Khác với hoàng hôn trên Trái đất thường có màu đỏ ối, hoàng hôn trên sao Hỏa có màu xanh da trời, tại sao lại có sự khác biệt này?
Trái đất và sao Hỏa giống như hai thế giới tương phản. Nhìn từ không gian, sao Hỏa là một hành tinh đỏ trong khi Trái đất là một chấm nhỏ màu xanh nhạt. Sao Hỏa là một sa mạc lạnh lẽo, hoang vu trong khi Trái đất đầy nước và sự sống…và có một sự khác biệt độc đáo nhất – Bầu trời trên sao Hỏa có màu đỏ, trong khi hoàng hôn của nó có màu xanh dương.
Theo Iflscience, lý do đằng sau điều này cũng tương tự như lý do tại sao bầu trời của chúng ta có màu xanh trong khi lúc hoàng hôn, nó lại nhuộm đỏ. Ánh sáng từ mặt trời tán xạ dựa trên những gì có trong khí quyển. Ánh sáng mặt trời bao gồm ánh sáng của nhiều bước sóng khác nhau, và các phân tử và hạt bụi chỉ tương tác với một số các sóng cụ thể. Sự tán xạ ánh sáng của những hạt này là yếu tố chính tạo ra màu sắc mà chúng ta thấy.
Bầu khí quyển của trái đất có chứa nhiều hạt nhỏ như bụi, tro, phấn hoa, các chất khí và hơi nước, những thành phần trong khí quyển này sẽ phản xạ và tán xạ ánh sáng mặt trời theo các hướng khác nhau trước khi đến mắt con người.
Ánh sáng mặt trời là hỗn hợp của nhiều ánh sáng đơn sắc. Khi chiếu vào bầu khí quyển của Trái đất chúng bị phân tán theo mọi hướng do va chạm với các khí và hạt trong không khí nêu trên. Ánh sáng tím và xanh da trời có bước sóng ngắn nên bị tán xạ nhiều nhất vì vậy ban ngày chúng ta thấy bầu trời có màu xanh.
Đến hoàng hôn – thời điểm mặt trời nằm ở phần thấp trên đường chân trời, quãng đường các tia sáng mặt trời phải chiếu xuyên qua bầu khí quyển dài hơn 30% so với ban ngày. Những ánh sáng có bước sóng ngắn như tím và xanh da trời bị tán xạ hết trên đường đi, chỉ còn những ánh sáng có bước sóng dài hơn như vàng, da cam, đỏ ít bị tán xạ được truyền đến mắt người quan sát (màu đỏ là màu có bước sóng dài nhất trong quang phổ nhìn thấy được). Vì vậy, khi mặt trời mọc và lặn, bầu trời xuất hiện màu đỏ và màu da cam.
Khác với Trái Đất, bầu khí quyển của sao Hỏa rất loãng – áp suất của nó chỉ tương đương với khoảng 1% áp suất khí quyển trên Trái Đất. Nó được hình thành bởi khí carbon dioxide và rất nhiều bụi. Bụi mịn này có xu hướng khuếch tán ánh sáng đỏ nên ban ngày nếu đứng trên sao Hỏa, chúng ta sẽ thấy bầu trời có màu đỏ. Nhưng khi hoàng hôn, quãng đường ánh sáng truyền đi dài hơn khiến ánh sáng đỏ khi va chạm với bụi mịn bị khuyết tán hết, chỉ có màu xanh da trời và tím là đến được mắt người, cho nên hoàng hôn trên hành tinh đỏ mới có màu sắc độc đáo như vậy.
Một điều thú vị nữa là ngoài Trái Đất và Sao Hỏa, chúng ta không thể thấy hoàng hôn ở bất cứ nơi nào khác trong Hệ Mặt trời.
Sao Thủy không có bầu khí quyển nên chúng ta sẽ thấy Mặt Trời biến mất trong lúc nhiệt độ giảm từ 427 ° C xuống -173 ° C khi dịch chuyển từ ngày sang đêm. Với sao Kim, tình hình còn tồi tệ hơn nữa. Lớp mây dày và bầu không khí đặc biệt dày đặc sẽ ngăn các tia nắng mặt trời chạm tới mắt chúng ta chưa kể không một bộ đồ nào có thể chịu được nền nhiệt độ cực cao và mưa axit đậm đặc, nếu có ai đó thực sự ở đó, họ sẽ không trụ nổi sau vài phút.
Hoài Anh