Tuy được NASA xếp vào hạng có “nguy cơ”, nhưng thiên thạch này gần như không có khả năng lao vào “hành tinh xanh” của chúng ta.

NASA (Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ) cho biết, thiên thạch 2006 QQ23 đang ở cách Trái Đất khoảng 7,3 triệu km. Đây là khoảng cách nằm trong định nghĩa “thiên thạch đến gần Trái Đất” của NASA và cũng được xếp vào hạng “có nguy cơ”.

Thiên thạch to cao bằng tòa nhà 100 tầng đang tiến nhanh đến Trái Đất
Thiên thạch 2006 QQ23 sẽ đến gần Trái Đất vào ngày 10/8 với vận tốc 16.740 km/h, nhưng rất ít có khả năng va chạm với Trái Đất. (Ảnh: Getty)

Đường kính của thiên thạch này khoảng 570m, lớn hơn cả tòa nhà Empire State với 102 tầng của nước Mỹ. Trong vòng hơn 1 tuần nữa, 2006 QQ23 sẽ tiến gần đến Trái Đất với vận tốc khoảng 16.740 km/h.

NASA khẳng định, tuy vẫn được xếp vào diện “có nguy cơ”, gần như không có khả năng thiên thạch này va chạm với Trái Đất.

Mỗi năm, có khoảng 6 thiên thạch với kích thước tương đương 2006 QQ23 sẽ đi tới gần Trái Đất như vậy. Theo nghiên cứu về thiên thạch gần Trái Đất của phòng nghiên cứu động cơ đẩy JPL, hiện có khoảng 900 thiên thạch với đường kính trên 1km đang di chuyển trong hệ Mặt Trời. Theo tính toán, va chạm với vật thể có kích thước lớn hơn 1km có khả năng gây ra tác động toàn cầu.

Có thể dự đoán trước nguy cơ

Hoạt động của các thiên thạch từ lâu đã là trọng tâm trong nghiên cứu của NASA. Các kính viễn vọng và các cơ quan do NASA tài trợ theo dõi các vật thể vũ trụ, tính toán quỹ đạo và xác định liệu chúng có phải là nguy cơ cho địa cầu hay không.

Hệ thống Cảnh báo Cuối cùng về Va chạm giữa Trái Đất và Tiểu hành tinh (Atlas) tại Đại học Hawaii là một hệ thống kính viễn vọng được thiết kế với một mục tiêu tối thượng: cứu con người khỏi sức công phá khủng khiếp gây ra khi những tảng đá khổng lồ trong vũ trụ lao vào Trái Đất.

Atlas hiện đã có hai kính viễn vọng ở Hawaii, và dự định thiết lập chiếc kính viễn vọng thứ ba ở Nam Phi để quan sát bầu trời ở nam bán cầu. Một kính viễn vọng thứ tư cũng đã được cấp vốn. Khi hệ thống đầy đủ đi vào hoạt động, các nhà khoa học hy vọng nó sẽ mang đến cho chúng ta cơ hội tốt để phát hiện ra một vụ va chạm lớn tiềm năng và, nếu cần, nó có thể cảnh báo trước đủ sớm để sơ tán người dân khỏi nơi dự đoán sẽ xảy ra va chạm.

Thiên thạch to cao bằng tòa nhà 100 tầng đang tiến nhanh đến Trái Đất
Kính viễn vọng Atlas 2 ở Mauna Loa. (Ảnh: Henry Weiland)
Thiên thạch to cao bằng tòa nhà 100 tầng đang tiến nhanh đến Trái Đất
Kính viễn vọng Atlas 2 ở Mauna Loa. (Ảnh: fallingstar.com)

Không gian xung quanh Trái Đất đầy đá. Công việc của Atlas là chỉ ra những tảng đá nào có thể đe dọa chúng ta.

Liệu có hóa giải được nguy cơ?

Nếu chúng ta tìm thấy một tiểu hành tinh lớn đến mức nó có thể đe dọa hàng ngàn hoặc hàng triệu sinh mạng? Hoặc nó thải ra quá nhiều mảnh vụn vào bầu khí quyển của chúng ta đến nỗi khí hậu sẽ bị hủy hoại trong một thời gian rất dài? Chúng ta sẽ phải làm gì để hóa giải nguy cơ này?

Lý tưởng nhất là chúng ta phát hiện được nguy cơ như thế từ rất sớm, trước khi nó xuất hiện, để chúng ta có thời gian tự vệ.

Để hóa giải nguy cơ đó, NASA đã tính đến phương án làm lệch quỹ đạo của chúng. Trong vài năm tới, NASA có thể giới thiệu một loại tàu đánh chặn có tên DART. Con tàu không gian này sẽ được phóng vào những vật thể có nguy cơ va chạm với Trái Đất nhằm thay đổi quỹ đạo của chúng. Nếu thành công, dự án sẽ mở ra khả năng đánh chặn các thiên thạch có nguy cơ va chạm với địa cầu trong tương lai.

Thiên thạch to cao bằng tòa nhà 100 tầng đang tiến nhanh đến Trái Đất
“Tàu đánh chặn” DART của NASA có thể làm thay đổi quỹ đạo của các thiên thạch có khả năng va chạm với Trái Đất. (Ảnh: NASA)

Đối tượng của dự án DART là tiểu hành tinh Didymos, gồm hai vật thể, dự kiến tiến sát Trái Đất vào năm 2022 và năm 2024. Đường kính của hai vật thể thuộc tiểu hành tinh Didymos lần lượt là 780 m (Didymos A) và 160 m (Didymos B).

“Kỹ thuật tác động động học sẽ thay đổi tốc độ của thiên thạch bằng một tác động nhỏ vào tốc độ vốn có của nó. Tác động vào thời điểm phù hợp trước khi xảy ra va chạm sẽ khiến thiên thạch di chuyển ra xa khỏi Trái Đất”, NASA cho biết.

Vụ thiên thạch va chạm Trái đất gần nhất là sự kiện Tunguska xảy ra năm 1908 ở Siberia , khi một tiểu hành tinh phát nổ trong bầu khí quyển, tạo ra một quả cầu lửa rộng 50 – 100m và san phẳng khoảng 80 triệu cây xanh. Được biết, một người đã chết trong vụ việc. Nếu khu vực bị tác động có đông dân cư hơn, các hiệu ứng sẽ là khủng khiếp.

videoinfo__video3.dkn.tv||414bbd01d__