Dao đã được mài thường có độ sắc bén rất cao, có thể cắt được rất nhiều thứ nhưng ốc sên lại có thể bò qua một cách dễ dàng mà chẳng hề bị thương. Bí mật của chúng nằm ở đâu?
Lưỡi dao khi được mài sắc có thể cứa rách da thịt chúng ta bất cứ lúc nào, dù đó chỉ là một tác động nhỏ. Chắc hẳn ai cũng từng chứng kiến những màn đi trên lửa ngoài đời thực nhưng nếu đi trên lưỡi dao sắc thì làm sao? Cái này chỉ có thể bắt gặp qua những màn trình diễn ảo thuật mạo hiểm thôi chứ đâu có trong đời thực.
Tuy nhiên, loài người lại chịu thua một loài động vật trong khoản này – đó chính là ốc sên. Chúng có thể làm điều này mà chẳng hề hấn gì hết. Vậy điều gì mà mang đến khả năng độc nhất vô nhị này cho ốc sên?
Trước hết nói qua một chút theo góc độ vật lý
Nguyên nhân đầu tiên là do kích thước, ốc sên quá nhỏ bé khi so sánh với con người. Ví dụ như một lực khoảng 5N khiến lưỡi dao sắc cứa đứt tay chúng ta và thân của ốc sên. Nhưng trọng lượng của ốc sên thì không thể tạo ra một lực cỡ đó, vậy nên chúng có thể bò qua một cách dễ dàng.
Nguyên nhân thứ hai là do diện tích bề mặt tiếp xúc. Chúng ta đề biết rằng áp lực phụ thuộc nhiều vào diện tích bề mặt tác dụng lực. Để cho dễ hiểu hơn có thể tưởng tượng như sau:
Bạn đứng bên cạnh một người khổng lồ to hơn mình gấp 1000 lần, con dao mà họ dùng đối với bạn là một bức tường khổng lồ. Lưỡi dao với họ là rất sắc nhưng với chúng ta lại không có vấn đề, tất cả chỉ là do tương quan kích thước.
Do vậy lực tác động nhỏ mà diện tích bề mặt tiếp xúc lại lớn nên lực cứa của dao lên ốc sên không đủ làm chúng bị thương.
Bây giờ là đến yếu tố sinh học
Lực tác động chỉ là một phần, điểm mấu chốt giúp ốc sên bình an vô sự là chất nhầy trên cơ thể.
Phần dưới cơ thể ốc sên có các tuyến tiết ra nhiều loại chất nhờn có tính chất khác nhau tùy thuộc vào mục đích của chúng. Thành phần của tuyến nhờn này gồm 91% – 98% là nước, còn lại là đường và protein. Liên kết trong khối chất có thể bẻ gãy và tái tạo liên tục giúp cho chất nhờn vừa ổn định lại vừa linh hoạt.
Ngoài ra, lớp nhầy bao quanh cơ thể ốc khá đặc giữ không cho ốc sên bị mất nước qua da, loại nhớt phí dưới thân lỏng nhưng dính hơn giúp việc leo trèo dễ dàng và giảm ma sát với mặt đất,..
Đây chính là yếu tố quan trọng nhất giúp cơ thể ốc sên ngăn cách tuyệt đối với lưỡi dao khi chúng bò qua hoặc di chuyển qua những vật thể có đầu nhọn như cành cây gãy,…
Có người sẽ thắc mắc rằng phải chăng ốc sên có cảm giác đau nhưng vẫn “cắn răng” chịu đựng?
Tất nhiên là không rồi. Những động vật bậc thấp như ốc sên không có cảm giác đau như chúng ta nhưng vẫn có sự cảm ứng thần kinh ở mức độ nhất định. Chẳng hạn như khi ta vô tình chạm tay hay khi bôi ít muối lên ốc sên , chúng sẽ ngay lập tức rụt lại vì nghĩ rằng đây là một mối đe dọa.
Vậy nên, nếu ốc sên biết đau, chúng đã chui tọt vào trong vỏ hay chuyển hướng khác để đi, chứ đâu bò qua lưỡi dao dễ như ăn kẹo như thế.
Sơn Tùng