Do sự phát triển của khoa học và kỹ thuật trong thế kỷ 21, vai trò của những ngành nghề như giảng dạy, học tập và nghiên cứu trong môi trường đại học đã bị biến đổi sâu sắc.
Sự tăng tốc của các khám phá và phát minh trong thế kỷ này đã đạt đến một mức độ: khi bạn hỏi “Liệu chúng ta có thể làm điều này?” thì câu trả lời sẽ luôn luôn là “Có thể”.
Nhưng cùng lúc đó, câu hỏi “Liệu chúng ta có NÊN làm điều này?” lại cấp bách hơn bao giờ hết. Xã hội đang tìm kiếm những sinh viên tốt nghiệp các ngành STEM để giải quyết các vấn nạn toàn cầu về y tế, môi trường và kinh tế của hàng tỷ người. Để thành công, các sinh viên ra trường cần phải được rèn luyện cả đạo đức lẫn tài năng.
Có những việc chúng ta có thể làm, nhưng không nên làm. Có những giá trị đạo đức để định hướng trong phòng thí nghiệm. (Ảnh: O. Usher/UCL MAPS, CC BY)
Nghiên cứu không chỉ là khách quan thuần túy
Lập bản đồ gien là một dạng nghiên cứu tế bào gốc hứa hẹn mang đến những phương thức trị liệu đa dạng , khoa học nano và công nghệ, mở ra những khả năng gần như vô tận trong một số lĩnh vực.
Nghiên cứu STEM vốn đang ngày càng tinh vi và phức tạp hơn, đòi hỏi sự phối hợp giữa những người cả ở bên trong lẫn bên ngoài lĩnh vực đó. Lấy ví dụ, hàng trăm nhà vật lý đang làm việc tại CERN, phòng thí nghiệm vật lý nguyên tử Châu Âu, để tìm hiểu về các hạt nền tảng vũ trụ: các hạt hạ nguyên tử. Các phát hiện của họ sẽ truyền cảm hứng đểtạo ra công nghệ trong nhiều lĩnh vực khác, và nêu lên những câu hỏi sâu sắc về tự nhiên và nhân loại.
Các ngành STEM là một tổ chức con người — các cá nhân và tập thể có các lựa chọn và mục tiêu khác nhau cùng tham gia một cuộc điều tra về thế giới tự nhiên .
STEM không phải là không có tiêu chuẩn đạo đức; nó không phải luôn luôn thuần túy khách quan. Các nhà nghiên cứu trong những lĩnh vực này cần phải thực hành đạo đức — nghĩa là, coi trọng đạo đức và duy trì những tiêu chuẩn đạo đức cao — để thành công và đảm bảo rằng công việc của họ góp phần thúc đẩy hạnh phúc của tất cả mọi người, và nhận được sự tôn trọng và ủng hộ của xã hội. Đặc biệt, STEM nên có mục đích thúc đẩy một cộng đồng nhân loại phồn vinh.
Xem thêm: 10 sai lầm ngớ ngẩn mà khoa học từng tin tưởng, VD: Chuột sinh ra từ phô mai
Sự thức tỉnh của tôi
Khi thay đổi sở thích từ vật lý cơ bản sang vật lý ứng dụng, tôi đã để tâm đến phương diện đạo đức này.
Nghiên cứu của tôi có ảnh hưởng tiềm năng lên người thật – cả tích cực lẫn tiêu cực – điều này trở nên rõ ràng hơn ngày xưa – khi tôi còn làm việc với các công thức, giả thuyết và thí nghiệm. Tôi phải ra quyết định lựa chọn trong mỗi bước của quá trình này . Những lựa chọn đó sẽ thay đổi phương hướng của cả nghiên cứu và sản phẩm cuối cùng.
Các nhà nghiên cứu trong những lĩnh vực này cần phải thực hành đạo đức để thành công— nghĩa là, coi trọng đạo đức và duy trì những tiêu chuẩn đạo đức cao
Đây không chỉ là suy nghĩ xem điều gì khả thi, mà nó đã trở thành trách nhiệm cá nhân, nhìn nhận xem điều gì là tốt. Vượt ra ngoài phân tích chi phí-lợi nhuận, tôi phải tính đến yếu tố sức khỏe và an toàn của người sử dụng sản phẩm cuối cùng. Đồng thời, tôi có động lực hơn để khám phá và phát minh ra các sản phẩm mang đến lợi ích cho con người.
Khoa học không chỉ đơn giản là thước đo vật chất hay giải phương trình – nó phụ thuộc vào sự chính trực, cần mẫn, minh bạch, cẩn thận… Khoa học phụ thuộc vào đạo đức.
Các đức tính đáng quý
Môn học đạo đức luân lý và lý trí nên được đưa vào mô hình giáo dục cho các sinh viên các ngành STEM, chứ không chỉ gói gọn trong các ngành nhân văn . Một người xuất sắc có thể tích lũy các đức tính tốt thông qua rèn luyện mỗi ngày, với mong muốn tạo ra một cuộc sống cao quý.
Lĩnh vực đạo đức, điểm trọng tâm trong các tác phẩm của Aristotle, hàng thế kỷ qua đã cung cấp một thang đo để đánh giá hành động của bản thân. Theo đường hướng này, hành động đúng đắn là một sự trung dung, hài hòa giữa cái thừa và cái thiếu. Ví dụ, nói về đức tính dũng cảm thì chúng ta cần tránh sự thái quá của tính hùng hổ và sự thiếu hụt của tính hèn nhát.
Đạo đức đã nhận được một mối quan tâm mới từ cuối thế kỷ 20, khi mọi người trong thế giới hiện đại nhận ra tầm quan trọng của nhân cách cũng như tài trí. Đạo đức bao gồm các đức tính truyền thống như: cẩn thận, công bằng, tự kiềm chế, kiên cường; và các phẩm chất mới được xác định như: gan góc, một sự dung hợp giữa nhẫn nại và đam mê. Bởi vì các đức tính tốt là trách nhiệm của cá nhân mỗi người, nên chúng không có liên hệ với tổ chức hay nhóm tôn giáo nào. Đạo đức hướng tầm mắt ra xa hơn các luật lệ và công thức, để tập trung sự chú ý vào giá trị và ý nghĩa của cuộc sống.
Sinh viên ngày nay cũng nên được trau dồi các đức tính đáng quý này. (Raphael/Wikimedia Commons)
Việc giảng dạy đạo đức sẽ tạo ra các ảnh hưởng gì
Cách tiếp cận từ nhân tố đạo đức sẽ thúc đẩy khả năng nhìn lại bản thân, suy xét kỹ lưỡng và sự tiết chế, giảm thiểu sự thái quá và thiếu khuyết. Từ đó, những sinh viên STEM sau khi tốt nghiệp sẽ có thể đưa ra các lựa chọn với chuẩn mực đạo đức cao nhất, để xử lý các vấn đề quan trọng và phức tạp trong môi trường, vật liệu, hay hỗ trợ các nước đang phát triển.
Ở đây, trong trường Cao đẳng Khoa học này, chúng tôi liên tục đưa ra các câu hỏi về con người, đặc biệt trong các ngành khoa học đời sống.
Chúng tôi tập trung vào các căn bệnh hiếm gặp vốn thường bị bỏ ngỏ trong giáo trình, và đặt câu hỏi tại sao chúng chưa được tài trợ đủ, đồng thời so sánh giá của thuốc xem có hợp lý không. Khi chúng tôi cân nhắc giữa lợi nhuận và việc cứu người, thì những đức tính như là công lý, trí tuệ, đam mê và lòng trắc ẩn sẽ xuất hiện một cách tự nhiên. Trong các khóa học nghiên cứu tế bào gốc, chúng tôi thảo luận về đạo đức giữa việc cứu người so với phá hủy các phôi thai. Chúng tôi đã thiết kế các khóa giảng dạy về đạo đức, sự chính trực trong chuyên môn và trách nhiệm cá nhân, và về nghệ thuật lãnh đạo trong khoa học dựa vào mô hình dạng servant-leader (viên chức-lãnh đạo) vốn đặt một giá trị cao về đạo đức trong giao tiếp giữa người với người.
Ngoài những trao đổi rõ ràng như vậy, các sinh viên sẽ hiểu được các đức tính cần thiết khi tiến hành nghiên cứu. Những đức tính này bao gồm các phẩm chất như: cam kết tìm kiếm câu trả lời, sự dũng cảm thử sức với các lĩnh vực mới và tạo ra các kiến thúc cơ bản mới, cũng như khả năng đặt câu hỏi, tưởng tượng và sáng tạo. Thêm vào đó, tầm quan trọng của đạo đức đã tăng lên đáng kể khi các nghiên cứu đi từ cá nhân sang các nhóm lớn. Các nhà khoa học phải học cách phối hợp hiệu quả trong các nhóm đa dạng, yêu cầu sự tôn trọng, trung thực, sự tin tưởng và tính hài hước.
Quyền lực càng cao, trách nhiệm càng lớn. (Ảnh: NASA/ Wikimedia Commons)
Để có các giải pháp sáng tạo. nhà nghiên cứu phải cởi mở tiếp nhận đóng góp của người khác, thậm chí từ các lĩnh vực khác. Khi lựa chọn một câu hỏi để nghiên cứu, người ta cần có sự cẩn trọng, tức đánh giá cẩn thận về các ảnh hưởng tiềm tàng, có hại cũng như có lợi. Trong lĩnh vực nano, tế bào gốc hay các lĩnh vực khác, các nhà nghiên cứu nên chịu trách nhiệm và tránh đưa ra các sản phẩm có hại, ví dụ như chất thalidomide đã được kê trong thuốc chống nôn cho phụ nữ mang thai. Các nhà khoa học và kỹ sư cũng nên tránh tạo thêm khoảng cách giữa các nước giàu và các nước đang phát triển.
Phải có đường hướng thận trọng để xử lý các thách thức trong khoa học
Để tiến hành các nghiên cứu quan trọng có quy mô lớn toàn cầu, các nhà khoa học cần có sự bền bỉ xưa nay, cũng như các đức tính cần thiết để làm việc nhóm như: tính trung thực, khiêm tốn, hào phóng, tử tế và các đức tính tương tự. Việc báo cáo các kết quả thí nghiệm đòi hỏi phải có sự trung thực và tinh thần trách nhiệm cao. Khi quyết định chuyển đổi các phát minh thành sản phẩm thương mại, các nhà nghiên cứu sẽ cần phải có sự dũng cảm, quyết đoán, và sự tận tâm, cũng như các đức tính để làm việc nhóm, bao gồm sự kiên nhẫn và linh hoạt.
Xem thêm: Chuyên gia về luân hồi, TS Jim Tucker, nói chuyện về nghiên cứu ‘tâm linh’ trong giới khoa học Mỹ
Nền giáo dục ngành STEM rõ ràng là một trong những lĩnh vực học thuật nặng nhất. Vì vậy, việc lồng ghép phương diện nhân văn và nhân đạo đòi hỏi tính sáng tạo cao. Rốt cục, trong vai trò các giáo viên và quản lý trong đào tạo và huấn luyện các sinh viên, tôi tin rằng việc hiểu và thực hành đạo đức phải len lỏi vào tất cả mọi hành động của chúng ta.
Trong tương lai, chúng ta sẽ được đánh giá trong thị trường giáo dục, không phải bởi xếp hạng lớp hay điểm số của những sinh viên tài năng tương lai, mà bởi chất lượng và ảnh hưởng của những sinh viên đã tốt nghiệp. Nếu có thể ươm mầm các thói quen xuất chúng vào sinh viên, các học viện sẽ liên tục phát triển song song với thành công của các sinh viên đã tốt nghiệp.
Khi tôi nói về đạo đức và nghệ thuật lãnh đạo, mọi người thường hỏi tôi, đôi khi là bông đùa, rằng tôi là một nhà khoa học hay một nhà nhân văn. Mỗi khi như thế, tôi ngẫm lại điều chúng ta mong muốn các sinh viên hướng tới, và trả lời rằng: cả hai.
Bài viết được đăng bản gốc trên trang The Conversation. Đọc bản gốc ở đây.
Gregory Crawford, trường Đại học Notre Dame
Biên dịch: Quý Khải; Biên tập: Phan A
Xem thêm: Lợi nhuận kinh doanh gắn liền với chuẩn mực đạo đức