Đại Sư Itigelov người Nga đã viên tịch cách đây 80 năm, tuy nhiên cho đến nay thi thể ông vẫn không hề có bất kì dấu hiệu phân hủy nào. Ông là một ví dụ trong vô số điều thần kỳ, huyền bí nhưng vẫn xuất hiện rất nhiều trong tôn giáo khắp nơi trên thế giới.

Nhà sư người Nga Dashi-Dorzho Itigelov viên tịch năm 1927, để lại lời dặn các tăng nhân sau này hãy mở mộ ông ra. Năm 1955, khi các nhà sư khai quật mộ ông, họ vô cùng sửng sốt khi phát hiện thi hài ông không hề có bất kỳ dấu hiệu phân hủy nào, dù 48 năm đã trôi qua.


Một bức ảnh không đề ngày chụp cho thấy một tín đồ đang trang trí thi thể vị Đại sư Dasha-Dorjo Itighelov, Khambo Lama thứ 12 của vùng Đông Siberia. Thi hài ông trông giống như khi ông mới qua đời vào năm 1927 tại một ngôi chùa ở Ulan-Ude, thủ đô nước cộng hòa Buryat. (Ảnh: HO / AFP / Getty Images)

Hai mươi hai năm sau, tức vào năm 1973, họ mở mộ ông một lần nữa, và một lần nữa bị chấn động khi nhận thấy thi thể ông vẫn như trong trạng thái ban đầu. Các nhà sư đã giữ bí mật phát hiện này vì e ngại Liên Xô có thể phá hủy thi hài ông như một phần trong chiến dịch xóa sổ các tôn giáo.

Sau sự biến mất của chế độ Xô Viết, các hòa thượng một lần nữa khai mộ vị Đại sư vào năm 2002. Thi thể ông trông vẫn như còn sống. Lần này, họ quyết định công bố thông tin và kêu gọi các nhà khoa học đến xem xét. Thi hài vị tăng nhân được bảo quản như thể nó từng được ướp (xác), tuy rằng quá trình này chưa hề được thực hiện.

 “Các mẫu vật được thu thập 75 năm sau khi chôn cất thi hài Đại sư cho thấy, các chất hữu cơ từ da, tóc, móng tay không khác gì với mẫu vật của một người sống”, trang Pravda.ru.trích lời Galina Yershova, giáo sư môn lịch sử tại Đại học Nhân văn Liên bang Nga.

Đại Sư Dashi-Dorzho Itigelov, ảnh chụp năm 1927, năm ông viên tịch. (Ảnh: wikimedia Commons)

“Các khớp xương vẫn cong gập được, các mô mềm vẫn đàn hồi như ở người đang sống, và sau khi họ mở nắp quan tài, nơi thân xác của vị Lạt ma đã yên nghỉ trong suốt 75 năm, một mùi hương rất dễ chịu tỏa ra”, Yershova cho biết.

Theo tuyên bố chính thức từ các nhà khoa học và nhà nghiên cứu bệnh học từng khám nghiệm di hài của Đại Sư vào năm 2002, thi thể ông “giống như của một người chỉ vừa mới chết cách đây 36 tiếng đồng hồ”.

Trong cuộc phỏng vấn với trang Buddhist Channel qua điện thoại, Giáo sư Viktor Zvyagin từ Trung tâm Pháp Y Liên bang cho biết:

“Trong nhiều năm công tác tôi đã gặp rất nhiều trường hợp xác được bảo quản, nhưng đó là kết quả của quá trình ướp xác hay do điều kiện môi trường khắc nghiệt. Nhưng trường hợp này thì khác, và đối với tôi, thì không thể hiểu nổi. Đây là một hiện tượng đòi hỏi quy trình nghiên cứu chặt chẽ nhất”.

Theo kết quả nghiên cứu, cấu trúc protein của thi thể vị Lạt Ma không bị tổn hại, nó giống hệt như của người sống.

Đối với những Phật tử tại vùng Buryatia của Nga, thi thể vị Đại sư đã trở thành một Thánh cốt, và nó hiện được đặt trong Tu viện Phật giáo Ivolgin ở thủ phủ Ulan-Ude.

Tu viện Phật giáo Ivolgin ở thủ đô Ulan-Ude. (Vasiliy Tatarinov / Wikimedia Commons)

Danh tiếng vị Đại Sư Itigelov vang xa và rộng. Năm 2013, Tống thống Nga Vladimir Putin đã viếng thăm Tu viện. Vào đầu chuyến thăm, tổng thống đã dành thời gian một mình với vị Đại sư. Trước khi rời đi, ông một lần nữa quay lại để nói lời chào “tạm biệt”, theo thông tin từ thư ký báo chí của ông Putin.

Tổng thống Putin lưu ý Phật giáo là một trong những tôn giáo truyền thống của Nga. Ông cũng hứa sẽ dành sự ủng hộ của chính phủ đối với Tu viện.


Tổng thống Nga Vladimir Putin (thứ 3 từ phải sang) đi cùng các nhà sư Phật giáo trong chuyến viếng thăm tu viện Ivolginsky Datsan tại làng Verkhnyaya Ivolga, Cộng hòa Buryatia, ngày 11/4/2013. (Ảnh: ALEKSEY NIKOLSKYI/AFP/Getty Images)

Liên Xô dưới thời Stalin đã đàn áp tất cả các loại hình tín ngưỡng tôn giáo, hành hình hàng trăm vị Lạt ma và phá hủy 46 ngôi chùa và tu viện Phật giáo. Kể từ khi Liên bang Xô viết sụp đổ, trên khắp nước Nga, Phật giáo bắt đầu hưng thịnh trở lại, xây dựng lại các ngôi chùa bị phá hủy và thu hút thêm nhiều tín đồ.

Cuộc đời vị Lạt Ma Hambo

Ngài Hambo Lama Itigelov theo học tại Anninsky Datsan, Đại học Phật giáo ở Buryatia. Itigelov nhận tấm bằng về y học và triết học (về bản chất của tánh không). Ông cũng kiến lập một bách khoa toàn thư về dược lý học.

Năm 1911, Itigelov trở thành vị Lạt ma Hambo, người đứng đầu Phật giáo ở Nga. Trong khoảng thời gian từ năm 1913 đến năm 1917, ông mở ngôi chùa Phật giáo đầu tiên ở St. Petersburg. 

Hambo Lama được mời đến tổ chức kỉ niệm 300 năm vương triều Romanov, và vào ngày 19 tháng 3 năm 1917, Sa Hoàng Nga Tsar Nikolai Đệ Nhị trao tặng ông giải thưởng St. Stanislav.

Trong Thế chiến thứ nhất, Itighelov đã đóng góp tiền, quần áo và thuốc men cho quân đội. Ông cũng đã xây dựng một loạt bệnh viện, nơi các bác sĩ của lạt ma đã giúp chữa trị cho các chiến binh bị thương. Với những đóng góp của mình, ông được trao tặng huy chương St. Anna.

Năm 1927, Itighelov nói với các lạt ma rằng ông đang chuẩn bị rời khỏi thế gian. Ông bắt đầu ngồi thiền và không lâu sau thì viên tịch.

Ngự Yên (biên dịch từ The Epoch Times)

Xem thêm: