Đại Kỷ Nguyên

Tìm ra vi khuẩn ‘ăn’ rác thải nhựa: Bước ngoặt trong cuộc chiến chống ô nhiễm

Nhà hoạt động môi trường Alison Teal bơi cạnh các chai nhựa trên đảo Maldive (Ảnh: Caters)

Các nhà khoa học Nhật Bản vừa phát hiện được một loại vi khuẩn có thể phá vỡ cấu trúc của loại nhựa dùng để đóng chai nước khoáng, vốn từ lâu vẫn được coi là một loại phế phẩm không thể tự hủy sinh học.

Vi khuẩn mới này sử dụng hai loại enzyme để phá vỡ hợp chất Polyethylene terephthalate (PET) – sử dụng để chế tạo các chai nước uống, trang phục và các loại sản phẩm khác bằng nhựa – thành khí CO2 và nước.

Phát hiện này, được đăng tải lần đầu trên tạp chí Science, có thể báo hiệu một bước đột phá cách mạng trong ngành công nghiệp tái chế.

Chúng ta sẽ có thể tìm ra một phương pháp tái chế [mới] thân thiện với môi trường và có thể được tiến hành với công sức bỏ ra là ít nhất.

— Kohei Oda, giáo sư sinh học

Vi khuẩn này đã được quan sát đang phá vỡ một lớp hợp chất PET mỏng sau 6 tuần trong một phòng thí nghiệm tại mức nhiệt độ 30 độ C. Quá trình phân hủy gồm 2 bước. Đầu tiên một enzyme sẽ phân tách PET thành một loại chất trung gian, vốn sau đó sẽ được phân tách tiếp nữa thành các khối phân tử căn bản hơn, vốn rốt cuộc sẽ trở thành khí CO2 và nước.

Nhựa là một nhân tố chủ chốt góp phần vào tình trạng ô nhiễm trên thế giới. Trong năm 2015, Việt Nam nằm trong top 5 quốc gia có lượng rác thải nhựa xả ra biển nhiều nhất, theo một nghiên cứu của Tổ chức Bảo tồn Đại dương và Trung tâm Kinh doanh và Môi trường Mckinsey.

Tác giả: Jonathan Zhou, Đại Kỷ Nguyên tiếng Anh.
Đọc bản gốc ở đây.
Quý Khải biên dịch

Xem thêm:

Exit mobile version