Thames và các góc phố phường.
3) Los Angeles năm 2121
Los Angeles hiện tại. (Ảnh: Internet)
Los Angeles vào năm 2121. Bấm vào ảnh để phóng to. (Ảnh: Alan Marshall)
Giả sử lượng dự trữ dầu mỏ trên thế giới cạn kiệt vào cuối thế kỷ này, xe hơi sẽ trở nên vô dụng, tạo tiền đề cho sự trở lại của hệ thống xe điện trong đô thị Los Angeles đông đúc, nhộn nhịp. Đồng thời, hệ thống cao tốc không được sử dụng sẽ được tái cơ cấu thành các tuyến đường trồng cây xanh cho người đi bộ và đi xe đạp.
Điểm thú vị ở đây là lượng lớn xe hơi “đến tuổi xế chiều” có thể trở thành kết cấu của các tòa nhà mật độ cao, tạo ra một lối kiến trúc khá đặc thù.
4) Rēkohu năm 2121
Được biết đến trong tiếng Anh là quần đảo Chatham, Rekohu là một quần đảo ở Thái Bình Dương, nằm cách New Zealand 680km về phía đông nam, quê hương của tộc người Moriori yêu chuộng hòa bình.
Vào thế kỷ 19, người Anh phát hiện ra quần đảo này, và về sau, nó trở thành một phần của New Zealand.
Rēkohu vào năm 2121. Bấm vào ảnh để phóng to. (Ảnh: Alan Marshall)
5) Salto del Guairá năm 2121
Thác nước Guaira (nghĩa là “Bảy thác nước”) dọc biên giới Paraguay và Brazil từng là một thiên nhiên thắng cảnh. Tiếng nước xối xả từ hệ thống thác nước này có thể vang xa hàng cây số, và trong nhiều năm trời, đây là một địa điểm thu hút khách tham quan. Đây cũng là huyết mạch kinh tế của thành phố Salto del Guairá thuộc Paraguay lân cận, với nguồn thu từ du lịch đóng vai trò chính yếu.
Tổ hợp thác nước Guaira (nhìn từ trên xuống). (Ảnh: Internet)
Cận cảnh trong lòng thác Guaira. (Ảnh: Internet)
Tuy nhiên, năm 1982, chính phủ Brazil cho phát nổ khối đá bên dưới dòng thác, để tạo một bể chứa cho một con đập, trong sự tiếc nuối của nhiều người dân Paraguay.
Thác nước Guaira hiện tại, sau khi tạo bể chứa nước cho con đập. (Ảnh: Internet)
Nhưng đến năm 2121, cả thác nước và thành phố sẽ trở lại với một diện mạo tuyệt vời. Con thác được khôi phục, chảy qua lòng thành phố, tạo nên một “Venice của Paraguay” làm xiêu lòng mọi du khách.
Salto del Guairá vào năm 2121. Bấm vào ảnh để phóng to. (Ảnh: Alan Marshall)
Theo The Conversation
Quý Khải lược dịch
Xem thêm: