Đại Kỷ Nguyên

Thử nghiệm của NASA: Điều gì sẽ xảy ra nếu một tiểu hành tinh va chạm với Trái Đất?

Thử nghiệm của NASA: Điều gì sẽ xảy ra nếu một tiểu hành tinh va chạm với Trái Đất?

Ảnh minh họa

Từ trước tới nay, chúng ta đều rất cẩn trọng khi nói về các mối đe dọa ngoài Trái Đất. NASA( Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Hoa Kỳ ) và FEMA( Cơ quan Quản lý Tình trạng Khẩn cấp Liên bang ) cũng luôn có sự quan tâm sâu sắc tới những mối nguy hiểm tiềm tàng này. Và họ sẽ có một động thái rất hấp dẫn trong tuần này.

(Ảnh: ExtremeTech)

Hai cơ quan trên, cùng với một số tổ chức quốc tế, đang tổ chức một cuộc diễn tập để hiểu rõ những gì sẽ xảy ra trong trường hợp một tiểu hành tinh, sao chổi hoặc các vật thể gần Trái đất khác (NEO) rơi xuống hành tinh của chúng ta.

Tháng 6/2018, NASA cho biết khả năng xảy ra loại thảm họa tự nhiên như thế này là rất thấp, nhưng một khi nó xảy ra, đó chắc chắn sẽ là thảm họa khủng khiếp.

Hai cơ quan của Hoa Kỳ đang hợp tác với các tổ chức quốc tế như Văn phòng Điều phối Phòng thủ Hành tinh NASA (PDCO), Cơ quan Nhận dạng Tình huống Không gian-Vật thể gần Trái Đất trực thuộc Cơ quan Vũ trụ Châu Âu và Mạng lưới Cảnh báo Tiểu hành tinh Quốc tế (IAWN).

 
(Ảnh: KWES)

Đây là một cuộc diễn tập

Cuộc diễn tập sẽ bắt đầu vào tuần này tại Hội nghị Phòng thủ Hành tinh thường niên – nơi các nhà khoa học từ khắp nơi trên thế giới gặp gỡ để thảo luận về các “vật thể tiềm ẩn mối đe dọa” đến Trái Đất. Cụ thể, họ sẽ tham gia vào một kịch bản giả định trong đó một tiểu hành tinh có quỹ đạo va chạm với Trái Đất.

Trung tâm Nghiên cứu các Vật thể gần Trái Đất trực thuộc Phòng Thí nghiệm Sức đẩy Phản lực của NASA (CNEOS) đã đưa ra một giả định.

Đây là viễn cảnh mà họ đã tạo ra:

Ngày 26/3, các nhà thiên văn học đã phát hiện ra một vật thể gần Trái Đất có khả năng gây nguy hiểm cho hành tinh của chúng ta. Sau khi theo dõi một tiểu hành tinh mà họ đặt tên là PDC 2019 trong nhiều tháng, họ đã xác định rằng có 1% khả năng nó sẽ va chạm với Trái Đất vào năm 2027. (Các nhà khoa học đã thiết lập tỷ lệ này là ngưỡng hành động). Đối diện với tình huống này, các quan chức và nhà khoa học quản lý tình trạng khẩn cấp sẽ phải làm gì?

Buổi họp về vụ diễn tập mô phỏng vụ va chạm thiên thạch vào năm 2020 giữa đại diện đến từ NASA, FEMA và một số cơ quan khác của chính phủ Mỹ vào ngày 25/10/2016. (Ảnh: The Aerospace Corporation)

Chuyên gia phòng vệ hành tinh của NASA, ông Lindley Johnson cho biết:

“Những bài diễn tập này đã thực sự giúp cộng đồng phòng vệ hành tinh chúng tôi hiểu hơn việc những đồng nghiệp của chúng tôi ở phía quản lý thảm họa cần phải làm gì. Bài tập này sẽ giúp chúng tôi giao tiếp hiệu quả hơn với nhau cũng như với các chính phủ”.

Làm nhiều rồi sẽ tốt

Cho đến nay NASA đã tham gia sáu cuộc diễn tập mô phỏng vụ va chạm của các vật thể gần Trái Đất. Họ đang trong quá trình tiếp tục nghiên cứu những vị trí và hiệu ứng va chạm chính xác hơn có thể xảy ra, cũng như các kiểu chuyển động quỹ đạo. Từ đó, họ sẽ có thể đưa ra dự đoán chính xác hơn trong trường hợp có mối đe dọa thực sự.

Ảnh minh họa một tiểu hành tinh đang có quỹ đạo bay về phía trái đất. (Ảnh: Urikyo33/Pixabay)

Tháng 12 năm ngoái, con tàu OSIRIS-REx của NASA cuối cùng đã đến được tiểu hành tinh Bennu.

Nó sẽ dành hai năm để nghiên cứu Bennu. Bằng cách nghiên cứu tiểu hành tinh gần Trái Đất này, các nhà khoa học hy vọng sẽ có được nhiều thông tin hơn về các tiểu hành tinh có thể va chạm với Trái Đất cũng như cách các hành tinh này hình thành và sự sống bắt đầu.

Theo NTD

Nhật Quang biên dịch

Xem thêm:

Exit mobile version