Oopart (Đồ tạo tác lạc chỗ – out of place artifact) là một thuật ngữ ám chỉ nhiều hiện vật thời tiền sử được tìm thấy tại nhiều nơi khác nhau trên khắp thế giới, dường như cho thấy trình độ tến bộ công nghê không tương xứng với thời đại chúng được tạo ra. Những oopart thường làm nản lòng các nhà khoa học truyền thống, truyền động lực cho những nhà nghiên cứu ưa mạo hiểm đi tìm các lý thuyết thay thế và châm ngòi cho các cuộc tranh luận.
Năm 1961, có ba người đang đi tìm kiếm các tinh hốc (hoặc hốc tinh thể) để buôn bán tại cửa hàng đá quí và đồ lưu niệm ở Olancha, bang California, Mỹ. Một người trong số họ đã nhặt lên một tinh hốc thường thấy ở khu vực này, “nhưng nó trông có vẻ khác biệt”, Leonard Nimoy giải thích trong một tập của chương trình truyền hình “In Search Of …” (Tìm kiếm…)
Tinh hốc là các lỗ hổng trong đá, có các tinh thể ở bên trong. Phần bên ngoài của tinh hốc thường là đá vôi hoặc các loại đá khác, bên trong chứa tinh thể thạch anh nhiều màu sắc khác nhau. (Ảnh qua tinhhoa.net)
Sau khi trở về cửa hàng, một trong số ba người – Mike Mikesell đã làm hỏng lưỡi cưa kim cương khi cắt ngang qua tinh hốc đó, nhưng ông đã có một phát hiện chấn động. Bên trong tinh hốc, ông đã phát hiện được một vật trông giống như thiết bị hiện đại – một bugi đánh lửa — nhưng nếu nó nằm trong hốc tinh thì nó phải có niên đại lên đến bao nhiêu năm?
Món đồ tạo tác này có thể có niên đại lên đến 500.000 năm tuổi, hàng trăm nghìn năm trước khi những nền văn minh tiên tiến được cho là đã bắt đầu xuất hiện trên Trái Đất. Virginia Maxey, một người khác trong số ba người phát hiện, vào lúc đó đã nói rằng một nhà địa chất sau khi giám định hóa thạch xung quanh thiết bị này đã kết luận nó có niên đại 500.000 năm tuổi hoặc lâu hơn.
Tuyên bố này đã bị đặt nghi vấn, đặc biệt bởi Pierre Stromberg và Paul V. Heinrich, khi hai ông đã cố gắng chứng minh rằng chiếc bugi đánh lửa trên được tạo ra vào những năm 1920 và được bọc trong một khối kết hạch vốn hình thành khá nhanh chóng chứ không phải trong một tinh hốc.
Nhóm người duy nhất từng tận tay khám nghiệm món đồ này là ba người đã phát hiện ra nó, cùng với Ron Calais – ông tin rằng những hiểu biết truyền thống của chúng ta về lịch sử nhân loại là không chính xác. Trong nhiều năm, món đồ này từng được trưng bày tại nhà của Wallace Lane, thành viên còn lại trong số ba người phát hiện, tuy rằng anh ta không cho phép ai khác đụng đến nó, theo hai ông Heinrich và Stromberg. Hiện không rõ tung tích của món đồ tạo tác này.
Nhà địa chất tuyên bố hiện vật này có niên đại 500.000 năm tuổi chưa từng được tiết lộ danh tính, khiến những người khác đặt nghi vấn về kết quả phân tích này. Tuy nhiên, hai ông Heinrich và Stromberg đã lưu ý rằng: “Không có nhiều bằng chứng chắc chắn cho thấy những người đầu tiên khám phá ra nó có ý định lừa gạt bất kỳ ai”.
Dù không có hiện vật trong tay, nhưng hai ông Heinrich và Stromberg vẫn có thể nói rằng vật chất bao bọc xung quanh chiếc bugi đó có lẽ không phải là một tinh hốc, vốn là yếu tố cho thấy thiết bị này là một món đồ tạo tác cổ đại. Nghi vấn của họ được dựa trên miêu tả của một trong những người khám phá ra món đồ này, rằng nó đã được bao bọc trong một cục đất sét hoặc cục đá rắn chắc.
Sử dụng hình chụp X-quang vật thể được ông Calais đăng tải cùng bản vẽ phác thảo lại vật thể của một họa sĩ, hai ông Heinrich và Stromberg đã tìm kiếm sự trợ giúp của Chad Windham, Chủ tịch Tổ chức phi chính phủ Những người sưu tập bugi đánh lửa Mỹ (Spark Plug Collectors of America-SPCA). Ông Windham nói rằng đây là một bugi đánh lửa hiệu Champion từ giai đoạn những năm 1920.
Những người cho rằng chiếc bugi này có thể là một thiết bị cổ đại đã nhấn mạnh vào sự hiện diện kỳ lạ của một lò xo hoặc dây xoắn ốc ở phần trên của vật thể. Đặc điểm này không được nhìn thấy ở các bugi hiện đại.
Dựa vào sự miêu tả của ông Windham, hai ông Heinrich và Stromberg cho rằng vào những năm 1920, bugi đánh lửa hiệu Champion đã được làm bằng một cái “mũ đồng thau” có chức năng tương tự một cái lò xo, tuy rằng bộ phận này không được bao hàm trong những thiết kế sau đó. Tuy nhiên, có một số điểm khác biệt trong hình dáng của hai loại bugi.
Ông Windham đã viết: “Những bức vẽ [hiện vật] cho thấy rõ ràng một gọng sườn bên trên đầu trên cùng của trụ sứ, mặc dù bugi hiệu Champion đã sử dụng hai gọng sườn vào thời điểm đó – có lẽ đây chỉ là sơ suất của họa sĩ”.
Chiếc bugi, cũng được gọi là Tạo tác Coso, đã được đề cập ở cuối video “In Search Of …” (Tìm kiếm về…) dưới đây của Leonard Nimoy:
Trong chuyên mục Khoa học huyền bí, Đại Kỷ Nguyên khám phá các nghiên cứu và các đề tài liên quan tới các hiện tượng và giả thuyết đang thách đố hiểu biết của chúng ta hiện nay. Chúng tôi sẽ đào sâu vào những ý tưởng kích thích trí tưởng tượng và mở ra những khả năng mới. Hãy chia sẻ với chúng tôi suy nghĩ của bạn về những chủ đề có thể gây nhiều tranh cãi trong phần bình luận bên dưới.
Tác giả: Tara MacIsaac, Đại Kỷ Nguyên tiếng Anh.
Đọc bản gốc ở đây.
Ngọc Mai biên dịch