Khi áp một chiếc vỏ ốc vào tai, bạn có thể nghe thấy tiếng sóng biển dịu êm. Nhưng dù bạn có nghĩ thế nào, thì đó chắc chắn cũng không phải là tiếng sóng biển thật sự đâu.
Vậy thứ bạn nghe thấy là gì? Nói một cách đơn giản, đó chính là các âm thanh xung quanh bạn và trong cơ thể bạn, mà bạn không thể nghe thấy do chúng quá nhỏ hoặc do bạn không để ý đến chúng.
Vậy tại sao bạn lại nghe thấy các âm thanh này khi áp chiếc vỏ ốc vào tai. Đó là vì, trong trường hợp đó, chiếc vỏ ốc đã đóng vai trò như một thiết bị cộng hưởng âm thanh. Cụ thể, đây chính là một ví dụ của thiết bị cộng hưởng Helmholtz, trong đó âm thanh được tạo ra bởi luồng khí dao động trong một khoang cộng hưởng. Hình dạng to nhỏ, bề mặt lồi lõm khác nhau của khoang cộng hưởng đều sẽ cho ra những âm thanh (nốt nhạc) khác nhau, ví như trong video bên dưới. Trong video, chiếc chai chính là khoang cộng hưởng chúng ta đang nói tới.
Âm thanh xung quanh trong môi trường, ví như luồng không khí di động qua và bên trong vỏ sò, dòng máu đang chảy trong đầu, cho đến cả tiếng còi xe bên ngoài căn phòng, tất cả chúng đều đang cộng hưởng trong cái không gian bên trong vỏ sò, được phóng đại và trở nên rõ ràng hơn. Do đó tai chúng ta mới có thể nghe thấy.
Câu hỏi thứ hai: Liệu tiếng phát ra từ vỏ ốc có thật sự là tiếng sóng biển? Không nhất định. Có hai lý do.
Thứ nhất, như đã nói ở trên, hình dáng khoang cộng hưởng khác nhau sẽ dẫn đến việc âm thanh được tạo ra cũng sẽ khác nhau. Có muôn hình vạn trạng các loại vỏ ốc, và mỗi loại sẽ tạo ra một âm thanh riêng biệt khi được áp vào tai. Nếu chiếc vỏ ốc bạn chọn, cũng như âm thanh xung quanh được cộng hưởng, phát ra cùng tần số và cao độ với tiếng sóng biển, thì đó là một điều trùng hợp thú vị.
Thứ hai, bộ não con người có sức tưởng tượng phong phú và khả năng liên hệ các sự việc với nhau. Cầm một chiếc vỏ sò trong tay, đứng bên cạnh một bãi biển, thứ bạn nghe được hẳn phải là tiếng sóng biển phải không? Thực ra bộ não chỉ đang liên hệ các hiện tượng này với nhau, nhưng sự liên hệ này lại không nhất định chuẩn xác. Ít nhất trong trường hợp này, bộ não và thính giác đã đánh lừa bạn. Chính vì vậy, nên có lúc “nhìn thấy, nghe thấy rõ ràng đó”, nhưng sự thật có thể lại rất khác biệt. Thực ra, âm thanh này nghe giống tiếng gió lùa hơn là tiếng sóng.
Quý Khải biên tập
Xem thêm: