Đại Kỷ Nguyên

Tìm thấy siêu vi khuẩn kháng mọi loại thuốc kháng sinh ở Trung Quốc: Bạn có nên lo sợ?

Các nhà nghiên cứu ở Trung Quốc vừa có một phát hiện thật đáng sợ. Họ đã tìm thấy một loại gen bên trong một vi khuẩn E. coli, có khả năng lập trình vi khuẩn này kháng colistin, một loại kháng sinh thuộc dạng “cứu cánh cuối cùng” để điều trị các ca nhiễm trùng khó chữa. (Benjamin Chasteen/Đại Kỷ Nguyên Anh ngữ)

Các nhà nghiên cứu Trung Quốc vừa có một phát hiện thật đáng sợ. Họ đã tìm thấy một loại gen bên trong vi khuẩn E. coli, có khả năng lập trình vi khuẩn này kháng colistin, một loại kháng sinh thuộc dạng “cứu cánh cuối cùng” để điều trị các ca nhiễm trùng khó chữa. Nhưng còn tệ hơn, khi loại gen này, được phát hiện trên cơ thể một con lợn, lại xuất hiện trong plasmid của vi khuẩn thay vì trong bộ gen của nó, từ đó gia tăng khả năng lây nhiễm lên rất nhiều lần.

Sự xuất hiện của một loại vi khuẩn kháng nhiều loại thuốc đã khơi dậy viễn cảnh ngày tận thế khi một con “siêu bọ” có thể kháng tất cả các loại thuốc kháng sinh bắt đầu tàn phá thế giới bằng một đại dịch Cái chết Đen lần thứ hai. Nhiều năm đã trôi qua nhưng không xuất hiện một cuộc đại khủng hoảng nào, nhưng phải chăng đã đến lúc chúng ta nên cảm thấy lo sợ? “Có đấy”, các nhà nghiên cứu bệnh dịch và các nhà lâm sàng chuyên nghiên cứu hiện tượng kháng thuốc kháng sinh trả lời rất chắc nịch.

Điều này nằm cùng danh sách với những tin tức tồi tệ nhất tôi từng được nghe.

— Giáo sư Lance Price, Học viện Y tế Công cộng Milken

Có nhiều loại thuốc kháng sinh thuộc loại cứu cánh cuối cùng, và sự gia tăng nhanh chóng của loại gen mới được phát hiện gần đây không đồng nghĩa với việc các bác sĩ sẽ hoàn toàn bất lực, nhưng nó sẽ làm trầm trọng thêm một tình trạng sức khỏe cộng đồng đang ngày càng nổi cộm.

Các loại thuốc kháng sinh “cứu cánh cuối cùng” – liệu pháp chữa trị khi vi khuẩn tỏ ra có thể kháng cự mọi loại thuốc khác – thường khá đắt tiền, có những tác dụng phụ cực mạnh, và không phải tất cả loại thuốc đều phù hợp với mọi bệnh nhân.

Một báo cáo từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) vào tháng 9/2013 ước tính số người chết hàng năm do nhiễm trùng kháng thuốc kháng sinh ở Mỹ là vào khoảng 23.000, và chi phí xã hội của những ca nhiễm trùng này có thể lên đến 35 tỉ USD.

Nhưng đây mới chỉ là khởi đầu.

Ngày tận thế sẽ sớm xuất hiện

Việc phỏng đoán chính xác tốc độ phát triển của các chủng vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh và tốc độ tìm ra các loại thuốc kháng sinh đối kháng mới là một việc làm vô ích, nhưng những viễn cảnh tồi tệ nhất lại có thể cung cấp một cơ sở tham khảo hữu ích.

Một người bán dược phẩm đang lấy một lọ thuốc kháng sinh trên giá thuốc ở thành phố Miami. (Ảnh tài liệu, Joe Raedle/Getty Images)

Dựa trên kết quả một báo cáo năm 2014 được thủ tướng Anh David Cameron ủy nhiệm thực hiện, người ta đã ước tính rằng nếu tình trạng kháng thuốc kháng sinh đạt mức 100% trong vòng 15 năm tới, thì các ca nhiễm trùng sẽ có thể cướp thêm 10 triệu mạng người trên toàn thế giới mỗi năm – khiến căn bệnh này trở nên chết người hơn cả bệnh ung thư – và sẽ làm thế giới tiêu tốn 100 nghìn tỉ USD vào năm 2050.

Giả định cho rằng tình trạng kháng thuốc kháng sinh có thể đạt mức 100% hoàn toàn không phải là phi lý. Số lượng các thuốc kháng sinh mới được phê chuẩn cho sử dụng lâm sàng đã giảm từ 113 vào năm 2000 xuống còn 96 vào năm 2014, đồng thời các loại thuốc kháng sinh hiện hành hết thời được đưa ra khỏi thị trường đang ở mức cao gấp đôi so với các loại thuốc kháng sinh mới đang được đưa vào.

Đáng tiếc thay, tôi tin rằng nỗi lo lắng và hồi chuông cảnh báo hiện nay về tình trạng phát triển của kháng sinh và kháng thuốc kháng sinh là hoàn toàn có cơ sở.

— Phó giáo sư Gautam Dantas, Trường Y Đại học Washington

Cùng lúc, những siêu vi khuẩn mới đang nhăm nhe xuất hiện. Tụ cầu vàng kháng methicillin (MRSA) – một chủng nhiễm khuẩn tụ cầu thường lây lan tại các cơ sở y tế – hiện đã là một sát thủ khét tiếng, và có thể sẽ sớm có thêm E. coli ST131, một loại vi khuẩn gần như có thể kháng tất cả các loại thuốc kháng sinh trị nhiễm trùng đường tiết niệu.

“Thật đáng tiếc, nhưng tôi tin rằng nỗi lo lắng và hồi chuông cảnh báo hiện nay về tình trạng phát triển của kháng sinh và kháng thuốc kháng sinh là hoàn toàn có cơ sở”, ông Gautam Dantas, phó giáo sư bệnh lý học và miễn dịch học tại Trường Y Đại học Washington ở St. Louis nhận định. “Nỗi lo ngại có bằng chứng của tôi đặt tình trạng này ở mức độ 9 (trên thang điểm 10), đặc biệt nếu chúng ta tiếp tục tình trạng như hiện nay”.

Bi kịch của người dân

Cấu trúc của hệ thống luật bằng sáng chế dược ở Mỹ, kết hợp với cách thức sử dụng thuốc kháng sinh tốt nhất, đang mạnh mẽ cản trở việc đầu tư vào phát triển các loại thuốc mới.

Bằng sáng chế dược có hiệu lực trong vòng 20 năm, nhưng các thử nghiệm lâm sàng (trước khi được đưa ra thị trường) thường được tiến hành trong hơn một thập kỷ. Ngoài ra, các loại thuốc kháng sinh mới sẽ được định lượng sử dụng, vì quan ngại rằng việc sử dụng quá mức sẽ sinh ra tình trạng kháng thuốc sớm. Điều này khiến việc nghiên cứu thuốc kháng sinh trở thành một lĩnh vực không mấy lời lãi đối với các công ty dược phẩm, cho nên từ năm 2008 đến 2012, chỉ có một loại thuốc kháng sinh được Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) phê chuẩn, giảm xuống từ 16 loại trong giai đoạn từ năm 1983 đến năm 1987.

Sự thất bại của thị trường thuốc kháng sinh hiện vẫn chưa được chính phủ Mỹ điều chỉnh, và các nỗ lực kiềm chế tình trạng kháng thuốc kháng sinh lại dựa vào việc hạn chế lạm dụng thuốc kháng sinh.

Tổng thống Mỹ Obama đã ban hành một Mệnh lệnh hành pháp (executive order) để giải quyết tình trạng kháng thuốc kháng sinh vào tháng 3 vừa qua, trong đó bao gồm các nỗ lực mạnh mẽ nhằm cắt giảm tình trạng lạm dụng thuốc kháng sinh. Nhưng cho đến nay chưa có quỹ mới nào dành cho nghiên cứu được công bố, một công việc đòi hỏi sự hợp tác của Quốc hội Mỹ.

Việc giảm thiểu việc sử dụng thuốc kháng sinh khi không thực sự cần thiết sẽ làm chậm lại tốc độ phát sinh của các chủng kháng thuốc, và việc căn chỉnh thời gian nói riêng đã có thể tạo ra một sự khác biệt to lớn.

Báo cáo năm 2014 của Anh cho thấy việc trì hoãn 100% tình trạng kháng thuốc kháng sinh trong vòng 10 năm có thể giúp tiết kiệm đến 65 nghìn tỉ USD tổng sản lượng thế giới vào năm 2050.

“Các công ty [tư nhân] được kỳ vọng sẽ công bố các chương trình hạn chế sử dụng thuốc kháng sinh tự nguyện. Nhiều công ty như Walmart, McDonalds, Chick-fil-A, và Chipotle đã và đang xúc tiến chương trình này”, Kevin Outterson, một chuyên gia luật y tế tại Đại học Boston, trao đổi trong một email.

Để các siêu vi khuẩn bị chặn đứng, thì chúng phải bị chặn đứng ở mọi nơi.

Nhưng để có thể trì hoãn các loại siêu vi khuẩn một cách hiệu quả, thì cần phải có một nỗ lực mang tính toàn cầu. Không giống như các đại dịch mang tính biểu tượng như dịch cúm và dịch Ebola, vốn có các triệu chứng rõ rệt, các chủng lây nhiễm độc hại thường không xuất hiện triệu chứng bệnh, khiến vật chủ không biết được để có thể tiến hành các biện pháp cách ly hoặc cô lập. Nếu siêu vi khuẩn bị ngăn chặn, thì chúng phải bị chặn đứng ở mọi nơi.

“Bạn có thể cảm thấy bản thân hoàn toàn khỏe mạnh nhưng cùng lúc lại đang lây truyền con siêu vi khuẩn đó từ người sang người”, ông Price nói. “Con vi khuẩn này có thể lên máy bay, di chuyển khắp thế giới, rồi lan truyền cho bộ phận dân chúng dễ bị tổn thương nhất: các bệnh nhân ung thư, người già và trẻ nhỏ”.

Nhân tố Trung Quốc

Trong ngắn hạn, viễn cảnh tốt nhất sẽ xảy đến khi Trung Quốc – nơi mà việc sử dụng thuốc kháng sinh trong ngành công nghiệp thịt lợn khổng lồ nhiều khả năng sẽ biến nước này thành trung tâm xuất hiện loại siêu vi khuẩn kế tiếp – đưa ra các tiêu chuẩn khắt khe hơn trong việc sử dụng thuốc kháng sinh. Lý tưởng là, các tiêu chuẩn sẽ trở nên khắt khe như ở Đan Mạch và Thụy Điển, vốn có tỷ lệ lây lan MRSA thấp hơn (một chủng vi khuẩn có tần suất xuất hiện là 1,6% ở Thụy Điển, so với 16,9% ở Pháp).

Những mối lo ngại này cũng đã nhận được sự đồng tình của công chúng Trung Quốc, khi một tỉ lệ đáng kinh ngạc lên đến 83% người dân tin rằng những người nông dân nên sử dụng ít thuốc kháng sinh hơn khi chăm bón cho cây trồng. Đây là tỉ lệ cao nhất trong số 12 quốc gia trong một cuộc khảo sát gần đây được Tổ chức Y tế Thế giới WHO thực hiện.

Do đó, một dấu hỏi lớn trong tiến trình loại trừ gốc rễ của cuộc khủng hoảng này là liệu Trung Quốc có dám tiến hành các biện pháp mạnh tay hay không.

“Nhiều bên liên quan trên trường quốc tế hy vọng là các nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ có hành động mạnh mẽ trong vấn đề này, cả ở trong nước và trong nhóm G20”, ông Outterson nói.

Với thành tích tệ hại của Trung Quốc trong ngành y tế  – bao gồm việc che đậy sự bùng phát của dịch SARS lúc đầu, kế hoạch bán máu được chính phủ hậu thuẫn đã gây nên đại dịch AIDS, và nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng từ các tù nhân lương tâm tại các bệnh viên quân đội để thu lợi nhuận – tiến trình trên có vẻ không mấy sáng sủa trong tương lai.

Làm thế nào để giảm thiểu sự lan rộng của tình trạng kháng thuốc kháng sinh

Tác giả:  Jonathan Zhou, Đại Kỷ Nguyên tiếng Anh
Đọc bản gốc ở đây.
HTL biên dịch

Exit mobile version