Đại Kỷ Nguyên

Thí nghiệm: Trí thông minh của loài quạ tương đương với đứa trẻ 6-7 tuổi (Video)

(Ảnh: Youtube)

“Con quạ và bình nước” là một trong những truyện ngụ ngôn nổi tiếng nhất của nhà văn thời Hy Lạp cổ đại – Aesop. Truyện kể về một con quạ đang khát, may mắn gặp được bình nước. Thế nhưng, nước trong bình quá vơi nên quạ không thể uống được. Quạ liền nghĩ ra một cách, đó là gắp các viên sỏi bỏ vào trong bình nước. Một lúc sau, nước trong bình dâng lên và nhờ đó, quạ có thể thỏa mãn cơn khát của mình.

Câu chuyện trên cũng chính là một bài học cuộc sống mà tác giả muốn gửi tới chúng ta. Thế nhưng, trí thông minh của con quạ trong tác phẩm có phải chỉ là hư cấu? Trên thực tế, thí nghiệm của nhóm học giả tại Đại học Auckland ở New Zealand đã chỉ ra rằng: Loài quạ rất thông minh!

Thí nghiệm được thực hiện đối với loài quạ ở vùng lãnh thổ Nouvelle-Calédonie thuộc châu Đại Dương và được công bố trên tạp chí Plos One vào tháng 3/2014.

Thành viên của nhóm nghiên cứu, Sarah Jelbert, cùng với các cộng sự đã đặt một mẩu thức ăn vào những chiếc ống có chứa nước khác nhau. Mực nước cách miệng ống một khoảng cách sao cho quạ không thể gắp mẩu thức ăn ra ngoài được. Tiếp đó, các nhà khoa học đặt bên ngoài ống nước một số vật nặng có khả năng chìm dưới nước.

Ở các mức độ phức tạp khác nhau, loài quạ đều tìm ra cách làm nước dâng lên và lấy thức ăn ra khỏi ống.

Thí nghiệm 1: Phân biệt nước và cát, quạ chỉ gắp vật nặng bỏ vào ống có nước.

Thí nghiệm 2: Phân biệt vật nặng và nhẹ, quạ lựa chọn vật nặng bỏ vào bình chứa nước.

Thí nghiệm 3: Phân biệt đặc và rỗng, quạ lựa chọn vật đặc bỏ vào bình nước.

Thí nghiệm 4: Phân biệt rộng và hẹp: sau một số lần thử, quạ lựa chọn chiếc ống nhỏ để nước trong bình dâng cao nhanh hơn.

Thí nghiệm 5: Nhận biết mực nước: Quạ lựa chọn ống có mực nước cao hơn.

Thí nghiệm 6: Ống hình chữ U: Sau “thất bại” ban đầu, quạ lựa chọn ống chứa có khả năng làm mẩu thức ăn dâng lên.

Theo các nhà nghiên cứu, các kỹ năng trên cho thấy quạ có trí thông minh tương đương với một đứa trẻ 6-7 tuổi. Và dưới đây là video về toàn bộ thí nghiệm:

Hồng Liên

Xem thêm:

Exit mobile version