Đại Kỷ Nguyên

Tại sao chúng ta ngủ ngon hơn khi trời mưa?

Có bao giờ bạn tỉnh dậy và phát hiện trời đang mưa như trút vào sáng sớm khiến bạn có cảm giác se se lạnh và vẫn tiếp tục ngủ thêm hay chưa? Nếu có thì bạn không phải là người duy nhất ở trong trạng thái đó đâu. 

Những ngày cuối tháng 5 và đầu tháng 6 thật buồn tẻ và chán chường bởi những cơn mưa. Khi mùa mưa đến, hầu hết ai cũng đều cảm nhận được rất rõ một hiện tượng khá kỳ lạ: Những cơn mưa khiến bạn lúc nào cũng cảm thấy buồn ngủ, dù đã ngủ đủ giấc trong đêm.

Không riêng gì buổi sáng sớm mà bất cứ lúc nào trời mưa, đang thức thì ta lại muốn đi ngủ, đang ngủ thì lại ngủ ngon hơn. Thời tiết và sức khỏe thường đi đôi với nhau, thời tiết thay đổi sẽ tác động tới tâm trạng và cảm xúc của ta.

Những cơn mưa buồn bã luôn tạo ra cảm giác mệt mỏi và buồn ngủ. (Ảnh: FaunaImage.com)

Theo phân tích của các nhà khoa học, có 4 nguyên nhân gây nên việc trời mưa khiến ta buồn ngủ hơn và lười hơn những ngày trời nắng:

Nguyên nhân đầu tiên là trời mưa luôn bắt đầu vào giai đoạn chúng ta đang ngủ và kéo dài cho đến khi ta thức dậy. Theo nghiên cứu tại Đại học Rochester, New York thì cơn mưa này làm ta không có một giấc ngủ đủ sâu và đủ lâu nên khi thức dậy bạn cảm thấy mệt mỏi và muốn quay lại ngủ tiếp.

Nguyên nhân thứ hai là do Hooc môn Melatonin:

Melatonin là loai hormone thường tiết ra khi trời tối, có tác dụng điều chỉnh quy trình ngủ – thức của con người. Chính vì vậy khi trời sáng, cơ thể sẽ ngừng việc tiết ra chất này do phụ thuộc vào lượng ánh sáng nhận được, cơ thể nhận càng nhiều ánh sáng thì lượng melatonin càng ít.

Khi trời mưa, bầu trời xung quanh u ám và bóng tối bao trùm không gian khiến cơ thể tiết ra nhiều melatonin ( melatonin thường tiết ra nhiều vào ban đêm, khi không có nhiều ánh sáng) đưa ta dần dần chìm vào giấc ngủ một cách nhẹ nhàng và êm ái.

Khi trời mưa, lượng ánh sáng giảm đi nhiều khiến cơ thể chúng ta tiết ra nhiều hooc-môn melatonin gây buồn ngủ. (Ảnh: Vactual Papers)

Nguyên nhân thứ 3:

Cũng tương tự như melatonin, khi thiếu ánh sáng, cư thể chúng ta cũng tiết ra ít hooc-môn Seratonin so với bình thường (Seratonin là một loại nơron dẫn truyền thần kinh). Sự thiếu hụt nơron này khiến cơ thể lười biếng và thiếu động lực hơn bình thường, chỉ muốn nằm một chỗ.

Nguyên nhân thứ 4: Âm thanh của cơn mưa

Đây là nguyên nhân quan trọng nhất. Các âm thanh bao gồm tiếng mưa rơi tý tách xuống mái nhà, sân nhà, tiếng nước chảy róc rách dưới suối, tiếng sóng vỗ, tiếng chim hót, tiếng mưa rơi rào rạt trên lá cây,… Chúng được gọi với thuật ngữ chung là “tiếng ồn trắng”   (white noise).

Tiếng mưa rơi tý tách trên mái nhà tạo nên âm thanh du dương và êm dịu khiến chúng ta buồn ngủ. (Ảnh: memphite.com)

Tai chúng ta hoạt động như một hệ thống thông báo; những âm thanh như tiếng kèn xe, đồng hồ báo thức, chuông điện thoại… có thể đánh thức ta bất cứ lúc nào nhưng tiếng ồn trắng lại tạo ra một hiệu ứng che giấu tài tình. Bộ não chúng ta tưởng rằng những tiếng ồn đó chưa đủ để đánh thức ta dậy chính vì vậy ta không cảm nhận được sự biến đổi âm thanh vi tế.

Y học đã chứng minh được điều này và nó là phương pháp hữu hiệu cho trường hợp dỗ em bé ngưng khóc và liệu pháp chữa bệnh mất ngủ. Tiếng mưa rơi là một trong những loại tiếng ồn trắng tốt nhất giúp ta ngủ ngon.

(Ảnh: momcircle.com)

Ngoài ra, cũng có một sự giải thích đơn giản hơn về âm thanh khi mưa rơi:

Sự đơn điệu có tiết tấu này kéo dài một thời gian gây ra sự ức chế ở vỏ não làm giảm độ hưng phấn các bộ phận trên cơ thể và khuếch tán chúng đến các vị trí dưới da. Khi đó âm thanh này sẽ mang giấc ngủ đến gần ta hơn. Không những tiếng mưa mà các âm thanh có tiết tấu đơn điệu kéo dài đều có thể làm được như vậy. Điều này giúp giải thích vì sao những bài hát ru thường có âm hưởng đều đều ngang ngang.

Không phải bỗng nhiên mà rất nhiều người thích tiết trời mưa như vậy, khi đó không gian thật yên bình, lãng mạn. Nếu bạn muốn thả lỏng cả thể xác lẫn tinh thần, âm thanh đến từ thiên nhiên thì mưa là lựa chọn tốt nhất, nó chính “nhạc đệm” tuyệt vời giúp bạn có những giấc ngủ say sưa hơn.

Sơn Tùng

Exit mobile version