Đại Kỷ Nguyên

Tại sao sét đánh không theo đường thẳng mà phân thành các nhánh?

Trong những cơn dông mùa hè, bạn có thể thấy từ những đám mây đen kịt đằng chân trời, những tia sét vạch thành đường ngoằn ngoèo chẽ nhành nom tựa rễ cây ngược phóng xuống đất. 

Sấm sét là hiện tượng quá đỗi quen thuộc với chúng ta nhưng nếu để ý một chút, bạn có thể thấy sét thường đánh thành các đường nhánh chứ không phải đường thẳng. Đây có phải ngẫu nhiên mà những tia sét có hình dạng như vậy không?

Theo trang Science ABC; trong mỗi cơn dông, những đám mây đen thường mang diện tích âm và mặt đất do cảm ứng nên thường mang điện tích dương. Điện tích dương ở mặt đất thường có mật độ lớn ở các vị trí như ngọn cây hay đỉnh tháp, do 2 điện tích cùng dấu đẩy nhau nên khi mật độ điện tích ở những nơi này càng lớn, một phần điện tích sẽ bị đẩy vào trong lớp không khí hỗn loạn trong khí quyển và “nằm bất động” ở tần thấp dưới những đám mây. 

Khi những đám mây phóng điện xuống đất, những tia sét đầu tiên sẽ đi qua không gian chứa những điện tích dương hỗn loạn phía dưới và thường tìm đến điện tích dương liền bên theo quy luật trái dấu hút nhau khiến tia sét phân nhánh rất nhiều trước khi đến được mặt đất. Nếu trong không gian đó có 2 hay nhiều hơn điện tích dương, tia sét sẽ phải đi theo nhiều đường nhánh mà không không phải là theo 1 đường thẳng tắp xuống đất. 

Sự hỗn loạn điện tích là nguyên nhân khiến sét không thể đi thẳng. (Ảnh: The Independent)

Trong đường đi của tia sét, nhánh chính là nhánh có đường đi dễ dàng nhất và ít khi gặp cản. Điều này cũng giống như việc chọn đường đi của con người hay sinh vật trong thực tế, đều chọn con đường dễ dàng mà đi. 

Thông thường các tia sét đánh xuống mặt đất thường có cường độ ánh sáng không quá mạnh, thứ ánh sáng mà chúng ta nhìn thấy sau mỗi tiếng nổ lại chính là tia sét phát ngược từ mặt đất lên bầu trời.

Các điện tích dương ở mặt đất thường tập trung ở những vị trí cao và có đỉnh nhọn; khi đầu tia sét tiếp xúc với phần điện tích dương này, chúng sẽ bị điện tích âm của tia sét hút lên và di chuyển ngược lại con đường mà điện tích âm mở ra trước đó.

Không chỉ có sét đánh xuống mà còn có sét đánh ngược lên trên. (Ảnh: MysTown.com)

Khí đó, điện tích dương sẽ trung hòa với điện tích âm từ trên xuống tạo thành dòng ánh sáng khủng khiếp. Đây là chớp mà chúng ta thường thấy. 

Tia sét ngược này cũng tạo ra một rễ cây sáng rực trên bầu trời do đi lại con đường cũ của điện tích âm. Sét ngược thường hình thành ở đỉnh những tòa tháp cao sau đó bùng phát đi qua các đám mây và có thể đạt độ cao 90km.

(Ảnh: article.tebyan.net)

Từ những năm 30 của thế kỷ trước, loại sét ngược này đã được nghiên cứu nhưng nó chỉ được nghiên cứu kỹ lưỡng hơn gần đây do việc xuất hiện ngày càng nhiều những tuôc – bin điện gió khổng lồ khiến hiện tượng sét ngược xuất hiện thường xuyên hơn.

Sơn Tùng

Exit mobile version