Đại Kỷ Nguyên

‘Tam giác quỷ Bermuda’ ở Ngũ Đại Hồ: Máy bay, tàu bè mất tích, vật thể lạ xuất hiện trên màn hình radar

“Tam giác quỷ Michigan”: “Tam giác quỷ Bermuda” mới trong khu vực Ngũ Đại Hồ?

Ành: ĐKN

Tại vùng hồ Michigan ở Mỹ, có một khu vực được so sánh với “tam giác quỷ Bermuda”, nơi ghi nhận vô số vụ mất tích bí ẩn của máy bay, tàu bè.

Trên trái Đất ngoài Tam giác quỷ Bermuda nổi tiếng ở Đại Tây Dương, Tam giác Rồng ở Nhật Bản, thì Tam giác Michigan cũng là 1 trong số những vùng “gây nhiễu” nguy hiểm đối với các phương tiện tàu bè và máy bay, với những vụ “nuốt chửng” và “mất tích” mà chưa có bất kỳ nạn nhân nào may mắn trở về.

Vùng Hồ Lớn nguy hiểm nhất thế giới

Tọa lạc tại vùng giáp ranh giữa Canada và Mỹ, có một quần thể gồm 5 hồ nước ngọt lớn gọi là Ngũ Đại Hồ (Great Lakes). Nằm trọn vẹn trong nội bộ Bắc Mỹ, đây là hệ thống hồ nước ngọt lớn nhất trên toàn cầu. Trong số những hồ này, lớn nhất phải kể đến ở Mỹ, và xếp thứ năm trên thế giới là hồ Michigan (ảnh dưới), với diện tích lên đến 57.750 km2.

Ngũ Đại Hồ. Ảnh: Wikipedia

Chính vì diện tích rộng lớn, nên đôi lúc người ta gọi nó là một biển nội địa. Đứng từ bờ hồ nhìn ra, đây chẳng khác gì một vùng biển rộng xa ngút tầm mắt, không thể nhìn thấy bờ bên kia.

Hồ Michigan rộng lớn, xa ngút tầm mắt. Ảnh: Midwest Living

Nhưng hồ Michigan không chỉ là một hồ nước rộng lớn với những cảnh đẹp tuyệt mỹ hút lòng du khách. Đây cũng là một nơi chứa đầy rẫy những bí ẩn, hấp dẫn những học giả và giới chức trách trong một thời gian dài. Bởi lẽ, trong vùng hồ rộng lớn này đã xảy ra rất nhiều vụ mất tích kỳ lạ của người và tàu bè, thậm chí máy bay.

Đặc biệt, các sự vụ xảy ra trên hồ này thường tập trung trong một khu vực hình tam giác, được mệnh danh là “Tam giác Michigan”, một cách gọi ví von với vùng “Tam giác Bermuda” bí ẩn ở rìa bên kia châu lục, nơi ghi nhận hàng loạt vụ mất tích tàu bè và máy bay không lời giải. Lịch sử các vụ mất tích bắt đầu được báo cáo từ thế kỷ 15.

Bản đồ tam giác Michigan, nơi lưu dấu nhiều vụ mất tích máy bay, tàu bè. Ảnh: topyaps.com

Không chỉ tàu bè, trong những năm gần đây có khoảng ít nhất 40 chiếc máy bay đã hoàn toàn “mất tăm mất tích” trong vùng này.

Vô số máy bay và tàu bè đã mất tăm tích trong vùng hồ tam giác Michigan này. Ảnh: youtube.com

Những vụ mất tích bí ẩn nhất tại Tam giác Michigan

Một trong những vụ mất tích đáng chú ý được ghi nhận tại khu vực này là của thuyền trưởng George R. Donner vào năm 1937. Khi đó, ông điều khiển con tàu của mình đi qua hồ Michigan, mang theo 9.800 tấn than hướng về Washington. Đêm 28/4, George căn dặn thủy thủ đánh thức mình khi tàu gần tới nơi. Thế nhưng, chỉ 3 giờ sau đó, ông mất tích. Thủy thủ đoàn tìm khắp nơi đều không có dấu vết của thuyền trưởng. Tất cả những gì còn lại là một cabin không người bị khóa trái từ bên trong.

Một con tàu đắm tại tam giác Michigan. Ảnh: lansingstatejournal.com

Nhưng có lẽ một trong số những sự vụ bí ẩn nhất phải kể đến là của một con thuyền buồm, đã biến mất không dấu tích trong một cơn bão trên hồ Michigan vào ngày 21 tháng 5 năm 1891, khi dong buồm từ Chicago đến Muskegon, Michigan, để lấy gỗ. Bảy thủy thủ, bao gồm thuyền trưởng George C. Albrecht, đã bị mất tích cùng con tàu. Một chiến dịch tìm kiếm lớn đã được triển khai, nhưng không thể tìm thấy một mảnh gỗ nào còn sót lại.

Hành trình dự kiến của con tàu thất lạc. Ảnh: Google

Những thủy thủ già dày dặn kinh nghiệm cho rằng chiếc thuyền buồm, vốn là loại tàu gỗ, không thể nào chìm mà không để lại một vài mảnh gỗ vụn trôi nổi trong khu vực. Thậm chí ngày nay, vụ mất tích ly kỳ này vẫn chưa được giải đáp.

Như đã nói ở trên, bên cạnh tàu bè, khu vực này cũng đã chứng kiến khoảng 40 vụ máy bay “bốc hơi” khi bay ngang qua đây. Nổi tiếng nhất có lẽ là vụ mất tích bí ẩn của chiếc máy bay 2501 của hãng hàng không Northwest Airlines, khởi hành từ New York và đến Minneapolis vào tháng 6 năm 1950. Máy bay 2501 đã bay ngang qua vùng hồ Michigan, bị rơi một cách bí ẩn, tước đi tính mạng của tất cả thủy thủ đoàn và hành khách. Một vài mảnh di thể đã được tìm thấy trôi nổi trên mặt hồ, tuy nhiên đội cứu tuyệt không thể tìm thấy dù chỉ một mảnh vụn máy bay, dù đã huy động nhiều nhóm chuyên gia tìm kiếm kỹ lưỡng sử dụng các thiết bị tiên tiến như máy dò sonar.

Mặc dù kết quả điều tra cho thấy chiếc máy bay này đã tiến nhập vài vùng nhiễu loạn không khí, nhưng các nhà chức trách điều tra vụ việc này vẫn tỏ ra rất ngạc nhiên bởi máy bay 2501 là loại máy bay “DC-4”, được gắn turboprop gồm bốn động cơ công suất lớn, có khả năng chống chọi với sự nhiễu loạn thời tiết lớn cùng các hoàn cảnh bất lợi, đặc biệt có thể mất hai động cơ mà vẫn có thể bay trên không trung như thường.

Ảnh: clickondetroit.com

Điều gì đã gây nên thảm kịch rơi máy bay 2501 kỳ lạ này và nó đã an nghỉ ở đâu? Đây là những câu hỏi cho đến nay vẫn chưa có lời giải

Nhưng sự huyền hoặc xoay quanh Michigan không chỉ dừng lại ở đó. Khu vực này không chỉ ghi nhận nhiều vụ máy bay mất tích, mà còn báo cáo nhiều vụ “máy bay không rõ danh tính” xuất hiện trên bầu trời.

Những “máy bay ma” xuất hiện trên màn hình radar

Tại vị trí gần cực nam hồ Michigan là nơi tọa lạc của thành phố Chicago trù phú, sầm uất. Tại đây có sân bay quốc tế Chicago O’Hare, được xếp vào sân bay bận rộn thứ hai trên thế giới. Hệ thống radar của sân bay này quản lý và theo dõi lưu lượng bay trong khu vực lân cận, bao gồm vùng hồ Michigan và tất nhiên bao hàm cả vùng tam giác Michigan bí hiểm. Tại đây người ta đã ghi nhận rất nhiều “máy bay ma” bí ẩn hiển thị trên màn hình radar, gây bối rối cho bộ phận kiểm soát không lưu.

“Máy bay ma” xuất hiện bí ẩn trên màn hình radar. Ảnh: abc.net.au

Báo cáo cho hay những máy bay này (dấu tích bíp bíp trên màn hình radar) xuất hiện và biến mất một cách bí ẩn, “thoắt ẩn thoắt hiện” từ hư không mà không thể đưa ra bất kỳ cách giải thích hợp lý nào. Lỗi trục trặc máy móc không phải là nguyên nhân, bởi các radar đã được kiểm tra và đang hoạt động ổn định. Và số lượng các trường hợp như vậy cũng không hề ít.

Rất nhiều “máy bay ma” đã xuất hiện trong khu vực. Ảnh: infinityexplorers.com

Đơn cử là một đoạn thời gian vào hồi tháng 5 năm 2000. Theo thông tin trên tờ Chicago Sun-Times cũng như từ các nhà chức trách thuộc các cơ quan điều khiển không lưu khi đó, rất nhiều tín hiệu radar giả đã xuất hiện trên màn hình của người kiểm soát không lưu của sân bay, khiến các phi công phải đổi hướng đột ngột để tránh các “máy bay ma” trên màn hình. Cục Hàng không Liên bang FAA đã cố gắn hạ thấp số lượng “máy bay ma” được phát hiện xuống khoảng hơn một chục, nhưng theo thông tin từ Mike Egan, phó chủ tịch hiệp hội điều khiển không lưu tại Elgin, một thành phố gần sân bay O’Hare, số lượng các “máy bay ma” dạng này phải lên đến hơn trăm cái, với tần suất vài cái một ngày. Thông tin này càng làm gia tăng thêm tính huyền ảo gắn liền với khu vực tam giác hồ Michigan.

Vậy rốt cục điều gì đã gây nên các vụ mất tích bí ẩn của tàu bè, máy bay cũng như sự xuất hiện đột ngột của các “máy bay ma” trong khu vực này? Nhiều giả thuyết được đưa ra, trong đó hợp lý nhất có lẽ là giả thuyết về sự tồn tại của Lỗ sâu (wormhole) – đường hầm xuyên thời không trong khu vực.

Lỗ sâu – Đường hầm xuyên thời không

Lỗ sâu, hố sâu hay Cầu Einstein-Rosen (Einstein-Rosen bridge), một không-thời gian được giả định là có cấu trúc tô pô đặc biệt tạo nên đường đi tắt trong không thời gian, theo Wikipedia. Lấy theo tên hai nhà bác học Albert Einstein và người cộng sự Nathan Rosen, các lỗ sâu là các cái cổng nối thông từ một vùng không-thời gian này đến vùng kia và đôi khi, vật chất đi từ vùng này sang vùng kia bằng cách chui qua hố này. Nói một cách đơn giản, chúng là các “cánh cửa tức thì” dẫn từ một địa điểm này đến môt địa điểm khác, tại một mốc thời gian khác.

Mô phỏng cấu trúc hố sâu, nơi các máy bay có thể đã lọt vào. Ảnh: The Epoch Times

Nếu bạn từng xem qua bộ truyện tranh Doraemon, thì một ví dụ so sánh tương khớp là bảo bối “Cánh cửa thần kỳ”.

Ảnh: media.tenor.com

Lý thuyết cho sự tồn tại của “các lỗ sâu” trong vũ trụ là hợp lý trên mặt giả thuyết, có các nền tảng toán học làm cơ sở, nhưng không chỉ thuần túy tồn tại trên lý thuyết hay các phương trình. Tại vùng tam giác quỷ Bermuda, nơi cũng ghi nhận nhiều tàu bè và máy bay biến mất một cách bí ẩn, trong khi nhiều nạn nhân chỉ đơn giản là thất lạc vĩnh viễn, thì cũng có các trường hợp hiếm hoi như của phi công người Mỹ Bruce Gernon, một trong số ít những người đã may mắn sống sót để kể lại trải nghiệm của mình.

Năm 1970, trong khi ông Gernon, cha ông và một đối tác làm ăn đang bay từ Bahamas đến đến Florida, ông đã báo cáo nhìn thấy một đám mây kỳ lạ ngay đằng trước máy bay. Sau đó, khi máy bay áp sát, ông Gernon tuyên bố rằng đám mây này đã hình thành một cái hố hình bánh donut, hay một cơn gió xoáy.

Ảnh: ĐKN

“Đường hầm [gió xoáy] khá lớn lúc ban đầu, nhưng sau đó bắt đầu trở nên nhỏ hơn một cách nhanh chóng khi chúng tôi tiến vào, và một điều kinh khủng đã xảy ra. Các đường kẻ kỳ lạ đã hình thành và nó trông giống như nhìn vào bên trong một nòng súng trường (súng có nòng xẻ rãnh xoắn), bởi vì các đường kẻ này đang xoáy chầm chậm ngược chiều kim đồng hồ. Tôi đã bắt gặp một vài luồng điện cực mạnh, chúng giống như các tia chớp lóe lên rồi vụt tắt và tất cả những gì tôi có thể nhìn thấy là đám sương mù kỳ lạ màu vàng xám này, mà tôi gọi là “đám sương mù điện tích. Tôi để ý thấy các thiết bị của tôi đã ngừng hoạt động, và cùng lúc, tôi có một cái cảm giác thật khó tả” – Bruce Gernon.

Ông Gernon nói rằng cuối cùng ông đã bay ra khỏi đường hầm, và ông liên lạc với trạm kiểm soát không lưu Miami, nhưng họ không thể tìm thấy máy bay của ông trên màn hình radar. Sau một vài phút, đài kiểm soát không lưu đã liên lạc lại với ông Gernon để cho ông biết rằng họ đã xác nhận được vị trí của ông: trên bầu trời thành phố Miami. Gernon cảm thấy điều này thật khó tin bởi vì ông mới chỉ bay được 33 phút, và với vị trí hiện tại của ông trên bầu trời thành phố Miami, ông hẳn đã phải cần đến khoảng 1 tiếng rưỡi đồng hồ.

Phải chăng ông Gernon đã trải nghiệm việc tiến nhập vào một chiều thời gian, không gian khác khi tiến vào đường hầm gió xoáy? Cái đường hầm gió xoáy đó phải chăng chính là “lỗ sâu” thực tế theo phỏng đoán của các nhà khoa học?

Hố sâu. Ảnh:Popular Science

Dù vậy cho đến nay các nhà khoa học vẫn chưa thể khẳng định chắc chắn nguyên nhân đằng sau các vụ mất tích bí ẩn cũng như hiện tượng “máy bay ma” tại vùng tam giác Michigan này. “Lỗ sâu” dường như là một cách giải thích khá hợp lý, nhưng cần nhiều thêm các nghiên cứu để kiểm chứng giả thuyết này. Cho đến lúc đó, tam giác vùng hồ Michigan sẽ vẫn là một khu vực rình rập hiềm nguy trắc trở, khiến nhiều tàu bè máy bay phải dè chừng khi phải bén mảng qua đây.

Quý Khải

Exit mobile version