Đại Kỷ Nguyên

Thú vị ‘cụ’ thông ngàn năm tuổi có đội vệ sĩ riêng ở Trung Quốc. Việt Nam có cả một rừng

Mỗi năm có hàng triệu du khách tới thăm miền đông Trung Quốc để chiêm ngưỡng dãy núi Hoàng Sơn hùng vĩ của tỉnh An Huy. Rặng núi này nổi tiếng với khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp cùng những đỉnh núi phủ đầy mây trắng lững lờ. Trong số những khu vực được du khách yêu thích nhất không thể không kể đến Cây thông Nghênh khách (Greeting Pine).

Cây thông Nghênh khách là một biểu tượng cho lòng hiếu khách của Trung Quốc từ những năm 1950, do cây thông cao 10 m này sinh trưởng giống như hình ảnh một quý ông đang mở rộng vòng tay của mình để chào đón du khách thập phương. Bởi ý nghĩa quan trọng như vậy, nên cái cây ít nhất 800 tuổi này cần có một đội bảo vệ riêng.

Từ đầu những năm 1980, luôn có một người được giao nhiệm vụ trông chừng sức khỏe của cây thông Nghênh khách, và công việc bảo vệ này diễn ra bất kể thời gian, không quản nắng mưa.

Người giám hộ của cây thông

Người giám hộ hiện tại của cây thông Nghênh khách là anh Hu Xiaochun, một cựu chiến binh. Anh bắt đầu làm việc ở công viên vào năm 2006 và trở thành người giám hộ cho cây thông từ năm 2011, tới nay đã được 7 năm. Anh đã dành 1 năm để học hỏi kinh nghiệm từ người giám hộ tiền nhiệm, trước khi anh được cho phép trông coi cái cây một mình. Người giám hộ tiền nhiệm chia sẻ rằng Hu không nên chỉ coi cái cây đơn giản là một mẫu vật, mà phải xem nó như một thành viên trong gia đình, một người bạn, một người thân.

Hu dành cả ngày để theo dõi cái cây. Cứ hai giờ một lần – hoặc mỗi nửa giờ trong thời tiết khắc nghiệt – anh sẽ kiểm tra các giá đỡ, hệ thống thoát nước và chống sét của cây. Anh cũng sử dụng một kính lúp để kiểm tra những tổn thương trên vỏ cây và tìm kiếm sâu bọ đục khoét. Hu ghi lại tất cả mọi thứ trong một quyển nhật ký, và cách thức ghi nhật ký như thế này đã bắt đầu từ thời kỳ của những người giám hộ đầu tiên. Cho tới nay, Hu là người giám hộ thứ 19 của cái cây.

Cứ hai giờ một lần – hoặc mỗi nửa giờ trong thời tiết khắc nghiệt – anh Hu sẽ kiểm tra các giá đỡ, hệ thống thoát nước và chống sét của cây. (Ảnh: NBC News)

Ngoài những sinh vật nhỏ bé, Hu cũng phải để mắt tới những vị khách du lịch quá khích. Cây thông Nghênh khách là một điểm chụp ảnh phổ biến và với hàng triệu du khách tham quan, trong đó có rất nhiều người có khả năng tiếp cận cái cây quá gần. Một hệ thống an ninh đã được thiết lập, nó sẽ khiến điện thoại của Hu phát ra âm thanh cảnh báo bất cứ khi nào có ai đó vượt qua rào cản.

“Mồ hôi của con người làm hỏng vỏ cây thông, và chúng tôi đang cố gắng đảm bảo rằng cái cây tiếp tục phát triển bình thường”, Hu trả lời phỏng vấn của NBC News.

Hệ thống an ninh tương tự cũng giúp Hu giám sát cái cây vào buổi tối. Mỗi khi trăng lên, sóc và khỉ sẽ đến đây để tìm thức ăn. Nếu nhận được tín hiệu cảnh báo, Hu sẽ rời nhà – một căn nhà gỗ ở gần cái cây – và xua đuổi những con vật đi chỗ khác.

Hu được hỗ trợ bởi một nhóm gồm khoảng 20 người khác. Nếu cái cây gặp phải bất kỳ mối đe dọa nghiêm trọng nào, Hu sẽ lập tức báo cáo chuyện này, và một chuyên gia cây cối sẽ được gửi đến.

Thời tiết khắc nghiệt là một mối quan tâm khác. Hu phải liên tục theo dõi điều kiện thời tiết. Khi cơn bão Haikui tấn công vào năm 2012, Hu đã không thể rời nhiệm vụ để trở về nhà mình (cách dãy Hoàng Sơn khoảng 30 km) để ở bên cô con gái bé nhỏ đang bị viêm phổi.

“Tôi không thể làm bất cứ điều gì khi tôi nhận được cuộc gọi từ nhà, bởi vì nó là một siêu bão” – Hu giải thích.

Công việc chỉ cho phép Hu được về thăm gia đình mỗi tháng một lần. Hu chia sẻ: “Tôi cảm thấy có lỗi khi nghĩ về các con. Công việc quy định rằng tôi chỉ có thể về nhà một lần mỗi tháng. Hầu hết mọi việc trong gia đình đều do vợ tôi gánh vác. Nhưng nếu theo nghề này, bạn phải hoàn thành công việc và bảo vệ tốt cây thông”.

Thời gian đầu, cuộc sống cô đơn trên núi và nhiệm vụ nhàm chán lặp đi lặp lại dường như là một thử thách khó khăn đối với anh. Nhưng dần dần khi thời gian trôi đi, thì cây thông Nghênh khách đã dung nhập vào cuộc sống của Hu, và trở thành một người thân của anh.

“Là một người giám hộ cây thông, nếu bạn nhìn nhận công việc chỉ là chăm sóc một cái cây, thì nó vô nghĩa. Nhưng nếu bạn đối xử với cái cây như một thành viên trong gia đình, thì ý nghĩa của việc này sẽ hoàn toàn khác biệt”.

Và cây thông Nghênh khách cũng đã dạy cho Hu nhiều điều ý nghĩa.

“[Cây thông] dạy tôi trở nên kiên cường. Bất kể thời tiết có xấu tệ như thế nào đi chăng nữa, cũng không thể khiến nó gục ngã. Đây không phải chỉ là một cái cây, mà nó tượng trưng cho tình bạn. Trung Hoa từng là một quốc gia nổi tiếng về lễ nghi. Cây thông mở rộng vòng tay của mình để chào đón mọi người, và chào đón thế giới”.

Bất kể thời tiết có xấu tệ như thế nào đi chăng nữa, cũng không thể khiến cây thông gục ngã. (Ảnh: China Discovery)

Những ‘người anh em’ của cây thông Nghênh khách trên đất Việt

Đường tùng ở danh sơn Yên Tử (Quảng Ninh) với những cây tùng lên tới 700 năm tuổi tuy không phải là những cái cây có tuổi thọ lâu đời nhất ở Việt Nam, nhưng lại mang ý nghĩa lịch sử vô cùng to lớn.

Theo các nhà sử học và khoa học, những cây xích tùng Yên Tử được trồng vào thời Tam Tổ của Thiền phái Trúc Lâm, gồm Phật hoàng Trần Nhân Tông, Pháp Loa và thiền sư Huyền Quang. Sở dĩ những cái cây này được gọi là xích tùng là do gỗ và nhựa cây đều có màu đỏ.

Đường tùng ở danh sơn Yên Tử (Quảng Ninh) với những cây tùng lên tới 700 năm tuổi. (Ảnh: Hành Trình Tâm Linh)

Theo số liệu điều tra vào năm 2012, thì Yên Tử còn 243 cây xích tùng, trong đó chỉ có một ít cây sinh trưởng bình thường, còn lại chủ yếu đang ở trạng thái lão hóa, bị sâu bệnh gây hại nghiêm trọng, và có nguy cơ gãy đổ khi gặp phải thời tiết xấu.

Ban quản lý di tích rừng quốc gia Yên Tử tuy rằng đã áp dụng một số biện pháp bảo vệ để giảm thiểu tác động tiêu cực của con người đến rừng xích tùng, nhưng vẫn là chưa đủ. Nếu có thể áp dụng các biện pháp bảo vệ và chăm sóc như cây thông Nghênh khách, thì có thể kéo dài tuổi thọ của rừng xích tùng thêm vài chục, thậm chí cả trăm năm. Tuy nhiên, để thực hiện được như vậy thì vẫn là một lộ trình dài, vì số lượng cây xích tùng cần bảo vệ ở Yên Tử không phải là một con số nhỏ.

Từ cuối thế kỷ trước, các nhà khoa học trên thế giới đã phát hiện ra rằng cây cối cũng có khả năng suy nghĩ, và cảm quan giống như con người. Nếu như chúng ta có thể bảo vệ tốt cho những cây cổ thụ này, và tìm được cách câu thông với chúng, thì biết đâu chúng có thể kể cho chúng ta nghe những câu chuyện vô giá của lịch sử mà chưa từng được ghi chép trong sử sách. Chỉ không biết rằng liệu trí nhớ của những “cụ” cây ngàn năm tuổi này có tốt đến vậy chăng?

Video:

Ngọc Thuần

Exit mobile version