David Keith, giáo sư vật lý tại đại học Harvard đề xuất ý tưởng dùng hai máy bay phun khoảng 1 triệu tấn Lưu huỳnh điôxit (SO2) để tạo thành một tấm lá chắn hóa học bảo vệ bầu khí quyển Trái đất, từ đó ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng ấm lên toàn cầu.
Để giảm thiểu hiện tượng ấm lên toàn cầu, giáo sư Keith của trường Đại học Harvard đã đưa ra một phương pháp khá táo bạo: sử dụng hai máy bay cải tiến bay cách mặt đất khoảng 20km để phun lưu huỳnh điôxit (SO2) vào bầu khí quyển, nhằm tạo một tấm lá chắn có tác dụng đẩy lùi tia tử ngoại Mặt trời. Nếu có thể thực hiện mỗi năm một lần, biện pháp này ước tính sẽ có thể giảm thiểu 1% lượng tia bức xạ Mặt trời.
Theo GS Keith, ưu điểm của biện pháp này là tiết kiệm chi phí và dễ dàng thực hiện. Ngoài ra, ông cho rằng khi tiến hành dự án này đồng thời với việc cắt giảm lượng khí thải carbon (CO2), chúng ta sẽ có thể duy trì mức nhiệt Trái Đất ở một phạm vi thích hợp.
Biện pháp này là một ví dụ điển hình của ‘Công nghệ địa cầu’ (geoengineering), một khái niệm không hề mới. Thuật ngữ này đã được sử dụng lần đầu tiên vào những năm 1965, khi Ủy ban Cố vấn Khoa học của Tổng thống Mỹ Lyndon Johnson trình lên ông một bản báo cáo có tựa đề “Phục hồi chất lượng môi trường”. Kể từ đó, khá nhiều dự án công nghệ địa cầu đã được đề xuất nhằm cải thiện môi trường và khí hậu, ví như “Cây nhân tạo hút khí carbon từ không khí” hay “Bao phủ sông băng Greenland bằng các tấm chăn phản chiếu”.
Giải pháp cây nhân tạo hút khí carbon từ không khí. (Ảnh: wordpress.com)
Video Bao phủ sông băng Greenland bằng các tấm chăn phản chiếu:
Tuy nhiên dự án kiểm soát tia bức xạ mặt trời này chỉ mới được thí nghiệm mô phỏng trên máy tính, nên các rủi ro đi kèm vẫn chưa được kiểm chứng một cách đầy đủ. Những người phản đối cho rằng việc khuếch tán khí SO2 với nồng độ cao sẽ có thể gây ảnh hưởng xấu đến tầng Ô-zôn cũng như sức khỏe con người. Một khi chúng ta bắt đầu thải khí SO2 ra môi trường, thì rất có thể sẽ tạo nên hiệu ứng domino; và thậm chí có thể tác động hơn nữa đến môi trường. Vấn đề khó khăn nhất là không ai có thể dự đoán chính xác điều sẽ xảy đến. Al Gore không hề cảm thấy e ngại khi trao đổi với Ủy ban Khí hậu Liên Hợp Quốc rằng công nghệ địa cầu là một việc “điên rồ, mất lý trí và hoang tưởng đến mức cực đoan”.
Giáo sư vật lý và chính sách xã hội David Keith từ Đại học Harvard, tin rằng công nghệ địa cầu là một giải pháp thực tiễn. (Ảnh: Eliza Grinnell/Harvard SEAS)
Thật ra, chúng ta hiện vẫn chưa thể thật sự nhận thức được toàn bộ các ảnh hưởng của khí CO2 đối với bầu khí quyển. GS Keith chỉ ra rằng có thể sử dụng biện pháp táo bạo nhưng thực tiễn của ông để đối phó với những rủi ro này. Ông cho rằng việc cắt giảm khí thải CO2 có thể được tiến hành song song với việc phản chiếu tia bức xạ Mặt Trời bằng lớp lá chắn SO2. Tuy biện pháp này không thể hoàn toàn thay thế việc cắt giảm lượng khí thải carbon và những vấn đề khí hậu liên quan, như tình trạng gia tăng nồng độ axit trong nước biển, nhưng nó sẽ có thể góp phần kìm hãm một số ảnh hưởng tiêu cực khác của tình trạng ấm lên toàn cầu, như tình trạng gia tăng lượng mưa hay một số hiện tượng thời tiết khắc nghiệt.
GS Keith nói, “Mọi người nói rằng đây là một ý tưởng tồi tệ và sắp tới số rồi. Tuy nhiên nó có thể mang lại một số kết quả mà không thể đạt được nếu chỉ đơn thuần cắt giảm lượng khí thải carbon. Chúng ta có thể khôi phục lại khí hậu từ trước thời cách mạng công nghiệp trong khoảng hai thế hệ tới”.
GS Keith đã nẩy ra ý tưởng này lần đầu tiên khi nghe đến một vụ phun trào núi lửa vào năm 1991. Ngọn núi lửa Pinatubo của Philippines đã phun trào, phóng lên bầu khí quyển một lớp axit sulfuric (H₂SO₄), khiến nhiệt độ toàn cầu giảm khoảng 0,5 độ C trong hai năm kế tiếp.
Đỉnh hõm chảo núi lửa Pinatubo ở Philippines đang phun trào vào ngày 1/8/1991. (Ảnh: Wikimedia)
Một triệu tấn SO2 là lượng khí GS Keith dự kiến phun lên bầu khí quyển, tương đương 1/8 khối lượng khí SO2 phóng ra môi trường từ vụ phun trào núi lửa Pinatubo, và là một phần nhỏ so với với 50 triệu tấn khí thải từ quá trình đốt cháy nhiên liệu hóa thạch hàng năm trên toàn thế giới. Ông tin rằng việc đó sẽ khiến khí hậu Trái Đất trở lại trạng thái trước thời kì công nghiệp trong khoảng vài thập kỷ tới.
Thách thức và rủi ro?
Ông cho rằng vấn đề không nằm ở tính khả thi của dự án, vì để tiến hành, chúng ta chỉ cần một đội máy bay dân dụng đã cải tiến (2 đến 3 chiếc) và tiêu tốn khoảng 1 tỷ USD (mức kinh phí này không hề lớn, nếu phân bổ đều ra nhiều nước, do quy mô dự án mang tính chất toàn cầu), và sẽ có hiệu quả ngay tức thì. Thật ra, vấn đề chúng ta thật sự cần quan tâm là, sau khi cân nhắc các yếu tố lợi hại, thì liệu có nên thực hiện dự án này hay không.
Thách thức là không thể làm trong phạm vi nhỏ, vấn đề chính trị, xã hội, đạo đức phức tạp. kết quả từ ủy ban liên chính phủ cho thấy tốt, nhưng cộng đồng quan ngại nói quá lên:
Thách thức của dự án nằm ở chỗ lượng khí sẽ phân tán ‘tứ tung’ trong bầu khí quyển, nên về cơ bản không thể thử nghiệm trên một quy mô nhỏ. Đồng thời, để đưa dự án vào thực tiễn, cũng cần phải tháo gỡ rất nhiều rào cản mang tính xã hội, đạo đức, và chính trị. Tại Ủy ban Liên Chính phủ về Biến đổi Khí hậu, bước đầu thử nghiệm bằng mô hình khí hậu đã cho thấy dự án sẽ có hiệu quả tốt. Tuy nhiên GS Keith cũng thừa nhận, “Đã có quan ngại trong cộng đồng về khả năng thổi phồng sự khác biệt to lớn giữa số liệu trình ra trong thông cáo báo chí và các số liệu thực tế đằng sau”.
Một cuộc thử nghiệm có thể làm biến đổi bầu khí quyển Trái đất như vậy rất có thể sẽ đặt ra tiền lệ nguy hiểm. “Điều khiến mọi người quan ngại là những hậu quả về xã hội và chính trị khi triển khai dự án, vì nó có thể tạo ra tiền lệ cho những cuộc thử nghiệm khác với quy mô lớn hơn và lớn hơn nữa. Chúng ta cần khuyến khích những nghiên cứu có quy mô nhỏ, và cần đưa ra một số biện pháp quản lý ở một mức độ nhất định để giảm thiểu nguy cơ triển khai hàng loạt các dự án tương tự trên quy mô lớn [trong tương lai]”, Edward Parson, giáo sư trường Đại học California ở Los Angeles, Mỹ nhận xét khi trao đổi với trang Technology Review.
“Mối lo ngại lớn nhất là một quốc gia sẽ muốn làm như thế này, nhưng quốc gia kia kia lại muốn làm như thế khác, giống như hai anh em tranh nhau một cái điều khiển điều hòa”, GS Keith giải thích, trong chương trình truyền hình The Colbert Report vào năm 2013.
GS Keith hiện đang tập trung vào khía cạnh thực tiễn hơn: xây dựng mô hình thử nghiệm, nghĩ ra các thiết kế phân tử khác ít rủi ro hơn khí SO2. Ông nói bước đầu tiên để biến kế hoạch điều tiết tia bức xạ mặt trời này trở thành hiện thực là thiết lập một chương trình phối hợp nghiên ở Mỹ nhằm tạo tiền đề cho một cuộc thảo luận mang tính toàn cầu.
GS David Keith cho rằng chúng ta cần phải nhìn vào các lựa chọn được bày ra trước mắt, cân nhắc nặng nhẹ để đưa ra các quyết định đúng đắn thay vì lo lắng sợ hãi trước các nguy cơ tiềm ẩn: “Chúng ta chỉ có một thế giới. Chắc chắn sẽ có rủi ro, nhưng chúng ta cũng không biết phản ứng của khí hậu trước khí CO2. Cả hai lựa chọn đều tiềm ẩn rủi ro”.
Thạch Khánh tổng hợp