Bạn có nhớ được những đồ chơi hay bức tranh yêu thích từ hồi còn bé xíu?
Hầu hết chúng ta không thể nhớ được những sự việc xảy ra lúc 3 hay 4 tuổi. Thực tế là chúng ta có thể nhớ được rất ít những sự việc trước 7 tuổi. Và khi cố nhớ lại những ký ức đầu đời thì chúng ta thường không phân biệt được đâu là những sự việc thực sự xảy ra và đâu là do nhìn thấy hay nghe thấy qua sách truyện.
Hiện tượng này được gọi là chứng đãng trí tuổi thơ (childhood amnesia) và đã làm đau đầu các nhà nghiên cứu hơn 10 năm qua, theo trang mạng The Conservation. Tới nay đó vẫn là bí mật về trí não con người.
Dù sao cơ thể người vẫn là một bí ẩn to lớn đối với nhân loại, và những nghiên cứu dưới đây chỉ là những phỏng đoán ban đầu.
Không phải do khả năng ghi nhớ
Theo nghiên cứu ban đầu, lý do chúng ta không thể nhớ được những sự kiện của thời “con nít” được cho là vì trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ chưa phát triển đầy đủ khả năng ghi nhớ. Tuy nhiên, trẻ em 6 tháng tuổi đã hình thành trí nhớ ngắn hạn (kéo dài trong vài phút) và cả dài hạn (có thể kéo dài trong vài tuần, vài tháng).
Trong một nghiên cứu, trẻ em 6 tháng tuổi đã biết ấn vào thanh ngang để cho chạy một chiếc tàu hỏa đồ chơi và vẫn có thể nhớ được cách vận hành này trong 2 đến 3 tuần sau, dù không nhìn thấy đồ chơi này. Trẻ em mẫu giáo cũng có thể nhớ được các sự kiện đã tham gia từ vài năm trước. Nhưng khi lớn lên, các ký ức này bắt đầu phai nhạt và dần quên hẳn, theo Daily Mail.
Yếu tố ngôn ngữ?
Một yếu tố khác mà đóng vai trò quan trọng trong việc ghi nhớ có thể là ngôn ngữ. Trong khoảng thời gian từ 1-6 tuổi, tiến trình phát triển của trẻ em là đọc một từ đến khi thông thuộc ngôn ngữ mẹ đẻ. Do đó nhiều thay đổi trong khả năng ngôn ngữ có thể gối lên nhau với giai đoạn mất trí trẻ thơ.
Ở chừng mực nào đó, một đứa trẻ có thể kể lại chi tiết về một sự kiện xảy ra hàng tháng hay hàng năm trước. Một nhóm nghiên cứu đã tiến hành hỏi những em bé tại phòng cấp cứu tai nạn về những chấn thương của chúng. Những đứa trẻ hơn 26 tháng tuổi có thể kể được nhiều về sự kiện tại thời điểm đó, nhớ được đến 5 năm sau. Trong khi đó, những trẻ dưới 26 tháng tuổi không thể kể về sự kiện này, và nhớ được rất ít hoặc hầu như không nhớ gì. Điều đó cho thấy những ký ức có thể bị mất đi nếu chúng không được chuyển thành lời nói.
Yếu tố văn hóa, xã hội?
Tuy nhiên, hầu hết các nghiên cứu về vai trò của ngôn ngữ tập trung vào khả năng kể lại, và chức năng xã hội của nó. Khi bố mẹ nhắc lại với trẻ nhỏ về các sự kiện đã qua, họ hoàn toàn dạy chúng các kỹ năng bộc lộ bằng lời nói, về loại sự kiện nào là quan trọng để ghi nhớ và làm thế nào để cách truyền đạt để mọi người hiểu được.
Không giống như mục đích kể chuyện, hành động nhắc lại kỷ niệm phản ánh chức năng xã hội là chia sẻ trải nghiệm với người khác. Theo cách này, những câu chuyện về gia đình có trình tự sự kiện, chủ đề và mức độ cảm xúc. Những câu chuyện có độ gắn kết hơn thường được nhớ lâu hơn. Dân tộc Maori có trí nhớ về tuổi thơ sớm nhất (2,5 tuổi) nhờ bố mẹ người Maori hay có thói quen kể lại những câu chuyện gia đình.
Khả năng nhớ có những chức năng xã hội khác nhau ở những nền văn hoá khác nhau. Chẳng hạn như một đứa trẻ ở Mỹ có thể nhớ được việc nhặt được một ngôi sao bằng vàng ở trường mẫu giáo. Trong khi đó, đứa trẻ Trung Quốc có thể nhớ được một bài hát đặc biệt nào đó ở trường mẫu giáo.
Điều quan trọng là cho dù chúng ta không thể nhớ rõ ràng những sự kiện lúc nhỏ, nhưng chúng vẫn tích luỹ và để lại những ảnh hưởng lâu dài đến hành vi về sau.
Minh Bùi
Xem thêm