Nhiều người có thể đã khá quen thuộc với cảnh mở đầu của bộ phim “Indiana Jones và chiếc rương thánh tích”, khi một khối đá hình cầu khổng lồ gần như đã đè trúng người Indiana Jones. Tuy rằng rất nhiều người nhìn nhận cảnh quay này chỉ đơn thuần là một sản phẩm của trí tưởng tượng, nhưng các khối đá hình cầu khổng lồ thời cổ đại thì không.
Xem cảnh mở đầu bộ phim Indiana Jones và chiếc rương thánh tích:
Trong khi đang khai hoang rừng để làm trang trại chuối tại khu vực Diquis Delta ở Costa Rica vào năm 1940, các nhân viên của công ty United Fruit đã phát hiện được nhiều khối đá hình cầu khổng lồ được chôn một phần xuống đất.
Gần như ngay lập tức, những khối đá hình cầu bí ẩn đã trở thành các món đồ trang trí có giá trị, tô điểm cho vườn trước của nhiều tòa nhà chính phủ cũng như chi nhánh công ty United Fruit trên khắp Costa Rica. Rất nhiều khối đá đã bị nứt vỡ hoặc hư hại, trong khi số khác đã bị phá hủy bằng bom trong một thời kỳ ít người nhận thức được giá trị khảo cổ của chúng.
Theo John Hoopes, phó giáo sư nhân chủng học và giám đốc Chương trình Nghiên cứu Các quốc gia Bản địa Toàn cầu, có khoảng 300 tảng đá như vậy đã được ghi nhận, với tảng lớn nhất nặng 16 tấn với đường kính 2,4 m, và tảng nhỏ nhất không lớn hơn một quả bóng rổ. Hầu như tất cả chúng đều được chế tạo từ khoáng chất granodiorite, một loại đá lửa, khá cứng.
Từ khi được phát hiện, mục đích thực sự của những tảng đá này vẫn còn là một chủ đề được suy đoán, từ những giả thuyết về các khối cầu có tác dụng định hướng, cho đến các di vật có liên hệ với công trình cự thạch Stonehenge ở Anh, sản phẩm của một nền văn minh cổ đại chưa được biết đến hay ngay cả các chuyến viếng thăm của người ngoài hành tinh.
Một phần bí ẩn xoay quanh cách thức những khối đá gần như tròn hoàn hảo này được chế tạo. Có một mỏ đá cách đó khoảng 75 km, và những khối đá này được chế tạo vào khoảng 600 TCN, một thời kỳ mà dụng cụ kim loại chưa xuất hiện. Tuy nhiên, phương pháp định tuổi các khối đá này cũng chỉ cho ra các kết quả mang tính phỏng đoán vì nó chỉ cho thấy lần cuối cùng chúng được sử dụng, không phải thời điểm chúng mới được tạo ra.
“Những vật thể có thể đã được sử dụng trong hàng thế kỷ rồi nằm yên ở đó sau một ngàn năm. Vậy nên rất khó để nói chính xác thời điểm chúng được chế tạo”, PGS Hoopes cho hay.
Tuy nhiên, bí ẩn lớn nhất vẫn là chúng được sử dụng cho mục đích gì. “Chúng tôi thật sự không biết tại sao chúng được chế tạo”, PGS Hoopes nói. “Những người chế tạo ra chúng không để lại bất kỳ tài liệu ghi chép nào. Chúng tôi buộc phải dựa vào các dữ liệu khảo cổ để thử tái lập lại bối cảnh lúc đó. Nền văn hóa của những người chế tạo ra chúng đã biến mất không lâu sau khi quá trình thực dân hóa Châu Mỹ của người Tây Ban Nha bắt đầu. Vì vậy, không còn sót lại các truyền thuyết hay thần thoại hay các câu chuyện dân gian của người bản địa Costa Rica về nguyên nhân họ chế tạo ra những khối đá này”.
Khá giống với các tảng đá moai trên Đảo Phục Sinh, có một giả thuyết cho rằng những khối đá này chỉ đơn giản là các biểu tượng thể hiện địa vị. Các khối đá này, hiện đã trở thành một di sản UNESCO, có thể đã được bố cục theo các mẫu hình lớn với ý nghĩa thiên văn, khi có nhiều khối đá được sắp hàng thành các đường thẳng và đường cong, cũng như các hình tam giác và hình bình hành. Tuy nhiên, vì hầu hết các khối đá này đều đã được dịch chuyển khỏi vị trí đặt lúc ban đầu, nên các nhà nghiên cứu tỏ ra hoài nghi không biết liệu có thể khám phá được ý nghĩa chân thực của chúng hay không.
Tác giả: April Holloway, Ancient Origins.
Đăng tải với sự cho phép. Đọc bản gốc ở đây.
Quý Khải biên dịch
Xem thêm: