Sau gần một thập kỷ, các nhà khảo cổ học đã một lần nữa tiến vào bên trong các hầm mộ của hoàng hậu Khennuwa bí ẩn, một nhân vật huyền bí của Vương quốc Meroe.
Các nhà khảo cổ học đã tái mở cửa khu mộ để tiến hành nghiên cứu thêm về di chỉ và vị hoàng hậu này. Theo trang Heritage Daily, các khu hầm mộ hoàn toàn được trang trí bởi các bức tranh và ký tự tượng hình, khá nhiều trong số chúng hiện vẫn đang trong trạng thái bảo quản khá tốt. Khu mộ này được xác định thuộc về Hoàng hậu Khennuwa dựa trên các nội dung chạm khắc bằng ký tự tượng hình.
Kim tự tháp Hoàng hậu Khennuwa đã được khai quật vào năm 1922 trong quá trình khai quật tại di chỉ Nubia cổ đại bởi nhà khảo cổ học George A. Reisner từ Bảo tàng Mỹ thuật Boston. Tuy nhiên, các tư liệu được nhóm ông thiết lập chưa được hoàn thiện, khi chỉ chứa một vài bức ảnh chụp và một vài bản chép tay các nội dung chạm khắc. Tình trạng thiếu thông tin về khu mộ đã thúc giục các nhà khảo cổ học từ Dự án Khám phá Quần thể Kim tự tháp Sudan của Qatar (Qatari Mission for the Pyramids of Sudan – QMPS) xin cấp phép tái mở cửa khu mộ.
Nghĩa trang phía nam Meroe, nơi đặt khu mộ của Hoàng hậu Khennuwa. (Ảnh: TrackHD)
Công việc tại kim tự tháp đã được triển khai bởi QMPS với sự hỗ trợ của Tổ chức Di sản và Bảo tàng Quốc gia Sudan cùng Viện Khảo cổ Đức ở Berlin. Công việc bao gồm việc tu sửa và triển khai các biện pháp an ninh tại khu vực. Những hành động này được tiến hành để chuẩn bị cho việc mở cửa lăng mộ Hoàng hậu Khennuwa cho công chúng. Ngoài ra, nhóm nghiên cứu sẽ phân tích các bức họa, tình trạng chung của khu mộ, và nghiên cứu lịch sử khu mộ sử dụng các công nghệ mới nhất.
Định tuổi khu mộ
Việc tái mở cửa khu mộ được cấp phép vì là một phần của chương trình nghiên cứu và bảo tồn của QMPS. Chương trình này được thiết lập để trùng tu và bảo quản 53 kim tự tháp Nubia tại khu vực Begrawiya, Nahar al Nil State, phía bắc thủ đô Khartoum. Cuộc nghiên cứu hiện tại hướng đến hơn 100 kim tự tháp trong các khu nghĩa trang hoàng gia ở Meroe. Nhóm các chuyên gia quốc tế hiện đang tu sửa di sản “các Pha-ra-ông đen” của Ai Cập từ triều đại thứ 25 (thế kỷ 7 TCN), và tổ tiên của họ vốn trị vì Vương quốc Kush (hiện nằm ở Sudan) trong suốt bốn thế kỷ.
Khu mộ của Hoàng hậu Khennuwa nằm 6 m bên dưới kim tự tháp; một điểm đặc trưng của các kim tự tháp tại Vương quốc Kush (Meroe). Kim tự tháp này đã được xác định niên đại từ đầu thế kỷ 4 TCN. Tuy nhiên, theo kết quả nghiên cứu về cuộc đời Hoàng hậu Khennuwa, bà sống vào thế kỷ 3 TCN, cho thấy khu mộ này có thể đã được chuẩn bị sẵn trước đó cho ai khác. Theo Dows Dunham, giai đoạn trị vì của bà có thể là vào giữa thế kỷ 3 TCN, và chồng của bà có lẽ là Amanislo, một vị vua Kush.
Hầm mộ của Hoàng hậu Khennuwa tại Meroe. (Ảnh: P. Wolf/DAI)
Phong cách trang trí trong khu mộ là rất tương đồng với các khu mộ từ triều đại thứ 25 của Ai Cập. Các vị vua và hoàng hậu của Vương quốc Kush thường áp dụng các phong cách trang trí giống với tổ tiên từ thời xa xưa của họ. Các nội dung chạm khắc trong khu mộ cũng có các ký tự rất tương đồng với ký tự tang lễ từ triều đại thứ 25, cung cấp thêm bằng chứng cho thấy sức ảnh hưởng mạnh mẽ của các phong tục thời kỳ đầu của người Nubia.
Nhà vua và hoàng hậu bị lãng quên của Vương quốc Kush
Hoàng hậu Khennuwa chỉ được biết đến nhờ kim tự tháp của bà. Trong hầm mộ của mình, Hoàng hậu Khennuwa có tước hiệu là Người vợ Hoàng gia (Royal Wife). Cũng có rất ít thông tin về Vua Amanislo. Ông được chôn cất trong một kim tự tháp khác gọi là Beg. S5. Ông có lẽ là người kế nhiệm Vua Arakamani và người tiền nhiệm Vua Amantekha.
Theo cuốn Từ điển Lịch sử về Nubia thời Trung Cổ, vua Amanislo là người phụ trách di dời một cặp tượng sư tử ngẩng đầu bằng đá gra-nít đỏ từ Sulb đến Napata. Cặp tượng sư tử này đã được đặt ở Sulb bởi Pha-ra-ông Amenhotep III (triều đại 18, Ai Cập), và có lẽ đã được tái sử dụng bởi Pha-ra-ông Tutankhamun. Khi cặp tượng được chuyển tới Napata, vua Amanislo đã quyết định khắc tên mình lên đó. Hiện nay cặp tượng này là một phần trong bộ sưu tập của Bảo tàng Anh ở London.
Các kim tự tháp lớn ở Meroe
Vương quốc của Amanislo và Khennuwa nằm cách thủ đô Khartoum của Sudan ngày nay 200 km về phía bắc. Các kim tự tháp tại Meroe không cao bằng các kim tự tháp ở Giza, Ai Cập. Chúng được phát hiện vào những năm 1880 bởi nhà thám hiểm người Ý Giussepe Ferlini. Điều không may là, ông đã phá hủy phần chóp đỉnh của nhiều công trình, hòng tìm kho báu bên trong.
Quang cảnh các kim tự tháp Meroe từ trên không. Ảnh chụp năm 2001. (Ảnh: Wikimedia)
Khác với các kim tự tháp ở Ai Cập, các kim tự tháp ở Meroe đã được xây gần nhau, nên có nhiều kim tự tháp trong một khu vực diện tích nhỏ. Khu vực kim tự tháp hoàng tộc ở Meroe đã trở thành một Di sản Thế giới được UNESCO công nhận.
Tác giả: Natalia Klimczak, Ancient Origins.
Đăng tải với sự cho phép. Đọc bản gốc ở đây.
Quý Khải biên dịch
Xem thêm: