Năng lượng sạch đang là vấn đề mà thế giới quan tâm để có được sự phát triển bền vững, thân thiện với môi trường. Vào tháng 5/2016, tiến sĩ khoa học Daniel G. Nocera của Đại học Harvard tuyên bố rằng ông đã tạo ra những con vi khuẩn có thể hấp thụ ánh sáng mặt trời để tạo ra năng lượng.
Tiến sĩ Nocera cho biết trong một bài giảng tại Viện Chính sách Năng lượng ở Chicago: “Ngay bây giờ, chúng tôi đang tạo ra isopropanol, isobutanol và isopentanol“. “Những nhiên liệu này đều có thể được đốt trực tiếp. Và nó đến từ khí hydro trong quá trình phân tách nước và hấp thụ khí CO2 của vi khuẩn. Đó là những điều con vi khuẩn này đang thực hiện“.
Hiệu suất tạo năng lượng từ CO2 của vi khuẩn này đã gấp 10 lần so với cây cối, vượt ngoài mong đợi là 5 lần theo dự tính của Tiến sĩ Nocera.
Trước đó, lá nhân tạo của ông đã tạo một tiếng vang lớn trong ngành khoa học khi nó có thể tạo ra khí hydrogen và oxy từ nước. Tuy nhiên dự án này lại không phát triển như hứa hẹn vì thế giới vẫn chưa sẵn sàng cho nhiên liệu hydrogen. Nếu hydrogen từ lá có thể kết hợp với khí CO2 để tạo thành nhiên liệu cồn, nhiên liệu có thể được sử dụng thay thế cho dầu diesel truyền thống thì khả năng ứng dụng sẽ cao hơn.
Vì vậy, trong 18 tháng qua, Tiến sĩ Nocera đã làm việc với các nhà sinh vật học thuộc Trường Y Harvard để tạo ra một loại vi khuẩn gọi là Ralston eutropha để tiêu thụ hydro và CO2, chuyển hóa chúng thành adenosine triphosphate (ATP), phân tử năng lượng được tạo ra bởi các sinh vật tự nhiên. Dựa trên những khám phá trước đó của Giáo sư vi sinh vật học Anthony Sinskey của Học viện MIT, họ đã chèn nhiều gen để chuyển đổi ATP thành cồn và khiến vi khuẩn này bài tiết nó.
Nếu dự án này có thể ứng dụng thành công thì một nguồn năng lượng sạch mới có thể phát triển mà không cần phải cạnh tranh với các ngành công nghiệp đã thiết lập. Hơn nữa, đây là năng lượng sạch thân thiện với môi trường.
Minh Đạo tổng hợp
Xem thêm: