Đại Kỷ Nguyên

Tháng 7/2018: Nguyệt thực toàn phần dài nhất thế kỷ, Việt Nam có thể quan sát trực tiếp

Trong tháng 7 này, những ai yêu thích thiên văn trên toàn thế giới một lần nữa có cơ hội ngắm nhìn Nguyệt thực toàn phần dài nhất thế kỷ 21. 

Theo trang The Space, hiện tượng nguyệt thực toàn phần lần này sẽ bắt đầu vào lúc 19h30 ngày 27/7 giờ quốc tế, tức 2h30 sáng 28-7 giờ Việt Nam. Trước đó, ngày 31/1/2018, nguyệt thực toàn phần cũng đã xuất hiện nhưng chỉ có người dân miền nam có thể chứng kiến, còn miền Bắc và miền Trung không thể do không khí lạnh bao trùm. 

Đây là lần thứ 2 trong năm 2018, người dân Việt Nam có thể quan sát trực tiếp toàn cảnh Nguyệt thực toàn phần một cách chân thực và sống động nhất vào đêm 27, rạng sáng 28 tháng 7. Nguyệt thực đạt đỉnh vào lúc 20h22 giờ quốc tế, tức 3h22 sáng 28-7 giờ Việt Nam và kết thúc vào lúc 4h13 sáng giờ Việt Nam.

Nguyệt thực toàn phần sẽ bắt đầu lúc 2h30 sáng ngày 28/7 tại Việt Nam. (Ảnh: Stuff.co.nz)

Nguyệt thực toàn phần xảy ra khi Mặt Trăng đi vào vùng bóng tối (Umbra) của Trái Đất và bị che khuất hoàn toàn. Khi nguyệt thực toàn phần xảy ra, ánh sáng đỏ từ Mặt Trời đi xuyên qua bầu khí quyển ở vùng rìa Trái Đất đến Mặt Trăng khiến cho Mặt Trăng phản xạ lại ánh sáng đỏ gây ra hiện tượng Mặt Trăng có màu đỏ tối, nhiều người hay gọi là “Trăng máu”.

Nguyệt thực toàn phần lần này có thời gian lâu nhất thế kỷ 21 khi Trái Đất che khuất hoàn toàn Mặt Trăng trong suốt 1 giờ 43 phút, hơn kỷ lục nguyệt thực dài nhất ngày 15/6/2011 khoảng 3 phút. Nếu tính toàn bộ thời gian diễn ra nguyệt thực thì tổng thời gian lên đến 3 giờ 55 phút. 

Tiến sỹ Noah Petro của Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ NASA cho biết nguyệt thực lần này sẽ hiện diện ở hầu hết khu vực của châu Âu, châu Phi, phía Tây và Trung châu Á, Ấn Độ Dương, và phía Tây châu Úc. Trong đó  khu vực châu Phi, Trung Đông, Nam Á và vùng Ấn Độ Dương có thể chứng kiến nguyệt thực toàn phần lần này, còn người dân ở miền đông Nam Mỹ và châu Đại Dương cũng có thể theo dõi một phần nguyệt thực.

Chỉ có khu vực Bắc Mỹ là không thể nhìn thấy nguyệt thực lần này nhưng họ sẽ có cơ hội này vào ngày 21-1-2019. 

Mặt Trăng đi vào trung tâm vùng bóng tối của Trái Đất là nguyên nhân chính tạo nên nguyệt thực dài kỷ lục. (Ảnh: Pinterest)

Nguyên nhân gì dẫn đến việc nguyệt thực toàn phần lần này được coi là dài nhất thế kỷ 21?

Theo tiến sỹ Noah Petro, nhân tố chính ở đây là việc vị trí của Mặt Trăng trên quỹ đạo khi đi vào vùng tối của Trái Đất: 

“Mặt Trăng di chuyển ngang khu vực trung tâm vùng bóng tối của Trái Đất (umbra), đồng nghĩa với việc thời gian Mặt Trăng khuất sau bóng Trái Đất dài hơn bình thường. Đồng thời, tháng 7 tới, Trái Đất cũng ở điểm xa nhất so với Mặt Trời làm bóng của nó lớn hơn và sẽ che khuất Mặt Trăng lâu hơn.”

Tại Việt Nam, việc quan sát các diễn biến quan trọng của lần nguyệt thực cũng khá thuận lợi. Nguyệt thực bắt đầu lúc 00:14 UTC+7 (giờ Việt Nam) và kết thúc lúc 06:28 UTC+7 (giờ Việt Nam). Người dân có thể quan sát đến hết pha kết thúc nguyệt thực một phần vào lúc 5 giờ 36 phút. Tổng thời gian quan sát đươc nguyệt thực tại Việt Nam là 5 giờ 22 phút. Nguyệt thực đạt cực đại lúc 3 giờ 21 phút sáng với độ sáng biểu kiến là 1.61.

Diễn biến nguyệt thực tại Việt Nam được mô tả theo bảng dưới đây:

 

Sơn Tùng

Exit mobile version