Đại Kỷ Nguyên

Tại sao loài mèo hay kêu gừ gừ? Chúng muốn dọa ai hay chỉ là hành động đơn thuần?

Những con mèo có thể ở gần và quấn quýt bên cạnh chúng ta suốt ngày nhưng có nhiều điều tưởng chừng rất đơn giản từ chúng mà con người thật sự không thể giải thích được. 

Mèo là động vật nuôi phổ biến nhất hiện nay trong mỗi gia đình, chúng rất thông minh, nhanh nhẹn và luôn biết thể hiện thái độ riêng biệt. Mỗi khi bạn vuốt ve hoặc ôm ấp những chú mèo, chúng thường hay kêu rừ rừ, gừ gừ hay grừ grừ như tiếng động cơ khi lên dốc hoặc tiếng ngáy ngủ.

(Ảnh: 123inspiration.com)

Đây là một trong những tiếng kêu phổ biến nhất của loài mèo, chỉ sau tiếng kêu meo meo mà mèo thường hay kêu. Cũng giống như con người, loài mèo cũng có những biểu hiện riêng biệt trên cơ thể và tiếng kêu gừ gừ là một trong số đó.

Vậy tiếng kêu này của loài mèo là gì? Chúng muốn thể hiện điều gì?

Hiện nay vẫn tồn tại hai luồng ý kiến trái chiều nhau về vấn đề này, một số thì cho rằng những chú mèo hay kêu gừ gừ vì chúng cảm thấy thoải mái khi được vuốt ve, ôm ấp, là một cách biểu hiện  niềm vui và niềm hạnh phúc của mèo. Nhưng một số khác không nghĩ vậy, họ cho rằng tiếng gừ gừ là khi những chú mèo thấy khó chịu nhất như đi phòng khám thú y hoặc sơ cứu chấn thương…

Các nhà khoa học khi nghiên cứu phát hiện ra cơ chế mèo phát ra tiếng kêu bằng cách sử dụng cơ thanh quản và cơ hoành. Tần số của âm thanh khi mèo kêu gừ gừ nằm trong khoảng 25-150 Hz, theo các nhà khoa học thì các tần số âm thanh trong dải này có thể cải thiện mật độ xương và thúc đẩy quá trình lành bệnh.

(Ảnh: dogshowpictures.net)

Tại sao chúng lại làm như vậy? Đó là một hình thức giao tiếp, nó có ý nghĩa đối với những loài vật thích được ở gần như mèo vì tiếng kêu gừ có tần số và âm lượng quá thấp để có thể truyền đi xa. Tiếng gừ gừ cũng giống như các hoạt động gần gũi ở con người như chăm sóc, chải chuốt, thư giãn, hoặc tỏ ra thân thiện. Loài mèo thường biểu hiện như khi mới 2 ngày tuổi và theo như giải thích của các chuyên gia điều này muốn nói với mèo mẹ rằng: “Con ổn mà mẹ!”.

Cũng theo giải thích của các nhà khoa học, tiếng kêu gừ gừ là một cơ chế kích thích cơ xương hao tốn ít năng lượng. Sự kích thích này giúp tăng tuổi thọ cho loài mèo, vì thế chúng ta thường thấy rằng mèo thường ít gặp những triệu chứng bất thường về xương khớp và cơ hơn loài chó vì những kích thích này góp phần làm giảm nguy cơ về loãng xương ở mèo, dù chúng suốt ngày leo trèo hoặc chạy nhảy nhiều đến mức nào.

Đặc biệt hơn, những âm thanh này cũng có tác động tích cực đôi chút đến con người chúng ta, đặc biệt là não bộ. Những âm thanh có tần số từ 20 – 140 Hz là một phương pháp trị liệu hiệu quả đối với các triệu chứng căng thẳng mệt mỏi, khó thở, cân bằng huyết áp; còn tần số 40 – 50 Hz giúp cải thiện xương khớp và thúc đẩy các khối cơ phát triển. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh những người nuôi mèo giảm được 40% các triệu chứng liên quan đến suy tim hay đột quỵ.

(Ảnh: Google Plus)

Như vậy, có thể kết luận rằng mèo hay kêu gừ gừ giống như một cách biểu hiện cảm xúc ở con người như nói, cười, tức giận,… Chính vì vậy đây không phải là biểu hiện cho sự thoải mái hay không ưng ý như mọi người thường hay phán xét mà nó thực là cách thức biểu đạt cảm xúc giống như con người vẫn làm thường ngày.

Sơn Tùng

Exit mobile version