Đại Kỷ Nguyên

Tại sao giới trẻ thường bất chấp rủi ro chỉ vì một phần thưởng nhỏ

Một trò mạo hiểm cảm giác mạnh (Ảnh: Internet)

Chỉ cần một triển vọng phần thưởng nhỏ và giới trẻ sẽ bỏ ngoài tai tất cả các nguyên tắc cẩn trọng. Lý do là vì: não bộ của họ không hoạt động tương tự như người lớn, theo một nghiên cứu mới trên chuột.

Một loạt các nghiên cứu về não người trưởng thành đã cho thấy sự giải phóng chất hưng phấn dopamine, một chất truyền dẫn thần kinh giúp kiểm soát trung tâm phần thưởng và khoái cảm trong não bộ, và đây có thể là lý do tại sao một số người sẵn sàng chấp nhận rủi ro.

“Não bộ của trẻ vị thành niên không hoạt động theo cách chúng ta vẫn nghĩ,” Bita Moghaddam, giáo sư khoa học thần kinh tại Đại học Pittsburgh nói. “Chúng tôi có một tập hợp các giả thuyết hiện đang tiếp tục bị chứng minh là sai, rằng giới trẻ tìm kiếm sự thoải mái khi dopamine hoạt động tích cực hơn. Nghiên cứu mới này cho thấy không nhất định là như vậy”.

Sự kỳ vọng là chưa đủ

Những phát hiện mới được công bố trên tạp chí Biological Psychiatry (Tâm thần Sinh học) cho thấy khi trẻ vị thành niên đối mặt với viễn cảnh có một phần thưởng, tế bào thần kinh dopamine của họ thực ra lại hoạt động ít hơn so với ở người lớn.

Điều này nghe có vẻ ngược đời, nhưng Moghaddam lại cho rằng nó hoàn toàn hợp lý. Những con chuột trưởng đạt được sự kích thích dopamine nhẹ khi chỉ cần nghĩ về phần thưởng, nhưng những con chuột thiếu niên lại không đạt được mức độ thỏa mãn tương tự đối với dopamine.

Ở người, điều này được phản ánh trong việc thanh thiếu niên cần làm điều gì đó, ngay cả nguy hiểm, để đạt được sự kích thích dopamine. Đối với giới trẻ, sự kỳ vọng là chưa đủ.

“Nghiên cứu này cũng cho thấy không có sự tiền kích hoạt [của các tế bào thần kinh dopamine] ở thanh thiếu niên – hiện tượng tạm ngừng trong một hoặc hai phần nghìn giây trước khi thực hiện điều gì đó,” Moghaddam nói. “Vậy nên thực ra họ sẽ bắt đầu hành động và tìm kiếm phần thưởng mà không có khoảng trì hoãn như ở não bộ người trưởng thành”.

Đặc tính sinh tồn

Nghiên cứu mới cũng đã góp phần làm rõ nguyên nhân tại sao trẻ vị thành niên dường như có thiên hướng lặp đi lặp lại một việc ngay cả khi kết quả mỗi lần đều không tốt.

“Khi người lớn biết sẽ chẳng mang lại kết quả gì, các tế bào dopamine của họ sẽ ngừng phản ứng. Nhưng các tế bào dopamine của trẻ vị thành niên vẫn đọng lại những ký ức về phần thưởng trong quá khứ,” Moghaddam nói.

“Ở độ tuổi ấy, cái suy nghĩ ‘Việc này có kết quả tốt, và có thể sẽ có kết quả tương tự trong lần kế tiếp’, là một điều rất quan trọng”, bà nói. “Khoảng thời gian mang ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với con người [cổ đại], một thời điểm quan trọng để tích trữ lương thực, tìm kiếm một người bạn đời, và trở nên chủ động. ‘Có lẽ tôi có thể quay lại tìm thức ăn, ở nơi tôi đã từng tìm thấy một lần, dù cho không có gì ở đó vào lần trước’.

“Ký ức đó nằm ở đó và thôi thúc một cá nhân tìm kiếm phần thưởng mà họ đã từng tìm thấy trước đây”. Nhưng đặc tính não bộ này của thanh thiếu niên cũng có thể làm họ dễ vướng vào ma túy và các trò mạo hiểm không có lợi.

Viện Sức khỏe Tâm thần Hoa Kỳ đã tài trợ cho nghiên cứu này.

Tác giả: University of Pittsburgh
Đọc bản gốc ở đây.
Thanh Long biên dịch

Exit mobile version