Các nhà khoa học từ Đại học California (Mỹ) đã bước đầu hé mở nguyên nhân gấu trúc sở hữu bộ lông trắng đen rất đặc thù trong họ nhà gấu: chúng phải đi kiếm ăn ngay cả trong mùa đông khắc nghiệt.
Với các mảng lông trắng và đen đã trở thành “thương hiệu”, gấu trúc không thể bị nhầm lẫn với bất kỳ loài gấu nào khác trong họ. Hiện các nhà khoa học đã phần nào hiểu rõ hơn tại sao gấu trúc sở hữu màu lông đặc thù này; nguyên nhân rất có thể do quãng đường loài động vật tội nghiệp này phải đi để kiếm đủ lương thực.
(Ảnh: Internet)
Màu sắc trong giới động vật có nhiều chức năng khác nhau, từ thu hút bạn tình, cảnh báo kẻ săn mồi cho đến ẩn mình vào môi trường xung quanh. Để biết tại sao một sinh vật có màu sắc như vậy, các nhà sinh học thường đối chiếu với các sinh vật có mô thức màu sắc tương tự, sinh sống tại phân khúc tương đồng trong các môi trường khác.
Lấy ví dụ, tuy rằng sống ở bên kia Trái Đất, loài báo đốm ở Châu Phi và Châu Á lại giống báo đốm Châu Mỹ ở chỗ đều có các đốm đen và nâu bao phủ khắp thân mình, giúp ẩn mình vào môi trường thiếu ánh sáng khi săn mồi.
Loài báo đốm Mỹ (trái) và báo đốm Á Âu (phải) có các đốm đen nâu rất tương đồng, dù sinh sống ở các châu lục ngăn cách bởi đại dương. (Ảnh: Internet)
Hay lấy trường hợp của ngựa vằn. Tại sao chúng có sọc vằn trên thân? Sọc vằn trên thân ngựa vằn giúp “làm lóa mắt” côn trùng bay, cung cấp phương án bảo vệ trước lũ ruồi trâu tai hại, theo một nghiên cứu năm 2016.
Sọc vằn trên thân ngựa vằn giúp làm lóa mắt côn trùng bay, cung cấp phương án bảo vệ trước lũ ruồi trâu tai hại. (Ảnh: Internet)
Tuy nhiên, trường hợp của gấu trúc thì không đơn giản, và khá đặc thù; tuy rằng các sọc và đốm trái nghịch màu là tương đối phổ biến trong giới động vật, nhưng ‘một bộ trang phục gồm vớ đen, áo đen, đốm mắt và tai đen thì lại khá hiếm’.
Gấu trúc sở hữu “một bộ trang phục khá hiếm và đặc thù, bao gồm vớ đen, áo đen, đốm mắt và tai đen”. (Ảnh: Internet)
Vì vậy các nhà nghiên cứu từ ĐH California-Davis và ĐH bang California-Long Beach đã hợp sức để phân tách các vùng khác nhau trên bộ lông gấu trúc rồi đối chiếu từng vùng độc lập với một loài động vật tương tự.
“Điểm đột phá trong nghiên cứu này là phân tích mỗi vùng trên cơ thể như một khu vực độc lập”, GS Tim Caro từ ĐH California-Davis cho biết.
Nhóm nghiên cứu đối chiếu các vùng trắng đen đặc thù trên mình gấu trúc với màu sắc của 39 loài gấu, 195 loài ăn thịt, trọng tâm đặt vào môi trường sống cụ thể của từng loài. Họ đã sử dụng hàng ngàn bức ảnh, nghiên cứu ít nhất 20 màu sắc tiềm năng trên hơn 10 vùng cơ thể.
“Đôi lúc phải mất đến hàng trăm tiếng đồng hồ làm việc vất vả để trả lời những câu hỏi đơn giản nhất như: Tại sao bộ lông gấu trúc có màu trắng đen?”, thành viên nhóm nghiên cứu, TS Ted Stankowich chia sẻ.
Khác với những người anh em họ chuyên ăn thịt của mình, gấu trúc phụ thuộc vào một chế độ ăn chay gồm thành phần chính là tre trúc, vốn có rất nhiều trong môi trường sống của chúng, nhưng lại không phải một thực đơn dễ tiêu hóa và hấp thụ. Gấu trúc bù đắp điều này bằng cách hạn chế cử động, tuy nhiên bất chấp thân hình mập mạp tròn trịa của chúng có thể nói lên điều gì, chúng vẫn không tích trữ đủ mỡ để sống sót qua mùa đông khắc nghiệt. Vì vậy gấu trúc phải hoạt động quanh năm, chống chọi với trời tuyết lạnh giá để tìm kiếm đủ thức ăn đáp ứng cho nhu cầu năng lượng của mình.
Phần bụng và đầu màu trắng giúp chúng hòa vào nền tuyết, để tránh bị quấy rầy bởi hai kẻ săn mồi là báo tuyết và chó rừng. “Tất và vớ đen” giúp chúng náu mình trong bóng râm của rừng tre nhiệt đới khi thời tiết nóng ấm trở lại.
Đôi mắt ‘rất có hồn’ của gấu trúc giúp chúng giao tiếp với nhau, hay có lẽ là một cách ra tín hiệu cảnh báo đến những con gấu trúc cạnh tranh khác. Đôi tai có thể phục vụ mục đích tương tự – tạo vẻ ngoài dữ tợn, một lời cảnh báo sắc bén tới những kẻ săn mồi đang nhăm nhe.
Cặp mắt gấu trúc ‘rất có hồn’ nhờ sở hữu vùng lông đen quanh vành mắt. (Ảnh: Internet)
Tất nhiên, đây chỉ là một giả thuyết, mở đường cho các cuộc thảo luận bổ sung. Rốt cục, trong tự nhiên gấu trúc có một bộ lông thật đặc thù.
Nghiên cứu được đăng trên tạp chí Behavioral Ecology.
Quý Khải
Xem thêm: