Đảo Pitcairn là một địa điểm quá xa xôi, cùng với một lịch sử quá đỗi kỳ lạ đến nỗi cho đến tận thời gian gần đây, người ta hầu như vẫn coi nó như một huyền thoại hơn là thực tế. Nhưng cái “huyền thoại” của hòn đảo tí hon trên biển Thái Bình Dương này hóa ra lại là sự thật.
Năm 1970, sau khi một nhóm thủy thủ nổi loạn trên tàu HMS Bounty, cùng với một nhóm nhỏ người dân Pô-li-nê-di, họ đặt chân lên hòn đảo Pitcairn, tình huống trên đảo nhanh chóng trở nên giống như được miêu tả trong cuốn tiểu thuyết nổi tiếng năm 1954 “Chúa ruồi”, trong đó một nhóm các chàng trai trẻ bị mắc kẹt trên một hòn đảo hoang đã dần dần trở nên hoang dại và mất đi lương tính.
Đối mặt với sự cô lập về khoảng cách, xã hội và tâm lý, cùng với sự thôi thúc đấu tranh giành quyền lực, dân số trên đảo Pitcairn đã nhanh chóng sụt giảm do những vụ sát hại, tự tử đến điên cuồng. Những cư dân còn lại rơi vào vực thẳm loạn luân, lạm dụng tình dục và phạm pháp. Ngày nay, chỉ còn sót lại 47 cư dân từ bốn gia đình duy nhất trên hòn đảo bất hạnh, một hòn đảo mang theo nó một lịch sử đen tối và xấu xa, vốn đã được kể đi kể lại trong nhiều phim ảnh và sách báo.
Một vùng đất xa xôi
Pitcairn là một trong bốn hòn đảo núi lửa ở Nam Thái Bình Dương cấu thành nên quần đảo Pitcairn. Nằm cách lục địa khoảng 4830 km, ở khoảng giữa New Zealand và châu Mỹ, Pitcairn là một trong những hòn đảo xa xôi nhất có người ở và là vùng đất thuộc chính quyền có ít người dân nhất trên thế giới. Nó cũng là lãnh thổ hải ngoại cuối cùng của Anh (thuộc địa cũ của Anh) ở biển Thái Bình Dương.
Hòn đảo này không lớn hơn quá nhiều so với Công viên Trung tâm (Central Park) ở New York.
Đảo Pitcairn (Ảnh: Matthias Schlüter/CC BY)
Trải dài chỉ 3,6 km từ cực đông đến cực tây, hòn đảo này không lớn hơn quá nhiều so với Công viên Trung tâm ở New York. Nhưng cái điểm bé tí tẹo trên đại dương này lại có một lịch sự lâu dài và đầy biến động, với cao trào là sự nhập cư và thoái hóa của một quần thể nhỏ những người đã định cư ở đây từ thế kỷ 18.
Nền văn minh thất lạc
Lịch sử của quần đảo Pitcairn đã trải dài ít nhất chín thế kỉ, khi quần đảo bị người Pô-lê-nê-di chiếm làm thuộc địa. Nền văn hóa của họ đã phát triển rực rỡ tại đây trong khoảng bốn thế kỉ trước khi họ biến mất một cách bí ẩn. Những phát hiện khảo cổ cũng chỉ ra rằng có nhiều chủng người đa dạng các nguồn gốc từng đặt chân lên đảo Pitcairn vào những thời điểm khác nhau trong quá khứ.
Khi người châu Âu lần đầu tiên đặt chân lên Pitcairn và các hòn đảo lân cận, họ đã phát hiện thấy rất nhiều hiện vật và vết tích của những cư dân trước đây, bao gồm các tượng thần được tạc bằng đá ghồ ghề với mục đích canh gác cho những di chỉ linh thiêng, hình tượng động vật và con người được chạm khắc vào các vách đá, tranh chạm khắc đá, các khu vực mai táng có chứa hài cốt của con người, lò đất, rìu đá, rãnh máng và các di vật khác.
Tuy vẫn chưa thể xác định chắc chắn nguồn gốc và điểm đến tiếp theo của của người Pô-li-nê-di, nhưng người ta cho rằng họ đến từ Mangareva, khoảng 480 km về phía Tây Bắc của lãnh thổ Polynesia thuộc Pháp.
Nghệ thuật chạm khắc gỗ của Mangareva (Ảnh: Cliff/Flickr/CC BY)
Cuộc nổi loạn trên tàu Bounty
Vào năm 1788, con tàu HMS Bounty rong buồm từ Anh tới Thái Bình Dương để thu gom sa kê (breadfruit) nhằm cung cấp lương thực cho nô lệ ở Tây Ấn. Trong quá trình dừng chân khoảng 5 tháng trên đảo Tahiti, thủy thủ của tàu Bounty đã trở nên chìm đắm trong những mối tình nồng nhiệt và lối sống của người Tahiti nên không muốn nhổ neo tiếp tục hành trình.
Khi Đại úy William Bligh ban hành những hình phạt khắc nghiệt lên thủy thủ đoàn do tình trạng thiếu kỷ luật, Trung úy Fletcher Christian đã tập hợp một nhóm các thủy thủ bất mãn để phát động một cuộc nổi loạn chống lại ông. Ngày 28/4/1789, chỉ 23 ngày sau khi rời khỏi cuộc sống hưởng thụ trên đảo Tahiti, những kẻ nổi loạn đã nắm quyền chỉ huy tàu Bounty và thả trôi Đại úy William Bligh cùng 18 thủy thủ trung thành của ông lênh đênh trên một chiếc xuồng.
Fletcher Christian và những kẻ nổi loạn đã thả trôi Đại úy William Bligh và 18 thủy thủ khác lênh đênh trên một chiếc xuồng; bức vẽ vào năm 1790 của họa sĩ Robert Dodd. (Ảnh: Public Domain)
Đại úy William Bligh đã hoàn thành một cuộc hành trình dài hơn 6.500 km, và cuối cùng cập cảng nước Anh vào tháng 4/1790, rồi ngay lập tức sau đó ông phái tàu HMS Pandora đi bắt những kẻ nổi loạn.
Trong khi đó, Christian, cùng với 9 kẻ nổi loạn và 18 người Pô-li-nê-di—bao gồm 6 nam, 11 nữ, và 1 đứa trẻ—đã tìm kiếm một nơi trú ngụ mới để tránh khỏi việc bị bắt. Họ đã cập bờ hòn đảo Pitcairn vào ngày 15/1/1790, và tại đó họ đã đốt và làm chìm con tàu Bounty (hiện vẫn có thể được quan sát trong lòng biển vùng vịnh Bounty). Đối với thế giới còn lại, những kẻ nổi loạn đó dường như đã biến mất khỏi Trái Đất.
‘Chúa ruồi’
Lúc ban đầu những người định cư trên đảo đã sinh tồn nhờ trồng trọt và đánh cá. Tuy nhiên, giống như trong tiểu thuyết nổi tiếng “Chúa ruồi” (Lord of the Flies), tình trạng này kéo dài không lâu trước khi sự cô lập, cùng với việc thiếu các bộ luật chính quyền và xã hội, đã dẫn đến sự bùng phát lòng đố kị, hành vi phản bội và mưu sát.
Rất nhiều mâu thuẫn đã xảy ra xung quanh tình trạng thiếu phụ nữ trên hòn đảo. 5 trong số những kẻ nổi loạn đã bị những người đàn ông Pô-li-nê-di sát hại, vì họ tin rằng các thành viên thủy thủ đoàn người Anh đã từng đối xử với họ như nô lệ và cướp mất những người phụ nữ của họ.
Để trả thù, những kẻ nổi loạn còn lại đã sát hại những người đàn ông Pô-li-nê-di. Hai kẻ nổi loạn, Edward Young và John Adams, tin rằng tính mạng của họ đang bị đe dọa bởi một kẻ nổi loạn khác tên là Matthew Quintal, nên họ đã xử tử anh ta để đảm bảo “hạnh phúc” cho cộng đồng. Một kẻ nổi loạn khác tên là William McCoy đã tự tử sau khi nốc quá nhiều bia chưng cất tại địa phương. Một vài cư dân khác trên đảo đã qua đời vì bệnh tật.
Cho đến năm 1800, chỉ 10 năm sau khi định cư, tất cả những người đàn ông Pô-li-nê-di đều bị sát hại, và chỉ duy nhất một kẻ nổi loạn còn lại sống sót (John Adams), cùng với 9 phụ nữ Pô-li-nê-di và 19 đứa trẻ.
Ngôi nhà và phần mộ của John Adam trên đảo Pitcairn, ngày 12/8/1849 (Ảnh: Admiral Edward Gennys Fanshawe/Public Domain)
John Adams đã chiểu theo Kinh thánh để xây dựng một xã hội mới mẻ và yên bình, nuôi dạy những đứa trẻ theo những chuẩn mực đạo đức khắt khe. Ông sống trên đảo Pitcairn cho đến khi qua đời vào năm 1829, thọ 65 tuổi. Ông là người duy nhất trên đảo có một chỗ an táng rõ ràng.
Tái phát hiện hòn đảo
Năm 1808, sau 18 năm bị cô lập, Pitcairn và sự hiện diện của những kẻ nổi loạn trên đảo đã được phát hiện bởi một con tàu Mỹ mang tên Topaz. Sáu năm sau, hai con tàu Anh HMS Briton và HMS Tagus đã tình cờ cập bến đảo Pitcairn. Sau khi tái phát hiện ra hòn đảo Pitcairn, John Adams đã được ban ân xá cho hành vi tham gia vào cuộc nổi loạn.
Dân số hòn đảo bắt đầu gia tăng nhanh chóng khi nhiều du khách đến và định cư lại nơi đây, trong khi những người khác bị đắm tàu và bị bỏ lại trên bờ biển nên đã buộc phải ở lại.
Năm 1838, đảo Pitcairn đã trở thành một phần thuộc địa của Anh, và cho đến thời điểm đó, những người dân trên đảo đã đi theo tín ngưỡng của Giáo hội Anh. Tuy nhiên, vào năm 1886, John Tay – nhà truyền giáo của giáo phái Cơ đốc Phục Lâm (Seventh-Day Adventist) đã đặt chân lên đảo và cải đạo những người dân trên đảo, bao gồm cả những người Pô-li-nê-di, để chấp nhận tín ngưỡng của ông. Cho đến ngày nay, những người dân trên đảo Pitcairn vẫn là những tín đồ trung thành của giáo phái này.
Thiên đường thất lạc
Một tôn giáo mới đã mang lại hòa bình đến cho hòn đảo và dường như bạo lực và sự phản bội trên đảo Pitcairn đã đi đến hồi kết. Tuy nhiên, một cuộc điều tra cách đây chỉ hơn một thập kỷ vừa qua đã tiết lộ rằng tội ác vẫn còn ẩn nấp trên hòn đảo bất hạnh này.
Tuy nhiên, một cuộc điều tra cách đây chỉ hơn một thập kỷ vừa qua đã tiết lộ rằng tội ác vẫn còn ẩn nấp trên hòn đảo bất hạnh này.
Năm 2004, 7 người đàn ông—tức hơn một nửa số đàn ông trưởng thành trên đảo— đã bị cáo buộc với 96 tội danh lạm dụng, bao gồm hiếp dâm và quấy rối tình dục, và nạn nhân chủ yếu là trẻ em.
Một vài cáo buộc đã truy về từ bốn thập kỷ trước. Phiên tòa kéo dài nhiều tháng đã hé mở một nền văn hóa bám rễ sâu rộng với các hành vi lạm dụng, loạn luân và khiếm nhã phổ biến trên đảo. Sau những phiên xét xử quy mô lớn, hầu hết đàn ông trên đảo đều bị kết án, bao gồm cả thị trưởng hòn đảo vào thời điểm đó. Chính phủ Anh đã cho xây một nhà tù trên đảo và những người đàn ông bắt đầu chấp hành án phạt vào năm 2006.
Hiện nay, chỉ còn sót lại 47 người trên đảo, hầu hết trong số họ là hậu duệ của những kẻ nổi loạn và thân quyến của những người Tahiti đi cùng họ. Phần lớn đều mang họ Christian, đặt theo người dẫn đầu cuộc nổi loạn, Fletcher Christian, vì ông là cha của rất nhiều đứa trẻ trước khi bị sát hại.
Nơi đây từng được coi là nơi chốn cư trú bình an, vậy mà hòn đảo thiên đường này hóa ra vẫn nằm bên dưới những đám mây đen tối của một lịch sử lâu dài và hắc ám.
Vũ trụ chứa đầy những điều bí ẩn đang thách đố tri thức hiện tại của nhân loại. Chuyên mục “Khoa học huyền bí” của thời báo Đại Kỷ Nguyên sưu tầm các câu chuyện về những hiện tượng kỳ lạ để kích thích trí tưởng tượng và mở ra những khả năng chưa từng mơ tới. Chúng có thật hay không? Điều đó tùy bạn quyết định!
Tác giả: April Holloway, Ancient Origins
Đăng tải với sự cho phép. Đọc bản gốc ở đây.
Ngọc Mai biên dịch
Xem thêm: