Cleve Backster đã xuất bản một cuốn sách có tên “Tri giác Nguyên sinh: Giao tiếp sinh học với cây cối, thực phẩm sống và tế bào con người” vào năm 2003, báo cáo tổng hợp toàn diện đầu tiên về nghiên cứu của ông do chính ông biên soạn. Trong sách, ông đã miêu tả chi tiết những điều khác nhau mà ông quan sát dựa trên những đường xung điện từ thực vật, vi khuẩn và trứng cho tới tế bào động vật như máu từ thịt bò, và tế bào người.
Đây là phần thứ 2 của buổi phỏng vấn Cleve Backster. Ấn vào đây để xem phần 1.
“Có rất nhiều ý nghĩa trong những quan sát này, tôi thấy khá bất ngờ sao người ta không bàn luận sôi nổi trong giới khoa học,” ông vừa nói vừa cười.
Trong hàng thập kỷ, ông đã đối mặt với những hồi đáp lạnh nhạt từ giới học thuật, dù đã trình bày các bằng chứng tại nhiều hội thảo, và nhiều nhà khoa học trên khắp thế giới đã kiểm nghiệm lại kết quả nghiên cứu của ông. Ông vẫn không bị mất tinh thần – ông tin chắc rằng mình đã tìm ra điều quan trọng. Điểm yếu vốn dĩ của con người là khó chấp nhận những ý tưởng mới, tuy nhiên, ông đã không để cho mình bị khuất phục.
“Và tất cả những điều tôi đã nói trong cuốn sách đều là sự thật,” ông mỉm cười. “Tôi đã rất cẩn thận, mọi thứ trong cuốn sách đều dựa trên thực tế. Tôi không muốn mọi người tìm thấy bất kì chi tiết chuyên môn không chính xác và sau đó kết luận, à, phần còn lại của công trình của ông là không chính xác.”
Ông cũng áp dụng cách thức tương tự khi tìm hiểu lý do vì sao hiện tượng này tồn tại. Để người ta không dễ dàng ném các dữ liệu và nghiên cứu của ông đi, ông tránh sa đà vào việc tạo ra lý thuyết mới mà có thể có sai sót.
Giải thích bằng vật lý lượng tử
Mặc dù Backster không xuất bản nghiên cứu giải thích cho Tri giác Nguyên sinh, nhưng hiện nay, hiện tượng vật lý lượng tử gọi là phi định xứ (nonlocality) là một trong những manh mối đầy hứa hẹn để lý giải về Tri giác Nguyên sinh.
Hiện tượng phi định xứ được dự đoán bởi vật lý lượng tử mà Einstein gọi là “tác động ma quái ở tầm xa” – các hạt ở cách xa đã liên kết với nhau qua không gian bằng cách nào đó.
Trong các thí nghiệm, khi một cặp photon (lượng tử ánh sáng) thoát ra khỏi một nguyên tử bị kích thích, các nhà nghiên cứu thay đổi hướng phân cực của một photon (bằng cách cho nó đi qua một tấm lọc), hướng phân cực của photon còn lại cũng có thay đổi. Thời gian thay đổi diễn ra còn ngắn hơn cả thời gian để ánh sáng truyền giữa 2 hạt.
Khi nào thì các hạt photon thể hiện mối quan hệ này, câu trả lời là khi chúng bị vướng vào nhau (hay gọi là hiện tượng rối/vướng víu lượng tử – ghi chú của người dịch). Vậy hiện tượng phi định xứ này có thể diễn ra trong khoảng cách bao xa? Có phải chỉ xảy ra giữa các hạt nhỏ, hay các hệ thống lớn hơn cũng có hiện tượng vướng lượng tử? Và nếu các dạng sống có thể bị vướng với nhau, thì lúc đó sẽ ra sao?
Nếu hiện tượng phi định xứ mở rộng tới lĩnh vực đời sống và tinh thần, Tri giác Nguyên sinh có thể chính là bằng chứng: Theo những phát hiện của Backster, tín hiệu xuất hiện mà không chịu ảnh hưởng bởi khoảng cách hay vật liệu chắn các sóng điện từ.
Sự đón nhận
Mặc dù công chúng rất hứng thú với các kết quả nghiên cứu của Backster trong những năm 1970, giới khoa học vẫn chưa mặn mà với ý tưởng này lắm. Một nhóm khoa học đã nỗ lực bất thành nhằm làm lại thí nghiệm ban đầu mà Backster công bố, điều này đã được đăng tải trên tạp chí nổi tiếng Science vào năm 1975.
Nhưng theo cuốn sách của Backster, các nhà khoa học (và những người cố tái hiện thí nghiệm nhưng thất bại) đã không xem xét tất cả các tiêu chuẩn so sánh khoa học thích hợp.
Có một một tiêu chuẩn đặc biệt quan trọng mà Backster đã phát hiện, đó là nhất thiết không được nhìn kết quả ghi lại từ thực vật (hay những gì mà người ta đang quan sát) trong khi thí nghiệm đang diễn ra, việc quan sát đó sẽ cản trở các phản ứng.
Với một hiện tượng bất thường như Tri giác Nguyên sinh, nếu không tuân theo tất cả các tiêu chuẩn mà thí nghiệm gốc yêu cầu để suy luận, thì sẽ dẫn đến sự bộp chộp.
Tuy nhiên, trong các mô hình nghiên cứu khoa học hiện đại, người ta không cho rằng theo dõi kết quả sẽ gây ảnh hưởng tới kết quả (ở đây là việc kỳ vọng cái cây sẽ có phản ứng khi đang làm thí nghiệm – ghi chú của người dịch). Vì thế khi những thí nghiệm này được làm lại, người ta đã bỏ qua yêu cầu này trong sách của Backster.
Các nhà sinh vật học thường được cho là đặc biệt bảo thủ, một số nhà khoa học nổi tiếng hiện nay hoàn toàn bác bỏ khả năng thực vật có thể phát ra các tín hiệu xung điện, chứ chưa nói đến khả năng nhận thức.
“Khi bạn nói với những người hoài nghi, ý nghĩa của hiện tượng này rất sâu sắc, họ thực sự bị đặt vào một bài kiểm tra xem liệu họ có muốn trở thành một nhà khoa học chân chính và nghiên cứu nó không, hay họ đại khái chỉ muốn tránh xa,” Backster nói.
“Bạn sẽ gặp vấn đề này (bị hoài nghi quyết liệt) với những người ngồi ở vị trí phải bảo vệ hệ thống tri thức khoa học hiện có,” Backster nói tiếp.
Tuy nhiên, ngày nay, sự hiện diện của các tín hiệu xung điện ở thực vật ngày càng được công nhận nhiều hơn. Các nhà khoa học thuộc lĩnh vực thần kinh sinh học đã phát hiện ra thực vật cũng có tín hiệu giống như hoạt động thần kinh ở động vật. Tuy vậy, không giống với những tín hiệu mà Backster đã nghiên cứu.
Mặc dù Backster không sở hữu học hàm Giáo sư, nhưng thái độ và những nghiên cứu của ông đã cho thấy ông có tinh thần khoa học chân chính hơn những nhà khoa học đã bác bỏ công trình của ông.
Những phát hiện đã được kiểm nghiệm lại bởi những nhà khoa học khác, trong đó có các nhà khoa học người Nga, Alexander Dubrov và Marcel Vogel, những người đang làm việc cho IBM tại thời điểm đó, và những nghiên cứu này đã được công bố trong cuốn “Đời sống Bí ẩn của Thực vật”. Tác giả của bài viết này cũng hoàn thành luận án cử nhân về đề tài này, cho thấy những kết quả đáng chú ý về sự nhạy cảm của cây cối đối với tác động của con người.
Truyền cảm hứng cho nhiều người khác làm thí nghiệm
Trong suốt thời gian đó, Backster đã rất nhiệt tình giúp mọi người tự thực hiện các thí nghiệm của họ. Tác giả của bài viết này đã thực hiện đầy đủ các tiêu chuẩn đó, trong phòng thí nghiệm của Backster tại San Diego cũng như trong những thí nghiệm của riêng ông và các băng hình thí nghiệm được thực hiện bởi Backster. Và miễn là các điều kiện khoa học phải được tuân theo đầy đủ, các dấu hiệu sẽ tới.
“Đối với những người muốn tìm hiểu hay làm quen với khả năng tồn tại của Tri giác Nguyên sinh – họ phải để chúng tự phát”
– Backster giải thích.
Backster khuyên nên ghi hình lại những gì đã xảy ra trong phòng với một chiếc camera, và dùng một camera khác ghi hình đường thể hiện xung điện trên thiết bị đo đạc.
“Và sau đó, xem lại đoạn băng thu hình, họ sẽ ngạc nhiên khi nhìn vào sự đồng bộ của những việc diễn ra – miễn là bạn để chúng tự xảy ra.”
Sau khi miêu tả Tri giác Nguyên sinh, Backster hy vọng rằng sự tò mò của con người có thể khiến họ nghiên cứu nó một cách chân thành.
“Đây là một manh mối rất tốt, có kết quả tiềm năng ở đây, còn lại là tùy vào họ có muốn xây dựng một số kiểu thí nghiệm kiểm nghiệm lại hay không”, ông nói.
“Có một sự mâu thuẫn lớn giữa việc để cho mọi thứ tự nhiên xảy ra và việc lặp lại các thí nghiệm,” ông giải thích.
Đa phần khoa học xác nhận sự tồn tại của một hiện tượng mới bằng cách cố gắng rút ra kết luận sau khi thử nghiệm lặp đi lặp lại dưới cùng điều kiện. Nhưng những thứ liên quan tới nhận thức và tinh thần có thể không phù hợp với phương pháp này. Ví dụ, nếu ai đó không cười trong lần thứ tư họ được nghe kể một câu chuyện cười thì không có nghĩa là câu chuyện đó không buồn cười. Vì thế hiện tượng này không thể áp dụng kiểu thí nghiệm lặp đi lặp lại đó được.
“Do vậy, bằng cách này hay cách khác, họ cần phải tiếp cận nó, chứ không phải bào chữa rằng nó không thể chứng minh được,” ông nói.
Tương lai
Ngay bây giờ, Backster đang tìm kiếm một người tiếp tục cầm đuốc cho việc nghiên cứu Tri giác Nguyên sinh, hay ít nhất có thể giúp ông tiếp tục nghiên cứu chuyên sâu hơn.
“Tôi đã hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu ở đây khoảng 27 năm rồi,” ông cho biết, “nhưng đã đến lúc tôi không thể tự mình làm tất cả mọi việc được.”
“Tôi đã cố gắng góp đủ kinh phí cho ít nhất một phụ tá nữa, bời vì tôi phải lưu tâm tới những thứ này và còn phải tìm cách chi trả cho chúng,” ông cười, “và quản lý việc nghiên cứu, tất cả những việc này là quá nhiều đối với một người.”
Sau 40 năm thiếu nhiều sự ủng hộ cụ thể cho các nỗ lực nghiên cứu của mình, Backster cho biết “đôi khi bạn có cảm giác có rất nhiều nhóm khoa học chính quy hơn chỉ hy vọng rằng bạn sẽ bỏ cuộc, khi quá mệt mỏi hoặc không đủ tài chính… và cứ thế buông xuôi. Nhưng tôi không như vậy,” ông cười và nói.
“Tôi không muốn bỏ cuộc. Tôi chỉ thấy rất bực mình rằng một điều rất hiển nhiên và dễ dàng quan sát như thế lại bị bỏ qua một cách cố ý bởi những người tự xưng là nhà khoa học – điều đó không phù hợp với định nghĩa về nhà khoa học.”
Backster đã bắt đầu gây dựng Quỹ Nghiên cứu Backster vào năm 1965 – một tổ chức nghiên cứu phi lợi nhuận nhằm tài trợ hoạt động nghiên cứu của mình. Quỹ hoạt động tốt và tiền tài trợ được miễn thuế. Nhưng quỹ này đã sắp cạn kiệt sau nhiều thập kỷ hoạt động.
“Đây là một việc mang tính cạnh tranh vì nó liên quan tới tiền bạc,” ông giải thích. “Tôi đã diễn thuyết trước nhiều hội đồng khoa học, điều này là quan trọng vì ít ra thì họ cũng sẽ hỏi xem liệu tôi có cần trợ giúp nào hay không!” ông nói.
“Tôi bắt đầu nghĩ rằng mình thật ngây thơ, bởi vì nếu bạn không đi xin tài trợ, bạn sẽ không có được nó,” ông nói. Backster và nhà xuất bản của ông đã xem xét việc xin tài trợ, nhưng việc này trở nên khó khăn khi ông không có mối quan hệ với Viện hàn lâm nào.
Backster cũng hy vọng rằng ông có thể góp sức làm ra một thiết bị cầm tay giá thành phải chăng có thể khuếch đại những tín hiệu này để nhiều người hơn có thể tự thực hiện các thí nghiệm của mình. Ông đặc biệt hy vọng rằng các sinh viên và người trẻ tuổi có thể cầm trên tay chiếc máy đó.
“Tôi nghĩ rất nhiều về những điều mà sau khi được khám phá ra, họ sẽ thấy kinh ngạc”, ông nói.
“Tất cả những vật thể sống đều phát ra những tín hiệu hết sức tinh tế, chúng là những tín hiệu Microvolt. Và bằng cách khuếch đại chúng, sau đó đem so sánh, ghi lại các dấu hiệu trên bản thu hoặc máy tính và những gì diễn ra trong môi trường, tôi nghĩ rằng mọi người sẽ thấy nó rất, rất thú vị.
“Đáng ngạc nhiên là có vô số nguyên nhân và tác động tới tình huống thí nghiệm, trong đó bạn thấy những phản ứng mạnh mẽ và khi bạn nhìn thấy điều gì đã tạo nên phản ứng đó, bạn sẽ thực sự kinh ngạc.”
Thông tin về Quỹ Nghiên cứu Backster có thể tìm thấy tại www.primaryperception.com
Cleve Backster đã qua đời vào ngày 1 tháng 7 năm 2013. Loạt bài này nhằm mục đích tưởng nhớ cuộc đời và sự nghiệp của ông.
Vũ trụ chứa đầy những điều bí ẩn và thách đố tri thức của nhân loại. Bộ sưu tập những câu chuyện “Khoa học Huyền bí” của Thời báo Đại Kỷ Nguyên về những hiện tượng lạ thường sẽ kích thích trí tưởng tượng của bạn và mở ra những khả năng chưa từng mơ tới. Chúng có thật hay không? Tùy bạn quyết định!
Ben Bendig, Epoch Times
Biên dịch: Thu Hiền
Xem thêm: