Đại Kỷ Nguyên

Tàu thăm dò đầu tiên của Trái Đất sắp tiếp cận bầu khí quyển sao Thổ

Tàu thăm dò Cassini sẽ quay quanh sao Thổ hơn 5 lần nữa để nghiên cứu ở quỹ đạo thấp trước khi cháy rụi trong bầu khí quyển hành tinh này vào tháng chín tới, kết thúc 20 năm sứ mệnh nghiên cứu không gian

NASA dự kiến ngày 13 tháng 8 tàu thăm dò Cassini sẽ bay khoảng 1700 kilômét từ đỉnh các đám mây của sao Thổ để đi vào vùng khí quyển của hành tinh này, Ifscience hôm 10/8 đưa tin.

Đây là lần đầu tiên Cassini tiến vào khí quyển sao Thổ kể từ khi tiếp cận hành tinh thứ 6 trong hệ mặt trời vào năm 2004. Và lần này, nó sẽ thực hiện lấy mẫu trực tiếp khí quyển của sao Thổ, tiến hành phân tích và gửi về Trái Đất các thông tin về mật độ phân tử hydro, hêli, và các ion khác nhau bằng máy phân tích quang phổ INMS.


Tàu thăm dò Cassini đã có 13 năm nghiên cứu sao Thổ và các mặt trăng (Ảnh đồ họa: NASA) 

Trên quỹ đạo này, Cassini cũng sẽ sử dụng máy quang phổ hồng ngoại (CIRS) để quan sát rìa của bầu khí quyển Sao Thổ ở các mức nhiệt độ và độ cao khác nhau. Ngoài ra, với sự trợ giúp của máy ảnh mang theo, nó sẽ thử phát hiện và tìm hiểu những “vết xước” huyền bí bên trong vành đai sao Thổ.

Linda Spilker, khoa học gia thuộc dự án Cassini tại Phòng thí nghiệm Động cơ phản lực của NASA (JPL), cho biết: “Với 5 vòng quay quanh quỹ đạo Sao Thổ trước khi rơi, Cassini sẽ trở thành thiết bị thăm dò khí quyển sao Thổ đầu tiên của con người”. “Chúng ta đang đặt nền móng cho những cuộc thăm dò trong tương lai bằng các tàu đổ bộ hiện đại hơn.”

Nhóm của Linda Spilker đang lên kế hoạch cho bốn vòng bay cuối cùng quanh quỹ đạo của Cassini. Nếu bầu khí quyển dày đặc hơn dự kiến ​​và động cơ phải làm việc nhiều hơn thì chiều cao của mỗi quỹ đạo tiếp theo sẽ tăng khoảng 200 km. Ngược lại, nếu nó không dày đặc hơn dự kiến, đội sẽ hạ quỹ đạo Cassini xuống 200 km, cho phép nó thu được các dữ liệu tốt hơn về bầu khí quyển.

Cuối cùng, sứ mệnh sẽ kết thúc vào ngày 15 tháng 9 tới. Bằng cách lợi dụng lực hấp dẫn của mặt trăng Titan để thay đổi quỹ đạo, đường bay của Cassini sẽ bị đẩy xuống trực tiếp vào bầu khí quyển sao Thổ


Hành trình lao vào sao Thổ dự kiến của tàu Cassini

Khi lao xuống sao Thổ, Cassini sẽ hướng ăng ten về Trái Đất lâu nhất có thể, nhằm gửi về các dữ liệu quan trọng cuối cùng. Những dữ liệu này sẽ giúp hiểu thêm về sao Thổ, cũng như nhiều hành tinh khác trong hệ Mặt Trời.

Quá trình này diễn ra 20 năm sau khi Cassini rời Trái Đất. Con tàu trị giá 3,3 tỷ USD của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đã bay quanh sao Thổ trong 13 năm, tìm ra nhiều khám phá đáng nhớ về sao Thổ và các vệ tinh của nó.

Hoài Anh

Xem thêm:

Exit mobile version