Voi sinh ra không phải là để cõng khách du lịch… Kỹ thuật tra tấn dưới đây được gọi bằng một cái tên không mấy dễ chịu: “Đập nát” – Đập nát tâm hồn và bản năng của loài voi hoang dã, để chúng “ngoan ngoãn” cõng khách du lịch trên lưng.
Phajaan là một kỹ thuật “truyền thống” được sử dụng ở Ấn Độ, Myanmar và Thái Lan đối với những con voi nhỏ. Theo đó, những tay huấn luyện voi sẽ khiến loài vật khổng lồ này thuần phục con người bằng cách nhốt, bỏ đói, tra tấn, đâm bằng dao, chọc gậy, và cấm ngủ loài vật trong nhiều ngày cho đến khi chúng trở nên “ngoan ngoãn“.
Những con voi con sẽ bị cách ly khỏi mẹ chúng từ khi còn bé, vào khoảng 3 tới 6 năm tuổi. Sau đó, chúng sẽ được những tay huấn luyện “chăm sóc“. Lũ voi con bị nhốt trong các chuồng riêng biệt, chân của chúng bị cột chặt bằng dây thừng, bị kéo giãn. Chúng sẽ thường xuyên bị đánh đập, bị cắt nhiều vết bằng dao, bị mắng chửi, và bị bỏ đói. Một chiếc gậy đầu bịt sắt thường được sử dụng để gõ vào đầu, cắt da, và gõ vào tai của con voi.
Quá trình “đập nát” này sẽ diễn ra trong nhiều tuần, cho đến khi những con voi kiệt quệ. Một số con voi “bất kham” sẽ nhận cái chết tệ hại nhất, sau khi bị sốc, thiếu nước, thiếu thức ăn, và bị thương trong nhiều ngày trời. Số khác sẽ nhận tổn thương vĩnh viễn về tinh thần, và trở nên “ngoan ngoãn” phục tùng con người.
Nếu bạn có cưỡi voi du lịch tại châu Á, hoặc xem xiếc tại rạp, hãy để ý đến tai của lũ voi. Những con voi nào từng trải qua hình thức huấn luyện “đập nát” sẽ có những tổn thương ở tai cực kỳ rõ ràng. Những vết sẹo dài trên tai là hậu quả của quá trình đó.
“Các du khách có thể nghĩ rằng cưỡi voi thì không có ảnh hưởng gì mấy đến chúng. Nhưng sự thật tàn bạo là, để con người có thể giao tiếp với loài voi thì người ta phải phá hủy tinh thần của chúng bằng một quá trình độc ác“, tiến sĩ Jan Schmidt-Burbach, thuộc tổ chức bảo vệ động vật thế giới chia sẻ.
Hiện tại mặc dù không có số liệu chính xác về tình trạng tra tấn voi, nhưng theo các chuyên gia nhận định thì đây là một trong những nguyên nhân chính ảnh hưởng đến số lượng voi châu Á. Mặc dù việc bắt giữ voi hoang dã là trái pháp luật, nhưng khi con voi đã bị “thuần hóa” thì pháp luật lại coi nó như là một động vật được nuôi dưỡng, và nó không còn nhận được bất kỳ quyền bảo hộ nào.
Ở Việt Nam, một số trường hợp voi bị lạm dụng đến chết cũng từng xuất hiện. Ví dụ như vào tháng 5 năm 2015, con voi Na Lieng 43 tuổi thuộc Công ty Cổ phần Du lịch và Thương mại Buôn Đôn bị chết vì kiệt sức. Trước đó vào tháng 1, một con voi 36 tuổi khác cũng gục ngã – người ta tìm thấy nó chết trong tình trạng chân bị xích. Năm 2013, hai con voi cái cũng chết ở Việt Nam vì làm việc quá sức và đói ăn.
Theo tiến sĩ Phạm Văn Thịnh thuộc trung tâm bảo hộ voi tại Đắc Lắc, có khoảng 55 con voi được thuần hóa tại Việt Nam. Hầu hết đều ở trong tình trạng làm việc quá sức: “Khách du lịch đến Đắk Lắk để xem và cưỡi voi. Họ sẽ phải trả rất nhiều tiền cho chủ sở hữu, vì vậy những con voi phải làm việc cả ngày. Chủ của chúng chỉ thả chúng về rừng vào ban đêm“. Trong mùa khô, hoàn cảnh của lũ voi càng tệ hại vì thiếu thức ăn.
Tuy nhiên, lũ voi ở Việt Nam mới chỉ là một phần rất nhỏ trong số 12.000 con bị “thuần hóa” tại châu Á. Năm 2010, tổ chức bảo vệ động vật thế giới đã ghi chép lại tình trạng của những con voi ở Thái Lan qua báo cáo: “Động vật hoang dã trong những chiếc dây thừng“. Tổ chức này đã thực hiện cuộc điều tra trên 1.688 con voi tại 118 địa điểm ở Thái Lan và phát hiện rằng chỉ có 6% trong số các địa điểm này thực sự làm công việc bảo tồn voi. Một nửa số voi ở trong tình trạng tồi tệ.
Trong sách đỏ IUCN, loài voi châu Á có số lượng vào khoảng 38.000 đến 50.000 con và được liệt vào trạng thái “gặp nguy hiểm” và cần được bảo tồn.
Theo TheDoDo
Quang Minh
Xem thêm: